Cao Đẳng Sư Phạm Đà Lạt là ngôi trường thường xuyên được thấy trong các bức ảnh cưới, hay ảnh của các khách du lịch mỗi khi họ đến thành phố Đà Lạt ngàn hoa này.
Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt thuộc phường 10, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ngôi trường được người Pháp thành lập năm 1927, do kiến trúc sư Moncet thiết kế và chỉ đạo xây dựng, sau 8 năm thì hoàn thành. Tên gọi đầu tiên của trường là Petit Lycée Dalat, nơi chuyên dành cho việc giảng dạy con em người Pháp và một số gia đình người Việt giàu có thời bấy giờ. Cho đến nay, ngôi trường này được công nhận là một trong 1.000 công trình xây dựng độc đáo tiêu biểu của thế giới trong thế kỷ 20.
Năm 1932 trường được đổi tên thành Grand Lycée de Dalat và đến năm 1935 trường có tên là Lycée Yersin để tưởng nhớ tới bác sĩ Alexandre Yersin, một bác sĩ người Pháp gốc Thụy Sĩ có công khai sinh ra thành phố Đà Lạt.
Về sau, trường đổi tên thành Trung tâm Giáo dục Hùng Vương, hiện nay là trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, nơi chuyên bồi dưỡng cán bộ quản lý cho các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Ngôi trường có rất nhiều chuyên ngành đào tạo như: Sư phạm Tin học, Toán, Hóa học, Lịch sử, Ngữ văn, sư phạm Mỹ thuật và Công nghệ thiết bị trường học… Nhiều danh nhân Việt Nam đã có thời gian học tập tại trường, điển hình như GS Trịnh Xuân Thuận – nhà vật lý thiên văn, hiện sống tại Mỹ.
Kiến trúc của trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt được Hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình xây dựng độc đáo, tiêu biểu của thế giới trong thế kỷ 20. Đánh giá công trình kiến trúc này, báo Đông Dương (Indochine) lúc bấy giờ đã viết: “Đó là một ngôi nhà lớn mà không ai ở Đà Lạt có thể bỏ qua”.
Nằm trọn trong lòng thành phố Đà Lạt đầy mộng mơ, ngôi trường nổi bật với không gian xanh rộng lớn, thoáng đãng tạo ra một khung cảnh bình yên và lãng mạn.
Điểm nhấn của trường là dãy giảng đường chính hình vòng cung với chiều dài phía trước 77,18m, phía sau 89,8m, gồm ba tầng lầu và 24 phòng học. Đường cong của dãy nhà vòng cung này được ví như hình ảnh một cuốn sách đang mở ra biểu tượng của tri thức trải rộng, là đường cong khát vọng. Cuối dãy nhà vòng cung này là một tháp chuông cao 54m nổi bật giữa không gian bao la và màu xanh của ngàn thông tượng trưng cho một khát vọng trí tuệ vươn lên.
Nói thêm về tòa nhà đặc biệt hình vòng cung này thì còn có tường gạch trần đỏ được mang từ châu Âu sang và mái được lợp bằng ngói làm từ nước Pháp. Nhìn bao quát bên ngoài, tường nhà được xây cách điệu các mái vòm với tỷ lệ hài hòa tạo nên vẻ đẹp thanh thoát cho khối nhà.
Ngoài dãy nhà chính còn có các dãy nhà khác được đặt song song cũng chỉ cao khoảng 2, 3 tầng dùng làm hội trường, phòng thí nghiệm, kí túc xá…
Nhìn từ trên cao, trường CĐ Sư phạm Đà Lạt trông khá giống với các ngôi trường ở nước ngoài bởi kiến trúc đặc biệt và được bao phủ xung quanh bằng một khung cảnh xanh mướt, tuyệt đẹp của thành phố sương mù.
Nhìn chung, toàn bộ ngôi trường này là một công trình kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn cổ kính châu Âu, nhưng cũng đồng thời kết hợp được nhiều chi tiết kiến trúc bản địa để tạo thành một công trình kiến trúc hòa hợp giữa Đông và Tây. Với không gian thoáng đãng, trong lành cùng kiến trúc hài hòa, độc đáo, ngôi trường cao đẳng này không chỉ là nơi lý tưởng để học tập, nghiên cứu mà còn là nơi thu hút tất cả các du khách.
Nhiều người đến Đà Lạt đã khẳng định trong các trường ở thành phố cao nguyên này, thì Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là nơi hút khách du lịch nhất. Mọi người thường tới đây chụp ảnh, dạo bộ và các đôi uyên ương thì tìm đến đây để chụp ảnh cưới lãng mạn. Ngày 28/12/2001, Bộ Văn hoá – Thông tin đã công nhận Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là Di tích Kiến trúc Quốc gia.