A Lưới, một huyện vùng cao nằm dọc biên giới Việt Lào. Nơi đây có rất nhiều đồng bào Tà Ôi sinh sống. Và nghề dệt zèng đã gắn bó với người Tà Ôi từ thưở mở đất lập nghiệp!
Nghề dệt zèng – Báu vật của người Tà Ôi ở Thừa Thiên Huế
Nghề dệt zèng đã theo đồng bào Tà Ôi từ bao đời nay. Trong tiếng Tà Ôi, dệt thổ cẩm được gọi là dệt zèng. Đây được xem là sản phẩm văn hóa tiêu biểu của đồng bào nơi đây. Trải qua nhiều đổi thay, nghề dệt đã phát triển thành nghề truyền thống đặc sắc.
Không đa dạng sắc màu trong từng họa tiết, không phức tạp trong các thao tác, nghề dệt zèng của người Tà Ôi mang nét đẹp giản đơn, mộc mạc như chính con người vùng biên.
Nghề dệt thổ cẩm ở đây tồn tại nhờ cha truyền con nối, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đặc biệt những người phụ nữ Tà Ôi đã truyền nghề cho con cháu họ, để phụ nữ nào cũng biết dệt. Từ xưa đến nay, con gái Tà Ôi 13, 14 tuổi đã được bà, mẹ, chị dạy cho cách dệt zèng.
Người phụ nữ phải đảm nhận tất cả các khâu trong quy trình dệt, từ làm khung dệt, lấy sợi cho đến khi hoàn thiện sản phẩm. Vậy nên các cô gái phải biết làm công việc này từ ít tuổi để trước khi cưới chồng sẽ thạo hết tất cả các việc. Vai trò người phụ nữ trong cộng đồng dân tộc Tà Ôi rất được coi trọng.
Nguyên liệu dùng để dệt zèng là sợi bông, sợi chỉ, sợi len và thường sử dụng các sợi màu đỏ, trắng, vàng, đen. Sợi dệt truyền thống được người Tà Ôi sử dụng là sợi bông vì nguyên liệu này mát về mùa hè, ấm về mùa đông.
Sản phẩm vải dệt zèng chủ yếu dùng may áo, váy, khăn, túi đeo, thắt lưng, mũ. Chiếc khung cửi dệt zèng gồm những thanh củi, thanh tre được đan xen gọn gàng với nhau có khả năng lắp vào, tháo ra linh động. Mỗi bộ phận của khung thực hiện chức năng riêng biệt nhưng có sự phối hợp nhịp nhàng để tạo nên nhiều chi tiết hoa văn khác nhau.
Nét độc đáo riêng biệt của dệt zèng là người thợ đã khéo léo đưa những hạt cườm trực tiếp vào sản phẩm để dệt thay vì kết dính lên vải. Đây là cách tạo nên hoa văn rất chắc chắn, khó có thể làm rơi.
Những tấm vải dệt zèng thổ cẩm của người Tà Ôi mang vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng với rất nhiều loại hoa văn khác nhau mô phỏng những hiện tượng, sự vật trong thiên nhiên. Hoa văn thường thể hiện bằng hình tam giác, hình thoi và hình đường thẳng với phức hệ thực vật, động vật, con người.
Có thể nói mỗi tấm thổ cẩm là tác phẩm văn hóa, nghệ thuật hoàn chỉnh với những hoa văn trang nhã, phong phú và tinh xảo. Qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ, những tấm vải độc đáo biến thành váy, áo, khăn choàng truyền thống mang đậm nét đặc trưng văn hóa Tà Ôi.
Đã từng có lúc nghề dệt zèng mai một, bị lãng quên nhưng nhờ có những con người luôn dành hết tâm huyết, tài năng, sự tận tụy với mong muốn gìn giữ và bảo vệ văn hóa truyền thống, đã giúp nghề này phát triển trở lại.
Những sản phẩm của người Tà Ôi luôn giản dị, mộc mạc, là nét đặc sắc của dân tộc luôn sống hòa hợp với thiên nhiên. Trải qua sự phát triển không ngừng của xã hội, nghề dệt thổ cẩm của người Tà Ôi tồn tại cho đến ngày nay đã góp phần đưa các nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống nâng lên một bước với xu hướng phát triển chung của cộng đồng các dân tộc thiểu số.