Chùa Ruộng Lớn có cổng hình cây tre, chánh điện kiểu bát giác, khuôn viên đặt hàng nghìn khối đá đủ hình thù.
Chùa Ruộng Lớn, ngôi chùa có cổng hình cây tre
Chùa Ruộng Lớn là tên người dân thường gọi chùa Hiển Mật (TP Long Khánh). Chùa theo phong cách Tịnh độ tông, có phong cảnh đẹp, kiến trúc độc đáo, thu hút nhiều khách hành hương. Cổng cách điệu hình cây tre cạnh các phiến đá lớn. Thân tre uốn thành cầu nhỏ qua con suối, thay vì cổng tam quan thường thấy như nhiều ngôi chùa khác. Cạnh những bụi tre là hai cây sala bằng xi măng, loài cây tượng trưng cho nhà Phật.
Trong Phật giáo, cây tre, trúc mọc theo bụi là biểu trưng quần tụ của tín đồ. Những thân tre nhiều đốt như chiếc thang lên trời. Tre với trúc ruột rỗng còn là biểu tượng của tâm không dẫn dắt Phật tử trở về với bản thể. Theo các sư trong chùa, trước kia đường vào chùa cũng có những rặng tre lớn nên khi xây dựng đã lấy hình cây này làm cổng.
Trên đỉnh cổng chùa bài trí tượng Bồ tát nghìn tay ngồi trên đài sen, bao quanh là những nhành hoa mai, sala.
Chánh điện chùa Ruộng Lớn nổi bật với tháp chuông, tháp trống được đặt trên trụ bê tông. Trên đỉnh hai tháp đặt bình hồ lô, hàm ý là bình đựng rượu tiên của các vị Phật.
Phía sau hai tháp chuông là chánh điện lợp ngói đỏ, có hình bát giác, nằm giữa vườn cây rộng lớn. Theo nhà chùa, bát giác tượng trưng cho tám con đường giải thoát khỏi khổ đau.
Chánh điện của chùa Ruộng Lớn có diện tích khoảng 30 m2, không có tượng lớn mà bài trí tượng nhỏ, tranh ảnh Phật.
Chùa Hiển Mật không có những bảo tháp, bức tượng to lớn nhưng khuôn viên rộng, nhiều cây xanh, bài trí nhiều vườn tượng, tả lại các tích Phật giáo. Nổi bật là vườn lộc uyển (còn gọi là vườn nai), nơi Đức Phật đã dạy bài pháp đầu tiên dưới tán cây bồ đề.
Những viên đá, hồ nước, hoa sen trong chùa tạo thành tiểu cảnh bờ sông Anoma, nơi Đức Phật cắt tóc tu hành.
Các tượng Phật đủ hình dáng, kích thước bài trí nhiều nơi trong chùa. Không ít tượng được trang trí bằng những mảnh sành sứ.
Khuôn viên chùa còn có nhiều tảng đá đủ hình thù, xếp đặt thành những hình khối tự nhiên. Theo nhà chùa, các tảng đá chủ yếu do người dân trong vùng làm ruộng, rẫy tìm thấy và mang đến tặng. Một số tảng lớn khác do Phật tử phương xa hiến tặng.
Công trình xây dựng năm 1984, có diện tích 10.000 m2 nằm cạnh cánh đồng lúa.
Theo Quỳnh Trần/ Vnexpress