Mục lục
Nếu có dịp đi ngang qua con đường Nguyễn Khoái, phường 2, quận 4, TP HCM bạn sẽ bất ngờ bởi như lạc vào một khu triển lãm tranh bích hoạ sinh động và nhiều màu sắc.
Người hoạ sĩ già ở Sài Gòn và niềm đam mê “thay áo mới” cho những bức tường cũ
Vẽ tiếp giấc mơ “múa cọ” sau 7 năm sống cùng bệnh mất ngủ
Tác giả của những bức tranh là ông Nguyễn Văn Minh (78 tuổi, ngụ tại số 64/81/7 đường Nguyễn Khoái). Gần 5 năm nay ngày nào người dân ở đây cũng thấy ông Minh trên chiếc xe đạp cũ với giỏ xe chất đầy cọ và màu sơn đi “thay áo mới” cho những bức tường cũ.
Ông Minh sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt, có lẽ vùng đất thơ mộng này đã nuôi dưỡng tâm hồn thi sĩ và niềm đam mê hội hoạ trong ông. Ông chia sẻ, ông đã từng theo học chuyên ngành mỹ thuật tại một trường đại học ở Đà Lạt nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên ông đành tạm gác việc học tập.
Ông vào Sài Gòn kiếm sống bằng nhiều nghề và đi dạy học tại Trung tâm khuyết tật quận 4. Ông cũng là một trong những người hiếm hoi đưa môn võ thuật vào giảng dạy cho trẻ em khuyết tật với mong muốn các em được rèn luyện thể lực và bản lĩnh tự vệ.
Nhưng quá trình giảng dạy của ông tạm dừng khi sức khoẻ bắt đầu yếu dần, cũng từ đó ông mong muốn được hoạt động mỹ thuật để viết tiếp đam mê còn dang dở của mình.
Trong suốt 7 năm ông sống chung với chứng mất ngủ và những cơn hen suyễn hoành hành “nhiều đêm thức trắng, tay chân tôi lại ngứa ngáy nhớ về cây cọ và lọ sơn, tôi không muốn uổng phí đam mê và thời gian của mình, tôi muốn thực hiện nó” ông Minh tâm sự.
Thế là cứ 2-3 giờ khuya khi ông không ngủ được, ông lại trên chiếc xe đạp cũ chạy khắp những con hẻm gần nhà, ông làm sạch những bức tường hoen ố, đầy rong rêu và bắt đầu “thay áo mới” cho chúng. Nhiều người còn gọi vui là “ông hoạ sĩ đêm”.
May mắn, ông Minh không còn hoạt động về đêm nữa khi bệnh tình của ông thuyên giảm dần, sức khoẻ ổn hơn giúp ông có nhiều thời gian để tập trung vào giấc mơ tô điểm phố phường.
Ban đầu ông chỉ vẽ những bức tường nhà mình và hàng xóm, ông lo lắng vì sợ mọi người không ủng hộ hoặc ông phải xoá đi, nhưng ngược lại người dân ở đây đều rất thích thú, có người còn chủ động nhờ ông vẽ giúp cho họ nên ông có động lực hơn để tiếp tục vẽ sang các con hẻm bên cạnh.
Chị Nga (34 tuổi, hàng xóm ông Minh) kể lại “lần đầu thấy tường nhà mình được chú Minh vẽ tranh lên cũng khá bất ngờ, thấy đẹp và sạch hơn, bọn trẻ nhà tôi thích lắm. Mà trước đây, chỗ này mọi người hay để rác, từ khi được vẽ tranh không thấy rác đâu nữa, chắc mọi người sợ làm dơ tranh, phí công chú ấy”.
Niềm vui tô điểm phố phường không mưu cầu lợi danh
Trung bình một bức tranh ông thường vẽ trong 2 ngày tuỳ vào kích thước và chủ đề. Đa số tranh của ông đều lấy cảm hứng từ quê hương, điểm đến nổi tiếng của các tỉnh thành hay những nơi ông đã đi qua, những vấn đề thời sự mà ông đọc được trên sách báo.
Không chỉ đơn thuần là hình vẽ mà ông còn ghi thêm các câu thơ, các câu châm ngôn để gởi thông điệp đến người xem về an toàn giao thông, tình đoàn kết, tránh xa tệ nạn xã hội, yêu thương gia đình,…
Ông quan niệm “con người dù đi đâu cũng phải hướng về quê hương, vì quê hương mà sống tốt đẹp. Biết đâu ai đó lại bớt nhớ nhà hơn khi gặp quê của họ trong tranh, họ cẩn thận hơn khi đi đường hay họ biết giúp đỡ người khó khăn, chỉ vậy là đủ”.
Đến nay, ông Minh đã cho ra đời được hơn 40 bức hoạ với các chủ đề khác nhau trong mọi ngõ ngách của con hẻm. Điều đặc biệt là mọi chi phí mua nước sơn, cọ vẽ ông đều tự bỏ tiền túi ra mua. Cứ thế, những bức tường cũ kỹ dần biến mất thay vào đó là những bức bích hoạ đẹp đẽ và đầy nhân văn.
Hầu như mọi ngõ ngách, từng bức tường lớn nhỏ của con đường Nguyễn Khoái ông đều “phủ tranh” gần hết. Được nhiều người ủng hộ nên ông quyết định đạp xe sang quận 7 và quận 8 để tiếp tục hành trình tô điểm phố phường.
Cứ tưởng ông chỉ là một người yêu thích vẽ tranh để thoả đam mê lúc về già, làm một công việc không nguồn thu, không ai làm và cũng không ai thuê, nhưng ông lại làm tôi bất ngờ với suy nghĩ “đây là cái nghề, nghề mà tôi chọn. Tôi là hoạ sĩ, tôi là nghệ sĩ”.
Trong suốt cuộc trò chuyện, ông Minh luôn nhắc đến tấm lòng và trách nhiệm của một người nghệ sĩ cầm cọ. Ông luôn nhắc đi nhắc lại “việc gì cũng vậy, trước tiên phải có tấm lòng, không phải muốn vẽ gì là vẽ, vẽ làm sao cho lành mạnh, hợp vào thị hiếu của người nhìn. Bản thân là nghệ sĩ cần phải phải học hỏi nhiều, cố gắng hơn. Đã cầm cọ thì phải làm sao để tranh có ý nghĩa và được mọi người đón nhận”.
Ông Minh dẫn tôi đến một con hẻm nhỏ cạnh trường tiểu học, ông kể về bức tranh cánh đồng hoa Violet với vẻ mặt đầy sự tự hào. Thì ra đây là bức tranh do ông hướng dẫn cho các sinh viên trường Đại học Luật TpHCM, lần đầu tiên ông được lan toả niềm đam mê hội hoạ cho giới trẻ “thỉnh thoảng có mấy em quay lại phụ tôi vẽ, tôi mừng lắm”.
Rất tâm huyết và đầy tài năng, ông đã từng đạt giải nhất cuộc thi vẽ chủ đề “bảo vệ môi trường 2017” do thành phố tổ chức và tham gia ca hát tại chương trình “tiếng hát mãi xanh”.
Nhờ ông mà nhiều góc phố từ cũ kỹ được “hoá phép” trở nên đầy màu sắc và có sức sống hơn, những bức tranh không chỉ đẹp đẽ và còn là sự tử tế và đáng trân quý của người đàn ông này dành phố phường Sài Gòn. Miệt mài, 5 năm nay ông vẫn vui vẻ làm điều nhỏ bé phi thường này.
Theo Phước Tấn