17-01-2024 11:07

Muốn khóc ở Annapurna

Muốn khóc ở Annapurna

Tôi như lịm đi trước những đoạn đường mà những cánh hoa đỗ quyên nhuộm thắm lối đi. Thảo nào đỗ quyên là quốc hoa của xứ sở này.

Nepal là một đất nước tôi muốn đến từ rất lâu. Vì nền văn hóa quyến rũ của xứ sở này, không phải vì dãy núi Hymalaya nóc nhà thế giới. Trong suy nghĩ của tôi, xưa nay vốn không bao giờ có khái niệm về trekking (đi bộ xuyên rừng, núi), huống gì lại trekking ở rặng núi này.

Trong một phút giây, gọi là “ bốc đồng” cũng được mà gọi là “cơ duyên” cũng đúng, tôi quyết định đến Nepal để trekking cung đường nổi tiếng trong giới trekkers là Annapurna Base Camp.

Thử thách từ ngày đầu tiên

Nói thì nghe oai lắm, thật ra lắm lúc tôi quá đỗi lo lắng và hoang mang trước chuyến đi này. Thành tích “xịn” nhất của tôi xưa giờ liên quan tới chinh phục đỉnh cao là leo lên được đỉnh núi Bà Đen ở Tây Ninh, hơn 15 năm trước. Bởi vậy Annapurna Base Camp quá vĩ đại với thể loại dân thường như tôi. Nhìn lên bản đồ, thấy cung đường dài hun hút, cao vời vợi vì Annapurna Base Camp nằm ở độ cao 4.200 m, không ít lần tôi muốn thoái lui. Nhưng vé máy bay đã mua, đơn nghỉ phép đã được duyệt, kế hoạch đã lên, thôi thì… nhắm mắt làm liều.

Annapurna Base Camp

Rời khỏi Kathmandu, tôi lên xe buýt đêm đi 6 tiếng đồng hồ đến TP Pokhara, bắt đầu chuyến trekking. Khác với Kathmandu đầy bụi, thung lũng Pokhara trong lành xinh tươi. Ngày đầu tiên lên núi bắt đầu tại địa cửa ngõ Phedi. Sáng hôm ấy trời âm u rồi mưa rơi nặng hạt. Khoác vội tấm nylon làm áo mưa, vai mang ba lô, hai chiếc gậy cầm trong tay, tôi bắt đầu chinh phục Annapurna Base Camp. Mưa mỗi lúc mỗi to, áo quần ướt mem lạnh cóng, vai bắt đầu đau, chân bắt đầu run mà dốc núi cứ nối nhau cao mãi. Không hối hận về quyết định trekking nhưng tôi bắt đầu có dự định khác cho mình. Đến điểm dừng chân của ngày hôm nay, tôi sẽ ở lại và sau đó xuống núi, trở lại Pokhara. Tôi tin rằng mình không đủ sức đi tiếp tám ngày còn lại và tin Annapurna Base Camp chỉ là những dốc đá trong rừng cây âm u. Nhưng kế hoạch này lập tức thất bại khi tôi vừa đặt chân đến Pothana ở độ cao 1.900 m. Pothana là một phố núi nhỏ, dăm nóc nhà với con đường lát đá. Nhà nào cũng trồng những chậu hoa đủ sắc màu. Pothana xinh đẹp đến mức tôi mỉm cười, quên hết mọi vất vả mỏi mệt.

Annapurna Base Camp

Annapurna Base Camp ở độ cao 4.200 m đây rồi!

Tối hôm ấy, trong ngôi nhà dễ thương ấm áp, những người bạn Nepal và các cô con gái của chủ nhà dạy chúng tôi nhảy những điệu múa truyền thống của đất nước này. Họ nói với tôi, ở Nepal ai cũng biết múa, biết hát. Tối hôm ấy, phải nhờ chiếc túi ngủ dày cộp, đắp thêm lớp chăn ấm tôi mới có thể chống chọi với cái lạnh ở đây. Nửa đêm, nghe tiếng mưa ngoài hiên rả rích, trong tôi lại mơ hồ một nỗi sợ hãi. Ngày mai tôi sẽ phải đi nhiều gấp đôi hôm nay trong thời tiết khắc nghiệt này.

