Trên chuyến tàu từ ga Paddington trung tâm London đến Oxford, tôi lan man hình dung về thành phố đại học danh tiếng, tính sẵn lộ trình khám phá các công trình kiến trúc, giáo đường, trường đại học, thư viện, dòng sông Cherwell…, tuyệt nhiên không có ý định sẽ tự thưởng cho mình bữa trà chiều xa xỉ, cho đến khi bước chân run rủi đến số 84 đường High Street, quán cà phê đầu tiên của đất nước Anh, ra đời năm 1651.
Nhớ trà chiều Oxford
Mỗi ngày có đến 168 chuyến tàu đi, về giữa London và Oxford nên hành trình khám phá những dấu ấn vượt thời gian ở thành phố đại học này thật thuận tiện. Vừa ra khỏi ga tàu, hình ảnh ấn tượng dội vào tầm nhìn là những tòa kiến trúc đồ sộ bằng đá vôi kiên cố đều cùng một tông màu xám, đẹp cổ kính, trầm mặc như “ông thầy tu khả kính” đang trong giờ nguyện kinh thường nhật.
Điểm đến đầu tiên của tôi trong hành trình Oxford là Trường dòng Chúa cứu thế (Christ Church) thành lập từ năm 1546, thuộc Đại học Oxford, nơi đã đào tạo đến 13 vị thủ tướng cho Vương quốc Anh. Quần thể công trình thực sự là một kiệt tác kiến trúc với rất nhiều công năng khác biệt, từ thánh đường, thư viện, tòa tháp, sảnh đường, phòng tranh (bộ sưu tập đồ sộ gồm hơn 2.000 bức vẽ của các danh họa như Leonardo da Vinci, Michelangelo, Raphael)… Dạo qua không gian của Christ Church, mỗi tòa nhà kể lại một câu chuyện lịch sử về sự hình thành, phong cách kiến trúc, trang trí…, tất cả được bảo tồn nguyên vẹn và phô diễn vẻ đẹp đến ngỡ ngàng trong con mắt lữ khách phương xa.
Điều hấp dẫn khi lang thang ở Oxford là các điểm tham quan liền kề nhau, khi thánh đường, khi trường đại học, khi chỉ là một cây cầu bắc ngang hai tòa nhà…, nhưng tất cả đều ẩn chứa những câu chuyện thú vị đằng sau chúng. Cây “cầu than thở” (Bridge of Sighs) xây dựng từ năm 1914, nối hai tòa nhà của Đại học Hertford ở góc đường Catte là một ví dụ. Cầu được xây lên tạo sự thuận tiện cho sinh viên lưu thông qua lại giữa hai tòa nhà, nhưng trong các lần kiểm tra sức khỏe học đường, sinh viên Trường Hertford thường bị nhận xét có thể trạng ục ịch, béo phì hơn sinh viên các trường khác, thế nên nhà trường quyết định đóng cửa cây cầu để sinh viên phải đi xa hơn, tức phải vận động nhiều hơn. Tên gọi “cầu than thở” ra đời, mặc dù chuyện mập ốm của sinh viên nay chẳng mấy ai để ý, nhưng hầu hết du khách khi đến Oxford đều tìm đến vị trí cây cầu hiện hữu để nghe lại câu chuyện thú vị và chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc của cây cầu cổ đã hơn trăm năm tồn tại.
Nói về vẻ đẹp kiến trúc, Oxford còn một danh sách dài các điểm đến hấp dẫn khác, nhưng trong số ấy tôi thích nhất là Nhà hát Sheldonian. không chỉ bởi kiến trúc hình tròn độc đáo, mà điều đặc biệt là bộ tượng 13 bức bán thân đặt trên các trụ đứng án ngữ phần mặt tiền tòa nhà, mỗi tượng miêu tả một thần sắc khác biệt, và bộ râu dài mỗi người một vẻ, do điêu khắc gia danh tiếng William Byrd hoàn tất từ năm 1669, diễn tả gương mặt và thần thái của các nhà hiền triết đương thời. Bộ râu quyến rũ của các vị hiền triết được cho là hội tụ các kiểu dáng đặc trưng trong mốt để râu của học giả, hiền triết thời kỳ trung cổ.
