Chùa Byodoin ở Kyoto được xây dựng gần 1.000 năm trước, sở hữu nhiều bảo vật quốc gia của Nhật.
Ngôi chùa in trên đồng tiền 10 yen của Nhật Bản
Nếu đang giữ trên tay đồng 10 yen và tờ 10.000 yen của Nhật Bản, bạn sẽ nhìn thấy một tòa kiến trúc kiểu mái đền chùa và con phượng hoàng oai phong. Tất cả đều được lấy từ nguyên tác Byodoin, ngôi chùa tọa lạc tại thành phố Uji, tỉnh Kyoto.
Nơi khởi thủy của kiến trúc chùa Nhật ngày nay
“Khi bạn tự hỏi miền đất Phật thanh tịnh có tồn tại hay không, hãy thử đặt chân đến Byodoin” – đó là câu chào mời khi du khách truy cập vào website của ngôi Phật tự nổi tiếng và có ảnh hưởng bậc nhất tại đất nước Nhật Bản.
Byodoin trong tiếng Nhật nghĩa là Bình Đẳng Viện, được vị thống lĩnh Minamoto no Shigenobu cho xây dựng từ năm 988 vào thời Heian. Sau khi ông qua đời, gia đình Fujiwara vốn rất có quyền thế và giàu có thời bấy giờ đã mua lại công trình này. Nhiếp chính Fujiwara no Yorimichi đã biến di sản của cha mình thành ngôi chùa Phật giáo vào năm 1052.
Vậy có gì tại quần thể Byodoin khiến cho nơi đây được chú ý đến thế? Câu trả lời đến từ khối kiến trúc bằng gỗ còn nguyên vẹn nhuốm màu thời gian mang tên Amida-do (Sảnh thờ tự đức Phật Thích Ca) hay còn được biết đến với cái tên phổ biến hơn Hoo-do (Sảnh Phượng Hoàng). Được đưa vào danh sách báu vật quốc gia của Nhật Bản, đây là công trình trong vùng còn nguyên vẹn nhất. Trong khi đó, các tòa tháp và thiền viện xung quanh bị đốt cháy trong cuộc nội chiến năm 1336.
Tồn tại qua khói lửa chiến tranh và nghìn năm lịch sử, sảnh Phượng Hoàng vẫn đứng đó, soi mình xuống hồ nước trong xanh bao quanh. Không gian ở đây thay đổi theo bốn mùa, hòa quyện với nhau tạo nên vùng đất Phật tĩnh mịch và thanh khiết.
Khi bạn bước chân đến chính điện của ngôi chùa, toàn khu thờ tự hiện ra với sảnh Phượng Hoàng và hai gian tỏa sang hai bên như cánh chim đang dang rộng, cong vút lên trời cao. Đôi phượng hoàng dát vàng rực rỡ trên đỉnh chùa ở hai phía bắc-nam chính là một phần nguồn gốc của tên gọi sảnh Phượng Hoàng mà người dân thời Edo thường sử dụng và lưu truyền cho đến tận hôm nay.
Ngôi chùa với mái cong, sảnh chính đặt tượng Phật tôn nghiêm, toàn bộ công trình có hồ nước bao quanh như gợi lên hình ảnh về miền cực lạc. Bức tượng Phật trong chánh điện được cho là đã đạt đến đỉnh cao kiến trúc chùa thời bấy giờ và là nguồn cảm hứng cho các công trình Phật giáo sau này trên khắp đất nước Nhật Bản.
Những báu vật ở Byoudoin
Là di sản thế giới do UNESCO công nhận (1994) và báu vật quốc gia (1951), Byoudoin sẽ cuốn bạn theo lối đi ngay từ cổng vào. Báu vật trong sảnh Phượng Hoàng là bức tượng phật Amida ngồi thiền trên đài sen làm bằng gỗ và dát vàng bên ngoài. Khác với ngôi chùa nổi tiếng Đông Đại Tự ở cố đô Nara có Đại Phật cao lên tận mái và phải đúc tượng bằng đồng trước rồi mới xây chùa, tượng Phật tại Byodoin được dựng theo cách hoàn toàn khác. Vì không thể tìm ra được khối gỗ đủ lớn, Jocho, nghệ nhân điêu khắc nổi tiếng thời kỳ Heian, đã dùng nhiều miếng gỗ ghép lại (yosegi) để hình thành nên pho tượng Phật cao 2,4 m. Đó cũng là tượng Phật duy nhất còn sót lại do ông Jocho thực hiện cho đến ngày nay. Sự hoàn hảo của hình dáng bức tượng đã làm nền tảng và hình mẫu cho nhiều tượng đức Phật từ sau thời kỳ Heian.
