Tuy đã cảnh giác cao độ với các “chiêu độc” nhằm “chặt chém” ở bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), nhiều du khách đến đây phải “ôm cục tức” ra về.
Chiêu độc không ngờ
Chị Kiều Thanh ở Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) kể rằng, khi cả nhà chị đang đi dạo trên bãi biển thì thấy có một lâu đài cát nên sà vào chụp ảnh. Khi vừa chụp xong cho con, khoảng 10 kiểu, hai thanh niên xông ra đòi 200.000 đồng.
“Họ nói để được chụp ảnh với lâu đài cát đó chúng tôi phải trả 20.000 đồng/kiểu. Chúng tôi vô cùng ngỡ ngàng vì nó rất nhỏ, giống như một đứa trẻ nào đó mới xây lên. Nhưng hai thanh niên rất dữ tợn, chúng tôi lại đi cùng con nhỏ nên không thể đôi co được, đành phải trả tiền”.
Chưa hết, chị Thanh nói tiếp: “Tối hôm đó nhà tôi đi hát karaoke, thỏa thuận giá từ đầu, mặc cả xuống được 200.000 đồng/giờ. Đến khi thanh toán, tôi tá hỏa vì hóa đơn ghi 2 triệu đồng. Bim bim nhỏ tính 50.000 đồng/gói, 2 đĩa hoa quả lèo tèo vài miếng dưa hấu bị tính 700.000 đồng. Bất ngờ nhất là nhà tôi uống có 2 chai bia nhưng họ lôi đâu ra một đống vỏ chai dưới gầm bàn rồi tính cả vào hóa đơn”.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, du khách Thái Bình, cho biết, đã nghe tiếng du lịch Sầm Sơn, Thanh Hóa “chặt chém” từ lâu nên rất cẩn thận với giá dịch vụ ở đây. Đi đâu, ăn gì anh cũng hỏi giá trước, nhưng không ngờ lại bị họ chơi chữ.
“Chuyện là tôi và vợ thuê xe điện đi hóng mát ngắm cảnh, khi hỏi thì lái xe trả lời 15.000 đồng/người/chặng. Khi xuống, anh ta tính tôi 450.000 đồng cho 2 người. Họ bảo vừa chở chúng tôi đi qua 15 chặng vì đối với họ, cứ đi qua ngã ba là một chặng”, anh Tuấn ấm ức.
Cũng dính phải bẫy chơi chữ như anh Tuấn, cách đây vài năm, một du khách đã bị đánh hội đồng do anh này được mời cưỡi ngựa từ hòn Trống Mái xuống thị xã với giá 5.000 đồng (theo lời chủ ngựa, lấy rẻ như vậy vì đằng nào chủ ngựa cũng đang cho ngựa xuống). Song, đến nơi anh khách bị đòi 2 triệu vì giá 5.000 đồng là tính cho 1 bước của con ngựa. Cuối cùng người này phải lột sạch ví ra trả thì mới được tha.
Rất thẳng thắn, độc giả Đăng Toàn (Ngọc Khánh, Hà Nội), nhận xét rất thất vọng về dịch vụ du lịch ở miền Bắc, điển hình là ở Sầm Sơn. “Em đi Sầm Sơn 2 lần rồi cạch, không bao giờ quay lại đó. Cứ động vào cái gì cũng bị chặt chém, đã mất tiền lại ôm bực vào người. Đi du lịch nghỉ ngơi mà ức chế như thế thì thà ở nhà còn hơn. Đi ăn cua gần bờ biển, em đã thỏa thuận trước là giá 500.000 đồng/kg, nhưng khi thanh toán hóa đơn bị đội lên gấp đôi. Chủ quán nói 500.000 đồng là giá lúc cua sống, cua luộc lên rồi phải cộng thêm 200.000 đồng tiền công luộc; bia thì lúc hỏi giá là bia không lạnh, bia lạnh phải tính giá khác”.
