Nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10km thuộc hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, đầm Chuồn là một điểm nhấn độc đáo cho phong cảnh trữ tình của xứ Huế mộng mơ.
Nét thơ hữu tình của đầm Chuồn ở Huế
Gạt qua những muộn phiền, ồn ào trong cuộc sống để có thời gian trải nghiệm dọc xuôi về miền đất Huế. Đến đây, du khách không chỉ được thả hồn vào chốn bình yên mà còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp riêng biệt của thiên nhiên.
Đầm Chuồn là “món ngon” đãi khách phương xa, với “đặc sản” là những chuyến đò lênh đênh đầm phá, thưởng thức hải sản, hòa mình cùng nhịp sống của ngư dân. Vì thế nếu có dịp dừng chân đất Huế, du khách đừng bỏ qua chuyến đi đến đầm Chuồn.
Đầm Chuồn gây ấn tượng bởi nét bình dị của cuộc sống vùng sông nước. Hệ thống cọc chắn lối hay những ngôi nhà chồi cô độc đã tạo nên nét chấm phá độc đáo.
Không chỉ vậy, đầm Chuồn còn có hệ sinh thái phong phú với nhiều đặc sản, cá, tôm, cá kình, cá dìa, cá móm, cá hanh, tôm sú, cua nước lợ… với hương vị độc đáo.
Những ngư dân sinh ra gắn liền với đầm phá, mưu sinh cũng nhờ con tôm, con cá. Đó cũng là lý do mà bà con mở ra dịch vụ du lịch bình dân để du khách có những trải nghiệm dân dã.
Điều thú vị nhất khi đến với đầm Chuồn, đó là sau khi mua xong hải sản tươi ngon bạn có thể mang ra chợ Chuồn nhờ người dân chế biến bánh khoái (bánh xèo).
Bánh khoái ở đây có nhân làm từ hải sản như tôm, cá, mực… nhưng nổi tiếng nhất vẫn là bánh khoái cá kình, loại cá chỉ xuất hiện theo mùa.
Cá kình khi làm bánh khoái không cần phải mổ ruột, bởi phần ruột của cá rất bổ, thường được người dân giữ lại để món ăn thêm dinh dưỡng.
Vỏ bánh khoái giòn, thịt cá vừa mềm vừa ngọt mà lại tươi rói. Trải nghiệm ăn bánh khoái cá kình ở đầm Chuồn thật đặc biệt mà du khách sẽ nhớ mãi khi trở về.
Cuối ngày, trải nghiệm ngắm hoàng hôn trên đầm Chuồn cũng là hoạt động thú vị khi đến đây. Đầm Chuồn trong ánh hoàng hôn trở nên trữ tình hơn, mê hoặc hơn.