Nằm hướng về phía đông, mỗi sáng sớm, tiền sảnh của ngôi chùa đón những ánh nắng tinh khôi của ngày mới và khi chiều về, cả khối kiến trúc màu đỏ mái xám lại gối mình lên bầu trời vàng cam của hoàng hôn. Khi đó, những ánh đèn được thắp sáng trong lòng sảnh Phượng Hoàng, sau “tấm rèm” gỗ được khoét một lỗ tròn là gương mặt Đức Phật nhân từ đang nhìn xuống thế gian.
Bảo tàng Byodoin trong quần thể chùa đưa du khách đến gần hơn những báu vật quốc gia đang được gìn giữ tại đây. Mở cửa từ 1965 và đã được trùng tu lần thứ 3 năm 2001, không gian gợi mở với lối vào như đường hầm dẫn đến gian trình chiếu video mô tả khái quát về Byodoin. Bạn đừng ngại ngần dành vài phút để lắng nghe và cảm nhận qua những hình ảnh và thông tin quý giá trước khi tận mắt ngắm nhìn cận cảnh từng hiện vật. Quả chuông chùa vốn được dùng để báo giờ từ gần 1.000 năm trước đã được đưa vào sau lồng kính. 26 vị Bồ tát điêu khắc bằng gỗ cưỡi trên những đám mây, có vị đang nhảy múa, có vị lại cầm nhạc cụ hay chắp tay cầu nguyện, từng khuôn mặt đều rất có “thần”. Tất cả được trưng bày trang nghiêm với ánh sáng có phần huyền bí.
Nằm ngay trung tâm bảo tàng là đôi phượng hoàng nguyên bản được tháo ra từ đỉnh mái chùa và bảo quản trong khung kính. Những vết mòn thời gian xuất hiện trên chùm lông vũ và thân đồng càng toát lên vẻ thu hút cho bức tượng loài chim vốn là biểu tượng cho đức hạnh, vẻ duyên dáng, thanh nhã trong văn hóa phương Đông. Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy phượng hoàng Byodoin không có đuôi dài thướt tha mà khá ngắn và được uốn cong, ngực ưỡn, đầu hơi cúi, cánh dang về phía sau khá oai hùng. Nếu có thể, bạn hãy hỏi hướng dẫn viên của bạn xem đâu là con đực và đâu là con cái.
Trong gian thờ tự ngày nay, các bức họa đã bị mờ theo năm tháng nhưng du khách vẫn có thể chiêm ngưỡng trong bảo tàng nhờ sự phục dựng rất tinh xảo của các nghệ nhân Nhật Bản. Nhiều câu chuyện mang âm hưởng Phật giáo được thể hiện qua từng nét vẽ uyển chuyển. Từ trên không trung, đức Phật cùng đoàn tùy tùng đang đón một linh hồn về trời. Ánh sáng ấm áp lan tỏa, không gian như bừng lên trên vùng sơn cước, không có chút u buồn mà ngược lại mọi thứ đúng như tưởng tượng về miền cực lạc.
Bước ra khỏi bảo tàng, trở lại không gian xanh mát của ngôi chùa Byodoin, bạn có thể chọn thỉnh cho mình một con dấu (Goshuin) với những nét vẽ kiểu thư pháp hoặc cũng có thể tìm chút không gian thư giãn tại Tea Salon Toka để uống trà xanh Uji và nhâm nhi miếng bánh ngọt.
Cách đến chùa:
Byodoin nằm cách ga JR Uji hoặc ga Keihan Uji khoảng 10-15 phút đi bộ.
Từ ga Kyoto, chọn tuyến JR Nara và tàu Miyakoji Rapid đến ga JR Uji khoảng 17 phút.
Từ ga Nara, chọn tuyến JR Nara và tàu Miyakoji Rapid đến ga JR Uji khoảng 31 phút.
Khuôn viên mở cửa từ 8h30 tới 17h30.
Bảo tàng mở cửa từ 9h tới 17h.
Vé vào cửa 600 yen (127.000 đồng).
Sảnh Phượng Hoàng có thể vào thăm theo nhóm và cứ khoảng 20 phút lại khởi hành một lần. Bạn cần trả thêm 300 yen (64.000 đồng) để có thể vào khu vực này. Từ 13/5 đến 15/11, sảnh đóng cửa để trùng tu.
Trong bảo tàng, bạn sẽ không được chụp ảnh nên hãy bỏ máy ảnh sang một bên và thu vào tầm mắt của chính mình mọi nét đẹp của kiến trúc và điêu khắc.
Khi đến Byodoin, bạn hãy mang theo đồng xu 10 yen và nhìn qua hình chú chim phượng hoàng trên tờ 10.000 yen để cảm nhận những nét tinh hoa của Phật giáo Nhật Bản đã đi vào đời thường một cách rất tự nhiên.