Nhà cổ Bình Thuỷ là một trong những điểm tham quan thu hút đông du khách trong và ngoài nước ở xứ Tây Đô.
Ngôi nhà cổ Bình Thuỷ gần 150 năm tuổi ở miền Tây
Nhà cổ Bình Thủy nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa được ông Dương Chấn Kỷ, một thương gia giàu có trong vùng cho xây vào năm 1870. Đầu thế kỷ 20, nhà được tôn tạo lại có diện mạo như hiện tại.
Từ mặt đường, đi qua chiếc cổng rào kiên cố, bạn sẽ thấy một cổng phụ xây theo kiến trúc Á Đông với 4 cột tròn, mặt trước gắn bảng “Phước An Hiệu”.
Nhiều du khách đến đây tỏ ra ngạc nhiên trước công trình đã hơn trăm năm nhưng các đường nét xây dựng kết hợp Đông – Tây vẫn còn nguyên
Bên trong nhà là các trang trí ứng với mỹ thuật truyền thống và văn hóa phương Đông, còn bên ngoài hòa hợp với kiến trúc phương Tây và cảnh quan thiên nhiên.
Hiện ngôi nhà do bà Ngô Thị Ngọc Liên (75 tuổi, bên trái), vợ của trưởng nam hậu duệ đời thứ sáu của chủ ngôi nhà này, quản lý. Trước đây, bà là giáo viên dạy tiếng Anh. Sau khi về hưu, công việc chủ yếu của bà là lo việc nội trợ cho gia đình và đón tiếp du khách tham quan. Bà giáo Liên kể, 5 gian nhà phía trước được bài trí như một gia đình Việt ngày xưa. Công năng dùng làm nơi tiếp khách trong các nghi lễ quan trọng. Các phòng sinh hoạt nằm ở phía sau.
Toàn bộ nền nhà được lát gạch hoa nhập từ Pháp, đóng trần Plafond và nhiều nơi có trang trí hoa văn. Bà Liên cho biết, dưới nền nhà có một lớp muối dày khoảng 10 cm. “Những ngày hè nắng nóng ai vào nhà cũng cảm thấy mát rượi, nhờ lớp muối dưới nền”, bà nói, Hiện ngôi nhà vẫn là nơi tập trung của con cháu trong dòng họ mỗi dịp đặc biệt.
Kho đồ cổ của ngôi nhà còn bao gồm nhiều nội thất đẹp như chùm đèn bạch đăng thế kỷ 18 hay cặp đèn treo thế kỷ 19. Những chiếc đèn chùm có thiết kế tinh xảo đều được mang từ Pháp sang.
Ngôi nhà hiện sở hữu “kho đồ cổ” đã được các thế hệ gia đình bà Liên gìn giữ như: hai bộ bàn ghế xuất xứ từ Vân Nam (Trung Quốc), mặt bàn bằng đá cẩm thạch, vân xanh, đường kính 1,5 m, dày hơn 6 cm; bộ salon kiểu Pháp đời Louis XV có mặt bàn bằng đá cẩm thạch sắc xanh…
Một chiếc bồn rửa mặt có chân đế bằng gỗ, mặt lavabo hoa văn tinh xảo.
Nhà thờ họ Dương là công trình kiến trúc cổ có giá trị và được Nhà nước xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 2009. Dù việc xây dựng chịu ảnh hưởng không nhỏ của nghệ thuật phương Tây, nơi này vẫn không bị mất nét truyền thống dân tộc.
Nhà cổ Bình Thủy còn nổi tiếng trong và ngoài nước vì xuất hiện nhiều trên màn ảnh nhỏ khi được chọn làm bối cảnh chính của hàng chục bộ phim như Những nẻo đường phù sa, Người đẹp Tây Đô, Nợ đời… Riêng với phim Người tình, nơi này được dùng làm bối cảnh thay thế cho ngôi nhà Huỳnh Thủy Lê nổi tiếng ở Sa Đéc.
Bên ngoài ngôi nhà cổ là khoảng sân rộng có khu vườn xanh tươi, hoa nở rộ bốn mùa. Đây cũng là nơi du khách có thể ngồi thư giãn và ngắm ngôi nhà.