Cựu quân nhân đến từ Anh trở thành người đầu tiên trong lịch sử chèo thuyền thành công qua eo biển nguy hiểm bậc nhất hành tinh.
Người đầu tiên chinh phục eo biển Bab-el-Mandeb nguy hiểm bậc nhất thế giới
Là cựu quân nhân phục vụ quân đội Hoàng gia từ năm 2000-2009, Jordan Wylie đã thử thách bản thân bằng hành trình chinh phục eo biển Bab-el-Mandeb nguy hiểm bậc nhất hành tinh. Từng chạy marathon ở Iraq, Somalia và Afghanistan nhưng anh chia sẻ rằng việc chèo thuyền một mình qua vùng biển này là điều khó khăn nhất bản thân từng làm.
Là eo biển chia cắt châu Á với châu Phi, eo biển Bab-el-Mandeb (còn gọi là cổng nước mắt) khét tiếng không chỉ vì cướp biển mà còn bởi khủng bố, nạn buôn người, vũ khí và ma túy. Đây cũng là một trong những tuyến đường vận chuyển bận rộn trên thế giới. Để thực hiện chuyến đi, Jordan có 2 năm lập kế hoạch và 12 tháng đào tạo trước đó.
Jordan di chuyển 17 giờ trên xe để tới điểm xuất phát, dành 10 ngày theo dõi thủy triều, tình hình an ninh đồng thời gắn máy ảnh và các thiết bị công nghệ lên thuyền trước khi khởi hành. Chiếc thuyền sẽ chuyển đến thành phố Djibouti và kéo đến điểm xuất phát. Nhiếp ảnh gia Stephen McGrath và hướng dẫn viên địa phương là người đồng hành để đảm bảo Jordan không gặp vấn đề khi tìm đường đến biên giới Eritrea ở Bắc Djibouti.
Jordan giải thích với Daily Mail rằng cướp biển, khủng bố sẽ phát hiện chiếc thuyền nhỏ của anh từ khoảng cách 30-40 hải lý mà không có đèn. Do đó, anh quyết định khởi hành từ Khôr ‘Angar, một trại hẻo lánh của Djibouti, lúc 4h sáng.
Chèo thuyền dưới cái nắng 38 độ C, mất nước, trải qua 4 ngày bị tiêu chảy trước thời điểm khởi hành, ốm ở Khôr Angar, nơi người dân sinh tồn bằng việc ăn cá mỗi ngày, bị vây quanh bởi cá mập bò… là những trở ngại đáng nhớ của Jordan. Một vài khoảnh khắc thót tim khi những người có vũ trang tiếp cận nhưng may mắn thay, họ là lực lượng bảo vệ bờ biển Djibouti và Yemen. Để an toàn, Jordan cũng tránh xa những tàu đánh cá.
“Tôi chuẩn bị đài phát thanh để theo dõi các thuyền trưởng vận chuyển thương mại cảnh báo về những tàu nhỏ đáng ngờ trong khu vực. Tôi cũng cập nhật thông tin hàng ngày từ một trang chuyên tư vấn an ninh hàng hải, cung cấp thông tin về hoạt động đáng ngờ, các mối đe dọa hiện tại, tình hình ở Yemen và liên lạc thường xuyên với công ty tài trợ có trụ sở tại UAE”, Jordan nói thêm.
Một trong những động lực chính để Jordan hoàn thành hành trình là quyên góp tiền cho tổ chức từ thiện nhằm xây dựng trường học cho những người tị nạn chiến tranh ở As’Eyla, Djibouti. Dù mục đích tốt, văn phòng ngoại giao và chính phủ Anh khuyên Jordan không nên thực hiện bởi bất kỳ ai chèo thuyền không có vũ khí trên eo biển đều phải đối mặt với những rủi ro đáng kể.
Khởi hành ngày 4/10 từ Djibouti (châu Phi) đến Yemen (châu Á) và trở lại, nhà thám hiểm trở thành người đầu tiên trong lịch sử chèo thuyền thành công qua vùng biển này mà không được hỗ trợ các trang thiết bị bảo vệ.
Theo Vân Anh/ Zing news