Bên cạnh cung đình và lăng tẩm, làng nghề làm hương rực rỡ sắc màu cũng là một điểm đến thu hút du khách.
Nghề làm hương 700 năm ở Huế
Cách trung tâm TP Huế khoảng 7 km, làng hương Thủy Xuân gây ấn tượng với nhiều du khách bởi những mảng màu sặc sỡ được bài trí bắt mắt. Khu vực trưng bày phục vụ du khách tham quan tập trung ở hai bên đường Huyền Trân Công Chúa.
Người dân làng Thủy Xuân đã theo nghề làm hương khoảng 700 năm. Nơi đây trở thành điểm du lịch gần 10 năm, nằm trong cụm địa điểm tham quan với đồi Vọng Cảnh, lăng Tự Đức, lăng Đồng Khánh.
Hiện các hộ vẫn làm hương thủ công để phục vụ du lịch. Du khách sẽ có cơ hội chứng kiến quá trình tạo ra que hương truyền thống và được hướng dẫn để tự tay làm sản phẩm. Trải nghiệm này đặc biệt thu hút khách quốc tế.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, các hộ vẫn làm hương bằng máy tự động.
Công đoạn làm hương bắt đầu từ khâu trộn bột gồm nhiều nguyên liệu cầu kỳ như ngũ vị thuốc Bắc với quế chi, thảo quả, nụ tùng, đinh hương, hoa hồi, vỏ quả bưởi rừng, hoa bưởi khô, quế, bạch đàn được hòa cùng với nước.
Lõi que hương làm từ ruột tre được chẻ mảnh nhỏ và phơi nắng nhiều ngày để que khô, dễ dính bột.
Lõi hương sau đó được nhuộm màu khoảng gần nửa thanh tre.
Trước đây, que hương chỉ có hai màu bột nâu và lõi đỏ. Phần hương để bán được phơi kiểu san đều cho nhanh khô.
Ở khu trưng bày, để thu hút khách du lịch, người bán nhuộm thêm nhiều màu sặc sỡ và xòe tròn bó hương nhìn tựa những bông hoa. Làng hương Thủy Xuân Huế không thu phí tham quan. Du khách được chụp ảnh tự do, sau đó có thể mua hương hay quà lưu niệm tại hộ làm nghề.