Đi quanh các điểm đến hấp dẫn ở Oxford, mải vui quên cả thời gian, nhìn lại trời đã xế bóng, trở về theo con đường High Street dẫn lối ra ga Oxford, bất chợt nhìn thấy ngôi nhà số 84, tiệm Grand Café, với dòng chữ đầy… thách thức: “Đây là quán cà phê đầu tiên ở Anh từ 1650″. Gối đã mỏi, người cũng đã nhừ, tôi quyết định tự thưởng cho mình những giây phút thư giãn trong không gian quán cà phê cổ nhất ở Anh, và khi nhìn qua thực đơn, tên gọi những loại cà phê quen thuộc lại bị lấn át bởi thuật ngữ “trà chiều” (Afternoon Teas).
Môn thưởng trà chiều ở Anh ra đời sau khi Grand Café được thành lập. Người Anh khi xưa thường ăn 2 bữa mỗi ngày, thế nên khoảng cách từ bữa sáng đến bữa tối có khi dài đến 10 – 12 tiếng, khiến nhiều người đến 3 – 4 giờ chiều là có cảm giác cồn cào đói, chân tay bủn rủn, nữ công tước Anna Maria xứ Bedford cũng trong số ấy, và bà là người đầu tiên khởi xướng món trà chiều ở lâu đài Woburn Abbey vào năm 1830. Bữa trà chiều khi ấy gồm một bình trà dùng kèm với các loại bánh, mục đích ban đầu chỉ là để… chống đói. Từ sau đó, thú thưởng trà chiều mở rộng trong giới quý tộc Anh, lan sang tầng lớp bình dân, khiến Anh thành nơi tiêu thụ trà hàng đầu thế giới, đến nỗi người ta thường truyền khẩu câu nói vui rằng, trong một ngày Anh có thể thiếu nữ hoàng nhưng không thể thiếu trà.
Thực đơn thưởng trà chiều ở Grand Café có 4 lựa chọn gồm: 2 cho trà thông thường ăn kèm với bánh nướng, bơ, mứt, giá 6,50 và 9,50 bảng, và 2 cho trà High Tea đẳng cấp hơn với giá 16,95 và 23,45 bảng. Trong lịch sử trà chiều ở Anh, High Tea khởi phát không mang nghĩa trà cao cấp, mà chính là để phục vụ giới lao động bình dân, những người không đủ thời gian và tiền bạc thưởng thức một bữa tiệc trà chiều thảnh thơi như quý tộc, thay vào đó họ dùng trà trên bàn ăn vào bữa tối (ngồi trên bàn ghế cao, thay vì thư giãn ở salon hay đi lại như uống trà chiều). Thuật ngữ High Tea gắn với ngữ cảnh đó. Nhưng càng về sau, trong thực đơn có High Tea thường được du khách quốc tế lựa chọn, có lẽ vì hiểu nhầm rằng đó là trà cao cấp. Đến nay, High Tea đã biến thể, trái ngược với nghĩa ban đầu. Hai món High Tea ở Grand Café có trứng, cá hồi xông khói, bánh kem, bánh mì kẹp, bánh bắp, mứt dâu và cả champagne, không khác gì một bữa ăn thịnh soạn nơi nhà hàng sang trọng.
Sắc màu thời gian ở Grand Café toát lên từ các trụ đá cẩm thạch vân đỏ, vòm trần cao rộng tạo sự sang trọng, lịch lãm, tông màu vàng trầm làm chủ đạo đem lại sự ấm cúng, cảm giác thư thái, khoan khoái đến tức thì khi nhấp từng ngụm trà đen Earl Grey thoảng hương cam quyến rũ, kết lại một ngày dài lang thang ở Oxford với thật nhiều khám phá thú vị.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn