Tấm lưới rùng nhiều sắc màu dịch chuyển theo nhịp kéo hối hả của người dân trên bãi biển Mỹ Khê tạo nên quang cảnh đẹp mắt.
Nghề kéo lưới rùng gần 200 tuổi ở biển Mỹ Khê
Khi các loài cá và con ruốc theo luồng nước phía biển Sa Huỳnh kéo về biển Mỹ Khê cũng là lúc ngư dân ra biển bủa lưới rùng. Kéo lưới rùng là phương pháp đánh bắt bằng lưới gần bờ khá độc đáo, lưới bao vây một vùng biển và kéo lưới lên bờ để thu hoạch cá. Ngư dân tại đây kéo lưới rùng quanh năm và không cố định vào ngày nào, thường kéo vào những ngày biển lặng, không gió và dựa vào con nước thủy triều.
Mỗi đội gồm cả nam và nữ kéo lưới rùng khoảng 15 người, mỗi người một việc. Trong đó chèo ghe thúng ra biển thả lưới, quây lưới là khâu quan trọng trong quá trình đánh bắt. Lưới quây cách bờ hơn 1 km theo vòng cánh cung, trên bờ có khoảng 10 – 12 người chia ra 2 tốp đứng về hai bên, kéo giật lùi và dần tiến lại gần nhau khi lưới được đưa lại gần bờ. Hai nhóm người đứng hai bên kéo lưới vào bờ. Nhóm ngư dân thả lưới vào lúc 5h30 sáng, nếu ngay con nước nhiều cá, họ thả các mẻ lưới tiếp theo.
Ông Nguyễn Năm, một trong những hộ kéo lưới rùng tại biển Mỹ Khê cho biết đã làm nghề này gần 20 năm. Làng nghề duy trì đến nay gần 200 năm. Nguồn tài nguyên cá trước phong phú, nay đã giảm nhiều, một mẻ cá lưới rùng chỉ bán được vài triệu đồng. Một ngày công trên dưới 300.000 đồng một người.
Sau khi lưới rùng được kéo vào bờ, sản phẩm thu được là các loại cá cơm, cá chim, cá rựa, tôm và con ruốc còn tươi rói. Ruốc giống như con tôm nhỏ, chiều dài khoảng 1-4 cm và có màu nâu đỏ, dùng để luộc, nấu canh rau hay khoai môn.
Quang cảnh kéo lưới rùng là đề tài cho người yêu nhiếp ảnh khai thác với góc chụp nhìn từ trên cao. “Vào những ngày sương giăng và những tấm lưới rùng xanh, đỏ nổi bật mang lại bức tranh nhịp sống trên bãi biển Mỹ Khê thật đẹp”, nhiếp ảnh gia Duy Sinh cho biết.
Hiện nay do Covid-19, ngư dân địa phương không tập trung đông người và thực hiện cách ly xã hội 15 ngày kể từ ngày 1/4, theo chỉ thị của Chính phủ và giám sát của chính quyền.