Ngày hội Kiêng gió tiếng Dao là “mì seèng phẩy hêy dảo”, hay “chợ tình” là ngày hội truyền thống diễn ra từ mồng 4 tháng 4 âm lịch hàng năm tại xã Đồng Văn, huyện miền núi Bình Liêu.
Ngày hội Kiêng gió – “Chợ tình” của đồng bào Dao Thanh Phán
Ngày hội Kiêng gió bắt nguồn từ phong tục tránh thú rừng, thiên tai và cầu mùa màng bội thu, ấm no của đồng bào Dao Thanh Phán. Vào ngày hội, sẽ không có bất kỳ thành viên nào ở trong nhà vì người ta quan niệm nếu có sự hiện diện của người thì thần gió sẽ không vào nhà.
Các gia đình lặng lẽ rời nhà từ sớm, khi họ ra khỏi nhà, thần gió sẽ vào nhà và mang đi những rủi ro, phiền muộn trong năm cũ và rửa sạch không khí, chỉ để lại những điều tốt lành, ấm no, sung túc.
Trong ngày hội Kiêng gió, người Dao Thanh Phán sẽ dừng mọi hoạt động sản xuất, không đi nương làm rẫy, không ra ruộng, không cuốc đất… vì làm bất cứ việc gì cũng sẽ không có thành quả. Họ tụ tập vui chơi ở bất kỳ đâu, nhưng không phải trong nhà.
Địa điểm tụ tập thường là những nơi mát mẻ, thoáng đãng như bìa rừng hay ven suối, thác nước. Sau những ngày lao động vất vả, người Dao được thảnh thơi tâm tình, hát cho nhau nghe điệu Sán Cố, bàn bạc về mùa vụ, thêu thùa và xuống chợ mua sắm…
Tục kiêng gió cũng có thể là nguồn gốc của các phong tục kiêng cữ khác trong đời sống người Dao Thanh Phán nói riêng và Dao nói chung như khi ăn kiêng gõ vào đũa bát. Họ quan niệm, làm như thế mùa màng sẽ thất bát, cuộc sống cơ cực.
Phụ nữ Dao hầu như đều biết thêu thùa. Họ thông hiểu các hoa văn cây cối, chim muông, tín ngưỡng… được mẹ, bà truyền lại. Ngày Kiêng gió của tháng Giêng chính là ngày tìm lại trong buồng những quần áo đang thêu dở từ mùa trước để tiếp tục thêu cho xong. Ngày Kiêng gió chính xác là ngày im lặng, quãng nghỉ giữa chuỗi ngày làm đồng thường nhật bận rộn.
Dân tộc Dao là dân tộc có chữ viết. Họ gọi đó là chữ Nho và sở hữu những cuốn sách cổ vài trăm năm. Những thanh niên thông minh được người lớn truyền lại cách đọc, cách viết, cách làm giấy mực để tập viết chữ. Một số tài liệu còn ghi chép cả cách rèn dao, làm cuốc xẻng, cày bừa, cách nuôi ong và nấu rượu, nhuộm vải…
Ngày hội Kiêng gió do đó đồng thời cũng mở ra cả kho tàng kinh nghiệm dân gian. Sự truyền dạy cũng vào lễ cúng, ngày đẹp, ngày lành, tâm trí phải thanh tịnh, sạch sẽ mới có thể động vào và nghiên cứu sách chữ Nho, thường gọi là sách Thánh hiền, và đó chính là ngày Kiêng gió hàng năm.
Người Dao có nhiều phong tục đẹp, ngoài ngày hội Kiêng gió còn có lễ xuống đồng, tục trồng cây đầu năm, ban phúc lành cho trẻ nhỏ, kính lễ người già… Ngày Kiêng gió giống như một kiểu đuổi tà ma, xua điều xui xẻo và đón điều lành, rửa sạch không khí.
Tuy có chút khác nhau ở mỗi vùng, nhưng ý nghĩa của ngày lễ này vẫn không thay đổi. Có nơi, phụ nữ trong bản người Dao ra ngoài rất sớm. Họ tụ tập trên các khoảng rừng trống để thêu thùa, đến tối mới về nhà và mở cửa để thần gió vào nhà.
Có những nơi, vào ngày Kiêng gió, các gia đình người Dao lại tổ chức ăn uống vui chơi tại nhà, gói bánh chưng và thịt lợn làm cỗ bàn. Theo lịch âm, những ngày Kiêng gió đều là những ngày nhiều gió lạnh. Có thể đây cũng là lý do để người Dao nghỉ ngơi tránh cái lạnh mùa đông.
Ngày nay ngày hội Kiêng gió diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc như: chương trình giao lưu nghệ thuật các làn điệu dân ca; thi giã bánh dày; thi trưng bày ẩm thực, thêu hoa trên vạt áo; trình diễn trang phục dân tộc và các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy…; đồng thời, tham quan, mua sắm nông sản địa phương ở chợ phiên Đồng Văn.