Là một trong hai mùa đẹp nhất trong năm, mùa nước nổi ở miền Tây năm nay đang được dân mê du lịch lên kế hoạch ráo riết. Khám phá miền Tây trong thời gian này, bạn sẽ cảm nhận rõ nhất vẻ đẹp vùng sông nước và được thưởng thức những đặc sản mỗi năm chỉ có một lần.
Mùa nước nổi đến rồi, xách ba lô lên và đi thôi!
Đồng Tháp chim bay rợp trời
Mùa nước nổi, chim cò không biết từ đâu kéo về nhiều vô kể. Thay vì chọn lúc bình minh như đại đa số, bạn có thể bắt đầu hành trình khám phá vào lúc buổi chiều để tận hưởng những khung cảnh tuyệt diệu khi hàng ngàn cánh chim trở về tổ, bay kín cả bầu trời. Đến buổi tối, bạn có thể đi gỡ lưới và giăng cần đêm. Giăng lưới mùa nước nổi thật đơn giản, cứ chèo xuồng con đi thẳng một đường rồi thả lưới. Chừng một tiếng sau quay lại, thế nào cũng có món ngon cho nồi cháo khuya.
Đêm nhẹ nhàng trôi qua trong giấc ngủ say hứa hẹn một ngày mới đầy thú vị. Mùa nước nổi cũng là lúc những đồng sen nở rộ khắp nơi. Rảo bước dạo chơi trên những bờ đê hay khua mái chèo rẽ nước lướt giữa hương sen thoang thoảng để thấy lòng mình thật yên bình và thanh thản.
Cần Thơ gạo trắng nước trong
Cần Thơ là một thành phố trực thuộc trung ương, nằm bên hữu ngạn của sông Hậu, là quê hương của nhiều người nổi tiếng như Châu Văn Liêm, Út Trà Ôn… Nhắc đến Cần Thơ, không thể không nói đến cây cầu Cần Thơ nổi tiếng bắc qua sông Hậu. Tại thời điểm hoàn thành, đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất tại khu vực Đông Nam Á, dài 550m. Về Cần Thơ bạn có thể mặc sức khám phá chợ nổi Cái Răng, nhà cổ Bình Thủy, bến Ninh Kiều, cầu đi bộ…
An Giang khoác lên một màu xanh dễ chịu
Thực ra ở bất kỳ thời gian nào trong năm An Giang cũng đã đẹp rồi, nhưng khi vào mùa nước nổi, vùng đất này như khoác lên một chiếc áo màu xanh rất dễ chịu. Đó là màu xanh mướt khi bèo phủ đầy mặt nước trong rừng tràm Trà Sư, là màu xanh tươi của hàng cây thốt nốt dọc những cánh đồng Tà Pạ, hay màu xanh nhẹ nhàng của Búng Bình Thiên…
An Giang hấp dẫn du khách không chỉ với khung cảnh thiên nhiên đẹp say lòng, mà ẩm thực phong phú cũng hớp hồn ai từng một lần thử qua. Lẩu mắm, bánh bò thốt nốt, bún cá, gỏi sầu đâu… đều là những món ăn ngon thần sầu của xứ Bảy Núi.
Bạc Liêu giấc mơ tình yêu
Vùng đất Bạc Liêu có nhiều di tích ghi dấu những sự kiện từ ngày đầu khai hoang mở đất. Đây còn là vùng đất hội tụ văn hóa của ba dân tộc Kinh – Hoa – Khmer thể hiện qua những công trình văn hóa độc đáo, tạo nên vẻ đẹp riêng Bạc Liêu. Bạn có thể đến nhà hát Cao Văn Lầu, cánh đồng quạt gió giữa biển hay tham quan nhà của Công Tử Bạc Liêu.
Bên cạnh những địa điểm tham quan nổi bật, ẩm thực Bạc Liêu cũng mang sắc thái dân tộc và yếu tố bản địa vùng miền sâu sắc. Nhiều món ăn tạo nên thương hiệu Bạc Liêu như bún bò cay, bánh xèo, bún nước lèo… Đặc biệt, vùng đất này còn gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bài Dạ cổ hoài lang nổi tiếng – nơi đặt nền móng cho sự phát triển của nền cổ nhạc Nam Bộ.
Cà Mau xuồng ghe ngày đêm không ngớt
Có một thứ âm thanh rất đặc biệt mà chỉ khi về miền Tây bạn có thể nghe được. Đó là tiếng máy ghe nổ lạch bạch trên những con mương, sông nhỏ len lỏi qua từng xóm làng của người dân. Đến với Cà Mau, gần như mọi thứ đều sử dụng xuồng, ghe. Ở một nơi mà nền đất thấp hơn mực nước biển, không cần phải đợi đến mùa nước nổi, chỉ cần con nước lên là nước đã bao phủ khắp lối rồi.
Đến đây, bạn sẽ được đi xuồng ra mũi Cà Mau, khám phá rừng U Minh Hạ trên ghe, ngắm bình minh trên đầm Thị Tường cũng bằng ghe nốt… sẽ là những trải nghiệm vô cùng thú vị đấy.