Về miền Tây, thay vì đến thăm những ngôi nhà cổ hay đền chùa, sao bạn không một lần thử đến chiêm ngưỡng 6 nhà thờ nổi tiếng sau đây, nơi được nhiều du khách và giáo dân gần xa biết đến.
6 nhà thờ nổi tiếng bạn nên ghé thăm nếu đến du lịch miền Tây
Nhà thờ Cái Mơn – Bến Tre
Nhà thờ Cái Mơn thuộc Ấp Vĩnh Bắc, xã Vĩnh Thành, dưới chân cầu Cái Mơn lớn, là một trong những nhà thờ xưa nhất Nam Bộ, được xây dựng vào năm 1872. Đến đây bạn sẽ ngạc nhiên khi nhìn thấy tháp chuông 9 tầng cao 56,52m với 6 chuông được đúc tại Pháp.
Nhà thờ ngày nay là nơi sinh hoạt cho hầu hết giáo dân của xã Vĩnh Thành và một số xã lân cận. Đối diện nhà thờ là nhà bia học giả Trương Vĩnh Ký, một trong 18 vị bác học thế kỷ XIX.
Nhà thờ Cái Bè – Tiền Giang
Nhà thờ Cái Bè (thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) nằm ở một vị trí rất đẹp, ngay bên ngã ba sông Cái Bè, mặt hướng thẳng ra chợ nổi Cái Bè.
Nhà thờ được xây dựng đầu thế kỉ XX theo phong cách kiến trúc Roman bằng bê tông cốt thép, khuôn viên rộng mát. Mặt ngoài nhà thờ có những họa tiết trang trí và hoa văn đắp nổi cầu kỳ, rất công phu từ cửa chính, cửa sổ, đến những chi tiết nhỏ nhất của nhà thờ.
Tháp chuông được trang trí bằng nhiều tháp nhỏ, có 4 trái được đúc tại Pháp vào năm 1931 theo công nghệ tiên tiến nhất thời bấy giờ.
Bên dưới chân tháp có hầm chứa nước để phóng đại âm thanh của chuông. Bên trong khuôn viên nhà thờ còn có một ngôi mộ chôn đứng của Trần Bá Lộc, thời Pháp là chủ quận Cái Bè. Nhiều người cho rằng nhà thờ Cái Bè là nhà thờ đẹp nhất của miền Tây Nam Bộ.
Nhà thờ Cha Diệp – Bạc Liêu
Nhà thờ Cha Diệp – nơi an nghỉ của Linh mục Trương Bửu Diệp, là điểm đến quen thuộc của du khách khi đến Bạc Liêu gắn liền với sự linh thiêng của cha. Nằm trong địa bàn Ấp 2, xã Tân Long. huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, nhà thờ còn có tên gọi khác là nhà thờ Tắc Sậy, từ một nhà thờ nhỏ, hẻo lánh, nhà thờ Tắc Sậy đã thay da đổi thịt thành một nhà thờ lớn, đẹp đẽ nhưng cũng không kém phần tôn nghiêm.
Chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên trước cụm kiến trúc lạ, độc đáo, uy nghi của nhà thờ gồm 3 tầng: tầng trệt dùng làm nơi khách nghỉ ngơi, tầng 2 và 3 là nơi dâng lễ có sảnh rất rộng.
Nơi an nghỉ của cha Diệp có kiến trúc như một tòa nhà có ba nóc rộng lớn, nóc chính giữa có đồng hồ lớn tạo điểm nhấn cho tòa nhà. Bên trong bày trí nhiều tượng gỗ quý được chạm khắc rất tinh xảo và khéo léo, tất cả đều mang tín ngưỡng công giáo.
Nhà thờ Chánh Tòa Vĩnh Long
Nhà thờ chánh tòa Vĩnh Long với danh hiệu Bà Thánh Anna – Thân mẫu Đức Bà Maria tọa lạc số 141 Lý Thái Tổ, ngay tại trung tâm thành phố Vĩnh Long.
Khi xưa vùng đất Vĩnh Long này không có nhà thờ, trải qua nhiều thăng trầm và phát triển, nhà thờ Chánh tòa Vĩnh Long được hoàn thành vào năm 1967, nay trở thành một địa điểm quen thuộc không chỉ của giáo dân trong thành phố mà còn của cả du khách thập phương.
Nhà thờ họ đạo Mặc Bắc – Vĩnh Long
Nhà thờ Mặc Bắc là một trong những giáo xứ Thiên Chúa lớn và cổ xưa ở miền Tây Nam Bộ, được xây dựng năm 1886, hoàn thành năm 1888, có diện tích là 24x60m, tháp chuông cao 36m, được xem như ngôi thánh đường lớn thứ hai ở Nam Bộ thời đó, chỉ sau nhà thờ Đức Bà – Sài Gòn.
Nhà thờ được chỉ huy xây dựng bởi một kiến trúc sư người Pháp, vật liệu xây dựng cũng được đưa từ Pháp sang. Với lối kiến trúc nghệ thuật rất cổ xưa, trang nhã, hài hòa, nhà thờ Mặc Bắc vẫn bền trải với thời gian gần 130 năm. Nơi đây, hiện tại là một điểm hu hút khách du lịch và giáo dân gần xa đến chiêm bái.
Nhà thờ Chánh Tòa Mỹ Tho
Nhà thờ Chánh Tòa Mỹ Tho nằm bên đại lộ Hùng Vương là nhà thờ thứ ba của họ đạo Mỹ Tho, được xây vào năm 1906 và hoàn thành vào năm 1910. Nhà thờ cao 24m, rộng hơn 17m, dài 53m gồm một gian chính và hai gian phụ. Điều thu hút của nhà thờ này đó là được xây dựng theo lối cột tròn chống đỡ, mái vòm kiểu Âu rất bắt mắt.
Nếu đi sâu vào trong nhà thờ, bạn sẽ nhìn thấy trên từng cửa vòm là kiểu họa tiết trang trí hết sức tinh xảo, độc đáo, lối kiến trúc Hy Lạp Roma thời Phục Hưng như sống lại ở nhà thờ này.
Đến nay, nhà thờ đã hơn 100 năm tuổi, nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp cổ kính không kém phần tôn nghiêm và trang trọng.
Theo Mai Nguyễn (Tổng hợp)