Hôm sau, ra một quán khác, cẩn thận hơn, Toàn hỏi giá mực, công luộc, chỗ ngồi… trước khi ăn, rất yên tâm, ai ngờ vẫn bị tính thêm 50.000 đồng một đĩa tương ớt, 50.000 đồng một đĩa muối chanh và cả tiền công bê ra…
Giăng bẫy khắp nơi
Cùng cảnh ngộ như Toàn, anh Quốc Khánh, 32 tuổi (Nam Định) cho hay, khi cả đoàn anh vào quán hỏi giá kĩ lưỡng, chủ quán báo 500.000 đồng/một nồi lẩu, thấy chấp nhận được nên mấy anh em mới ngồi xuống ăn. Ai ngờ trong hóa đơn cộng thêm 300.000 đồng tiền… nước lẩu.
“Nhưng bực nhất là có hôm mấy anh em đang ngồi uống cà phê, tự dưng có cô nào ở đâu ra nói chuyện, 5 phút sau có đứa hùng hổ xông tới quát sao mày dám trêu ghẹo vợ tao rồi dơ nắm đấm đòi 2 triệu bồi thường danh dự…”, anh Khánh bức xúc.
Người làm dịch vụ nơi đây tung ra đủ mọi “cái bẫy” khiến du khách, dù có cảnh giác đến mấy, cũng vẫn mắc vào một cách ngoạn mục. Đơn giản như chuyện tính tiền ghế ngồi, Liên Mai – một vị khách đã từng đến Sầm Sơn – cho biết, mặc dù đã được cảnh báo nên đến đâu cũng hỏi giá này đã bao gồm ghế ngồi chưa… nhưng không ngờ cuối cùng cũng bị rơi vào “cái bẫy” chỗ ngồi – cái bẫy mà cô đã cảnh giác nhất.
“Chẳng là, cách đây ít năm mình cùng bạn bè đi Sầm Sơn. Buổi tối chúng mình rủ nhau đi dạo và uống bia với mực nướng trên bãi biển. Khi tìm đến một quầy hàng, họ bảo giá mực khô là 100.000 đồng/con. Mọi người nói “sao đắt thế”, thì họ nói là “giá đắt vì mực rất to”. Rồi nói ngồi chờ họ mang ra cho xem. Sau đó, chủ quán mang ra mấy con mực bé bằng bàn tay, mọi người chê không ăn. Chủ hàng cũng rất vui vẻ nói ‘các anh chị không ăn cũng không sao, nhưng cho xin tiền thuê ghế ngồi’. Chúng tôi lúc đó mới ngớ người ra, nhưng không trả vì thời gian ngồi chờ mang mực ra chỉ 1-2 phút. Lập tức chủ quán đổi giọng, bù lu bù loa lên, và khoảng chục người đến vây quanh, vác cả dao và gậy ra dọa, sừng sộ ‘Chúng mày tưởng chúng mày cậy là người thành phố về bắt nạt dân quê à“.
Những người dân nơi khác đến Sầm Sơn du lịch bức xúc đã đành, ngay cả dân Thanh Hóa chính gốc cũng khó có thể chấp nhận những chiêu trò của người làm du lịch nơi đây.
Thành viên hobai chia sẻ trên một trang mạng xã hội: “Mình dân Thanh Hóa, cách Sầm Sơn khoảng 16km, có bạn bè làm du lịch, khách sạn ở Sầm Sơn cũng khá nhiều. Minh đi Sầm Sơn cũng như cơm bữa nên không lạ gì những trò ở đây nữa. Buồn lắm! Mình luôn mong có một Sầm Sơn văn minh hiện đại.
Để làm được điều đó có vài lời với mọi người thế này: Một là, mong các bạn lên án Sầm Sơn kịch liệt, bằng mọi cách có thể, để tạo dư luận, gây sức ép…! Lúc đó may ra mới có sự thay đổi từ chính quyền. Vì cái này chính quyền phải ra tay mới làm gì đó thay đổi được, chứ dân thì mạnh ai nấy sống thôi. Hai là, tẩy chay, kêu gọi mọi người không đi Sầm Sơn nữa, khi đó, khách ít dần, thu nhập giảm khiến đội quân ăn bám du lịch Sầm Sơn sẽ đi làm cái khác kiếm kế sinh nhai. Những người bám trụ sẽ tự thấy cần thay đổi để tiếp tục sống được với nghề. Đó là quy luật. Lúc đấy chúng ta đi Sầm Sơn tận hưởng cũng chưa muộn.”