Nói sao cho hết những gian nan với một cô nàng hiếm khi vận động chân tay như tôi trong tám ngày chinh phục Annapurna Base Camp hùng vĩ. Những ngày cuối hành trình là đỉnh điểm của mỏi mệt, tôi có cảm tưởng hai đầu gối sắp long ra ngoài, vai đau nhức vì cái ba lô nặng trĩu. Hơn nửa chặng đường trekking chỉ ăn rau, trứng do đây là vùng đất thiêng. Mấy ngày liền quanh quẩn cơm chiên, bánh mì Gurung với trứng luộc, lần đầu tiên tôi đã biết cảm giác thèm nhớ những món ăn tại quê nhà mặc dù từng đi bụi khá nhiều và cũng thuộc dạng cực kỳ dễ ăn. Có lẽ do vận động nhiều nên nhu cầu ăn ngon tăng cao chăng?

Buổi tối, ngoài việc xoa bóp chân với dầu nóng, tôi chỉ còn một cách cầu nguyện sáng hôm sau mình vẫn tiếp tục được hành trình đã định. Chỉ mang cái ba lô mà tôi đã đau vai như vậy, các porters (người khuân vác hành lý) cõng vài chục ký trên lưng vất vả tới cỡ nào.

Hùng vĩ, thanh bình và lãng mạn là Annapurna

Bù đắp cho công sức bỏ ra sẽ là phần thưởng xứng đáng. Mỗi ngày trekking Annapurna Base Camp là mỗi ngày tôi được nhận những trải nghiệm khác nhau, đưa tôi đi hết cảm xúc này đến cảm xúc khác trước sự lộng lẫy và kỳ diệu của đất trời. Từ Pothana qua Landruk rồi tới Chhomrong là một cung đường lãng mạn, lối đi là những con đường lên xuống xếp bằng đá với những ngôi nhà giản dị xinh đẹp cùng lũ bông hoa rực rỡ, đám cỏ xanh rì cùng các mảnh vườn rau bé tẻo. Hoa ở Annapurna Base Camp nhiều và đẹp hớp hồn. Nhưng từ đó đến Bamboo rồi Dovan lại là chặng đường mất sức nhất vì dốc cứ lên mãi, lên mãi. Không biết bao nhiêu lần tôi đã phải đứng lại, ngước nhìn lên phía trên tít tắp rồi chỉ biết thở dài. Thế nhưng cũng tuyệt diệu thay, bên tôi là những rừng hoa đỗ quyên trùng điệp vươn mình giữa núi rừng đang trổ hoa đỏ thắm. Đỗ quyên ở Annapurna Base Camp không phải là chậu cây bé xíu tôi thường gặp mà là những đám cây cổ thụ có khi cả mấy người ôm.

Đoạn đường đến Machhapichuhre Base Camp thì bắt đầu nhiều tuyết. Mùa hè, tuyết tan tạo thành những dòng suối nhỏ, hé lộ những mặt hồ, suối son. Lúc này tôi đã ở độ cao gần 3.800 m nên càng lạnh giá với những rừng hoa đào dại trơ trụi, hoa và lá đều bé tẻo teo. Machhapichuhre Base Camp nơi chúng tôi ngủ lại một đêm phủ đầy tuyết trắng. Từ Machhapichuhre Base Camp đến Annapurna Base Camp cũng toàn tuyết là tuyết. Hai bên là những ngọn núi phủ tuyết trắng xóa ngàn năm. Có chỗ tuyết đang tan, tiếng nước đổ ầm ầm như núi lở. Trời Annapurna Base Camp thoắt nắng chói chang lại thoắt âm u, gió rít ào ào, mây đen kéo về nhưng rồi nắng lại lên. Thật là kỳ lạ!

Annapurna Base Camp là điểm hẹn cho những du khách có sức khỏe phi thường tiếp tục chinh phục những đỉnh núi của rặng Annapurna với độ cao hơn 8.400 m. Còn tôi đến Annapurna Base Camp ăn một bữa trưa, uống ly trà đen Nepal rồi lại quay xuống.

