Những ngày mưa dầm dề rồi cũng tạnh. Ven những con đường mòn bừng lên hoa xoan.
Nhớ mùa hoa xoan, hoa gạo
Loài hoa mộc mạc dân dã được trồng nhiều cả ở bờ ao, góc vườn để lấy gỗ làm nhà hoặc bòn nhặt bán có món. Cả một khoảng trời quê đều được bao phủ bởi sắc tím, bởi hương thơm nồng.
Những bông hoa bé nhỏ, mỏng manh, giăng mắc trên đầu, trên tóc, trên áo, níu chân người đi. Sáng ra, hoa rụng kín cả sân vườn, cổng ngõ. Đôi lúc, vì tiếc, vì thương một đời hoa mà không nỡ quét. Cho đến bây giờ, tôi vẫn rất yêu thích cái sắc tím và mùi hương quyến rũ của hoa xoan đã làm nên cái hồn quê sâu đậm thủa nào.
Không chỉ có hoa xoan, hoa gạo cũng được coi là “đại sứ” của tháng Ba. Tôi nhớ nhất cây gạo ở đầu dốc làng. Cây đã già lắm rồi, thân cây xù xì nâu mốc, nhiều vết lồi lõm trông thật cổ quái. Sững sững như ngọn hải đăng định hướng cho những người con đi xa trở về. Nhìn từ phía nào cũng thấy. Cây đã trở thành linh hồn của làng.
Mỗi khi có ai hỏi đường vào thôn, người ta thường chỉ vào cây gạo. Cây như một chứng nhân đã chứng kiến nhiều cuộc tiễn đưa đầy nước mắt người con quê hương về với Đất Mẹ. Rồi những cuộc chia tay đầy lưu luyến vấn vương giữa người đi kẻ ở. Cây còn trở thành điểm hẹn cho những cuộc gặp gỡ.
Nhớ những ngày đi học cấp ba về, chủ yếu là chạy bộ, đói mệt đến lả người, từ xa, chỉ cần nhìn thấy cây gạo ở đầu dốc làng là coi như đã sắp về tới nhà rồi.
Đoạn đường có xa, bước chân có mỏi nhưng có vật định hướng mà đích đến gần hơn. Cây như một sự nương náu, an ủi, vỗ về trong tâm hồn tuổi thơ tôi ngày ấy.
Hoa gạo nở đỏ rực cả một khoảng trời, xua đi cái u ám sau những ngày mưa phùn ảm đạm. Bao nhiêu là chim chóc kéo về tụ hội thưởng thức bữa tiệc hoa.
Lũ trẻ trâu chúng tôi thích nhất là được chơi đùa dưới gốc cây và tranh nhau nhặt những bông hoa vừa mới rụng. Để ngắm. Để chơi. Nhìn những bông hoa đỏ thắm phải lìa cành mà lòng thấy nao nao tiếc nuối. Tiếc cho một mùa hoa gạo đã qua…
Dịp này, dòng sông quê tôi cũng thay màu áo mới. Trong bốn mùa, sông đẹp nhất có lẽ vào mùa xuân. Mặt nước êm đềm trong xanh soi bóng những hàng cây hai bên bờ. Dòng nước lững lờ trôi đi trong gió nhẹ, nắng hồng.
Những khóm lục bình xanh non nở hoa tím biếc, dập dềnh trên mặt nước, điểm tô cho cảnh sắc mùa xuân quê hương thêm tươi đẹp, rực rỡ. Tiếng gõ nhịp đều đều của những chiếc thuyền thả lưới trên sông là âm thanh quen thuộc mỗi ngày. Cuộc sống tuy nghèo nhưng rất thanh bình, ấm áp tình quê.
Con sông quanh co, ôm trọn lấy ngôi làng bé nhỏ như người mẹ hiền ôm ấp đứa con yêu. Về mùa này, nước đầy ăm ắp và trong mát, chứ không cạn đục, nóng giãy như mùa hè. Hầu như nhà nào ở ven sông cũng làm cầu ao để giặt giũ, lấy nước ăn uống và sinh hoạt.
Nhà tôi lại cạnh sông, tiện lợi đủ thứ. Mỗi ngày có đến hàng chục lần chạy ra chạy vào vo gạo, rửa rau, giặt giũ. Thích nhất là cảm giác được nhảy ùm xuống tập bơi một lũ và đuổi bắt nhau. Những lần đi làm về mệt nhọc, ngồi thụp xuống bậc cầu ao dưới bóng tre, bóng nhãn để nghỉ ngơi. Tỉnh cả người!
Con sông đã gắn bó suốt tuổi thơ nhọc nhằn lam lũ của chị em tôi và những đứa trẻ hàng xóm như thế. Sông còn là nơi mưu sinh của biết cảnh đời nghèo khó.
Sông đã hào phóng ban tặng cho người dân quê tôi nhiều tôm cá, tưới mát cho cây cối ruộng đồng, gắn kết tình làng nghĩa xóm, ghi dấu bao kỉ niệm tuổi thơ. Sông đã trở thành một phần đời sống vật chất và tinh thần của người dân quê. Đối với tôi, dòng sông tháng Ba quả là đáng nhớ!
Thời gian trôi đi, nhiều thứ có thể chìm vào quên lãng. Nhưng kí ức về tháng Ba vẫn vẹn nguyên trong tôi. Đó là những loài hoa mộc mạc bình dị như chính tâm hồn, đời sống của người dân quê. Không lộng lẫy kiêu sa, không sang trọng quý phái nhưng tôi vẫn thấy nó đẹp.
Vẻ đẹp dung dị thầm lặng mà vẫn có sức cuốn hút đến lạ kì. Ấy là màu đỏ khát khao của hoa gạo; màu trắng tinh khôi của hoa dành dành, hoa cam, hoa bưởi; màu tím dịu dàng, e ấp, thủy chung của hoa xoan, hoa lục bình…
Những thứ hoa đồng nội dân dã bao nhiêu năm xa rồi mỗi lần nhớ đến vẫn nghe lòng mình náo nức, xôn xao.