Vĩnh Phúc, vùng đất núi bọc sông bao với truyền thống lịch sử ngàn đời. Đến đây, du khách được tìm hiểu, khám phá văn hóa và nghe câu chuyện lịch sử xa xưa ở bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc.
Nghe chuyện lịch sử ở bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc
Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc nằm trên đường Lý Bôn, giữa trung tâm thành phố Vĩnh Yên, trong không gian 38.000 mét vuông rất gần gũi với thiên nhiên. Bảo tàng có diện tích trưng bày 2.500 mét vuông là nơi sưu tầm, lưu trữ nhiều tài liệu hiện vật có giá trị.
Bảo tàng hiện đang trưng bày trên 10.000 hiện vật giới thiệu về truyền thống văn hóa, lịch sử vùng đất, con người Vĩnh Phúc từ thời kỳ Tiền sơ sử đến nay. Ngoài trưng bày theo chủ đề, bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc còn có hoạt động trưng bày theo chuyên đề phục vụ các sự kiện văn hóa của tỉnh.
Tại gian mở đầu của bảo tàng, người ta đã dành một không gian rất trang trọng cho tượng Bác Hồ đứng nói chuyện với nhân dân Vĩnh Phúc sáng ngày 2-3-1963. Trong buổi sáng đó, Bác đã nói một câu được ghi khắc đến ngày nay “…phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có phồn thịnh nhất miền Bắc…”.
Với nội dung phong phú, hấp dẫn được trưng bày logic khoa học, hệ thống âm thanh ánh sáng hợp lý, các trang thiết bị và hệ thống nghe nhìn tương đối hiện đại, bảo tàng tỉnh đã tạo không gian tương đối hấp dẫn với khách tham quan. Bên cạnh đó các hiện vật luôn được thay đổi, bổ sung để tạo cảm giác mới mẻ, hấp dẫn tránh sự đơn điệu.
Phòng mở đầu bảo tàng rộng 400 mét vuông giới thiệu diên cách địa lý, tài nguyên thiên nhiên và các di vật lịch sử tiêu biểu, đặc biệt là sự có mặt của người Việt cổ trên đất Vĩnh Phúc từ thời đại đồ đá cũ đến thời đại kim khí (Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn) trong đó Đồng Đậu là một di tích tiêu biểu chứa đựng cả 4 giai đoạn văn hóa trên, nền tảng cho việc hình thành thời đại các vua Hùng.
Phòng trưng bày số 1 có diện tích 140 mét vuông trưng bày về đời sống văn hóa của nhân dân các dân tộc Vĩnh Phúc (Kinh, Sán Dìu, Cao Lan, Dao), sưu tập y phục, trang sức, phong tục tập quán, tín ngưỡng, đồ dùng sinh hoạt, đời sống canh tác và 1 số lễ hội tiêu biểu như: lễ hội chọi trâu (xã Hải Lựu, huyện Sông Lô); lễ hội cướp Phết (xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch), lễ hội Tấy Thiên (xã Đại Đình, huyện Tam Đảo)…
Phòng số 2 có diện tích 108 mét vuông giới thiệu về truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân các dân tộc Vĩnh Phúc từ đầu Công nguyên đến năm 1930. Tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa: Hai Bà Trưng năm 40- 43; Lý Bôn xây dựng căn cứ Hồ Điểm Triệt chống quân Lương vào thế kỷ 6; Nguyên Khoan và thành Gia Loan.
Ngoài ra còn có trận chiến Bình Lệ Nguyên và danh tướng Lân Hổ; Trần Nguyên Hãn và quê hương Sơn Đông; Nguyễn Danh Phương và căn cứ Thanh Lanh Ngọc Bội; Đề Thám và căn cứ Sáng Sơn (năm 1909); Đội Cấn và cuộc binh biến Thái Nguyên (năm 1917); Nguyễn Thái Học với phong trào Việt Nam Quốc dân Đảng (năm 1930).
Với rất nhiều hiện vật, hình ảnh, tài liệu… bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc phục vụ nhân dân trong tỉnh, khách tham quan trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử của tỉnh và của cả nước, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc.
Theo iVIVU.com