Annapurna Base Camp

Ngày về, từ Jhinu tôi rẽ một lối khác để đến ngôi làng Gurung xinh đẹp ở Ghanruk. Hôm ấy, sức đã cùng, lực đã kiệt, nhiều lần tôi nghĩ mình không thể nào đi thêm một bước nữa. Nhưng niềm sung sướng lại tràn ngập lòng khi những vạt dương xỉ xanh rì với những bụi dâu rừng vàng ươm đang bày ra trước mắt. Lũ trẻ con nơi này, cũng giống tôi ngày xưa, trưa trưa lại trốn nhà đi hái hoa quả dại, bỏ đầy hộp rồi giấu vào trong áo. Chúng vui vẻ chia cho tôi một vốc dâu rừng ăn cho đỡ khát, còn tôi thì tặng lại chúng thanh kẹo chocolate. Làng Gurung là những ngôi nhà truyền thống của Nepal với những con đường quanh co xếp bằng đá rất đỗi công phu. Buổi chiều, tôi đi dạo làng Gurung, lạc bước đến một ngôi nhà có những phụ nữ đang xay thóc, nhặt rau. Chủ nhà vui vẻ mời tôi vào, mở đèn điện cho tôi chụp ảnh và dạy tôi nấu một món ăn cho buổi ăn tối. Mê mải làng Gurung, mê mải ngôi nhà nhỏ xíu dễ thương này, tôi quên cả thời gian. Trời tối mịt, người chủ nhà nhiệt tình tốt bụng nhất định đòi đưa tôi về, vừa đi vừa soi đèn cho tôi không bị vấp phải đá mà ngã.

Không muốn nói lời tạm biệt

Nếu có thể nói gì về Annapurna Base Camp, tôi chỉ có thể thốt lên rằng: Annapurna Base Camp làm tôi nhiều lần muốn khóc. Bao nhiêu lần muốn khóc vì quá mỏi mệt với những ngọn núi điệp điệp trùng trùng thì gấp nhiều lần hơn tôi muốn chảy nước mắt vì rung động trước những hình ảnh tuyệt đẹp mà trong mơ tôi cũng không hình dung được. Những nếp nhà bình yên, những con người hiền hậu, những đôi mắt trẻ thơ hồn nhiên, luống rau, hoa cỏ và những ngọn núi hùng vĩ ngàn năm tuyết phủ chiếm lấy hồn tôi rồi. Hạnh phúc nào hơn một buổi chiều rét căm căm ở Jhinu, tôi quấn chiếc chăn thật thơm và ấm ngồi trên giường, tựa người vào ô cửa sổ, uống ly trà đen thật nóng rồi ngắm đất ngắm trời. Ngoài kia, dãy Annapurna hùng vĩ mà tôi đã đặt chân đến nay chỉ còn thấp thoáng đỉnh tuyết trắng. Mặc trời rét buốt, mặc mưa lâm râm, lũ chim trên cành vẫn nhảy nhót và gọi nhau líu ríu. Mọi người đã đi suối nước nóng thư giãn. Tôi ngồi đó, một mình mà không hề thấy sợ hãi, buồn bã hay đơn độc, chỉ có cảm giác tự do và thanh thản xao xuyến tâm hồn. Tôi nhớ đến gia đình, đến những người yêu quý mà lòng dâng lên niềm ấm áp yêu thương. Tôi biết rằng đi đâu thì tôi cũng nhớ đến họ và tôi sẽ trở về, mang theo bao nhiêu là niềm vui rạng rỡ trong tim.

Không đùa với nóc nhà thế giới

Càng lên cao thì nước uống và tiền sạc pin điện thoại, máy ảnh càng mắc, nhất là ở Machhapichuhre Base Camp (cao gần 3.800 m) phải mất 250 rupees cho một lần sạc, tức cả trăm ngàn đồng. Một cốc nước nóng nhỏ xíu cũng đã 10.000 đồng. Tắm nước nóng thì khỏi nói, đến 60.000 đồng/người. Cũng may vì quá lạnh nên tám ngày leo núi chỉ dám tắm… ba lần. Lo nhất là hai ngày cuối cùng, hai bàn chân của tôi phù to không thể mang giày được. Bắp chân căng cứng, bước một bước cũng là một khó khăn, tôi phải mím môi và cắn răng lại để đi từng nhịp một. Không khi nào tay tôi rời khỏi gậy.

Có lần sơ ý suýt làm rơi một chiếc gậy xuống vực, tôi hét thất thanh như thể mất cả túi tiền khiến một vị khách nước ngoài hốt hoảng và sau đó là nhặt gậy giùm tôi kèm theo cái mỉm cười.

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan