Nhà hát lớn Hải Phòng là một trong những biểu tượng trăm tuổi của thành phố hoa phượng đỏ. Xây dựng từ cuối thế kỷ 19, năm 2015 nhà hát được công nhận là Di tích cấp quốc gia.
Nhà hát lớn Hải Phòng – Công trình văn hóa độc đáo thời Pháp thuộc
Nằm ở vị trí trung tâm của thành phố Hải Phòng, nhà hát nằm ở số 28 Trần Hưng Đạo, quận Hồng Bàng, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 1912. Hiện nay, nhà hát lớn là nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa của thành phố, là điểm biểu diễn văn nghệ, trao học bổng cho các học sinh giỏi hằng năm.
Binh sĩ Pháp ở Hải Phòng đầu thế kỷ 20 lên đến hàng nghìn. Vì vậy chính phủ Pháp tiến hành xây dựng nhà hát có quy mô lớn để nâng cao đời sống tinh thần cho binh sĩ. Địa điểm được chọn để xây nhà hát là nền chợ cao ráo, rộng rãi của làng cổ An Biên. Năm 1900, chợ An Biên bị buộc chuyển đi nơi khác.
Từ bản vẽ đến vật liệu xây dựng nhà hát lớn Hải Phòng đều đến từ châu Âu. Trang trí mỹ thuật, hội họa của nhà hát đều mang phong cách Pháp tạo điểm nhấn khác biệt với các nhà hát khác cùng thời.
Công trình do kiến trúc sư Pháp mô phỏng theo các nhà hát Pháp thời trung cổ, coi trọng sự hiệu quả của thị giác, sự hòa hợp giữa thực và ảo, bóng tối và ánh sáng. Tiền sảnh có cầu thang xoắn ốc đồ sộ, trụ và tay vịn bằng xi măng, bên trên mỗi trụ được gắn một đài hoa lớn, 2 bên là đầu sư tử.
Kiến trúc nhà hát lớn Hải Phòng còn gây ấn tượng cho du khách bằng sự trang trí cầu kỳ kết hợp với những đường cong. Khu vực sân khấu không phân tầng mà thông từ bục đến trần, mái. Không gian phía trên sân khấu lắp đặt hệ thống điện, điều hòa. Hệ thống cửa nhà hát theo phong cách Roman thông sang hậu đài và các phòng hóa trang, phòng nghỉ và các phòng kỹ thuật.
Hai bên hành lang nhà hát được thiết kế thành đường cong ôm lấy hội trường, tiện cho khán giả ra vào. Các cửa ra vào đều được thiết kế cách điệu theo chiếc đàn Lia của người Hy Lạp nhằm lấy ánh sáng tự nhiên.
Trần nhà hát hình vòm, tạo tiếng vang và làm tôn thêm chiều cao. Vòm trần vẽ những lẵng hoa trang trí, ghi tên các nhạc sỹ châu Âu lừng danh: Mozart, Beethoven, Corneille, Molière… Những hình vẽ, họa tiết hoa văn bên trong và bên ngoài công trình bị phai mờ một phần theo thời gian. Năm 2000, Hải Phòng đã mời các chuyên gia phục chế theo bản gốc.
Ngoài hội trường lớn, trên tầng 2 nhà hát lớn Hải Phòng còn được bố trí gần 10 phòng lớn nhỏ phục vụ cho hội họp, thảo luận… Toàn bộ phần chân móng được xây bằng đá xanh tự nhiên. Ba mặt xung quanh nhà hát, bờ rào thép và những chiếc cổng vẫn toàn vẹn đến hôm nay.
Mặc dù phải trải qua nhiều lần tu sửa, cải tạo vào các năm 1985, 2001 – 2003, 2008, nhà hát thành phố Hải Phòng vẫn được bảo tồn, luôn luôn là biểu tượng đáng tự hào của người dân thành phố cảng khi giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Theo iVIVU.com