Từ loài gây hại châu chấu trở thành món ăn trên bàn nhậu và mang lại thu nhập cao cho người dân với giá 300.000 đồng một kg thành phẩm.
Mùa bắt châu chấu ở ngoại thành Hà Nội
Những ngày này, hai bên cánh đồng dọc quốc lộ 21B đoạn Ba La đến Tế Tiêu (Hà Nội) từng đàn châu chấu (nhiều địa phương còn gọi là cào cào) xuất hiện trên ruộng lúa. Năm nay số lượng châu chấu ít hơn hẳn so với những năm trước.
Loài côn trùng gây hại cho lúa này đang trở thành món ăn đặc sản với vị thơm ngon, giòn và bổ dưỡng. Nhiều người vẫn gọi vui là món “tôm bay”. Châu chấu phát triển mạnh vào thời điểm khi cánh đồng lúa bắt đầu trổ đòng.
Thông thường trong năm có hai vụ gặt là tháng 6 và tháng 10, thì tháng 10 là thời điểm thu hoạch chính. Bằng chiếc vợt lưới tự chế kích thước đường kính 60 cm, hàng chục người dân xã Lê Thanh (huyện Mỹ Đức) vẫn đi hàng chục kilomet để bắt châu chấu kiếm thêm thu nhập.
4h – 6h và 14h – 18h là lúc bắt được nhiều châu chấu nhất. Ngay khi phát hiện ruộng lúa có châu chấu, người dân liên tục dùng vợt chao qua chao lại, thành quả là những con châu chấu nằm gọn trong túi lưới.
Một ngày 4 người đi hai lần, khoảng 120 km cũng vợt được 5 kg đến 7 kg.
Việc nhặt cánh và làm sạch chân thường diễn ra vào cuối ngày. “Châu chấu mang về được rửa rồi cho vào luộc khoảng 5 phút cho ra hết nhựa (máu), sau đó vặt cánh và càng. Việc luộc qua cũng để giữ cho thịt châu chấu không bị phân hủy khi để đến ngày hôm sau “, cụ Nguyễn Thị Trường 62 tuổi nói.
Châu chấu khi mang về được nhúng nước sôi để dễ dàng vặt cánh nên có màu vàng đỏ. Mỗi kg châu chấu thành phẩm bán buôn có giá gần 300.000 đồng, so với cùng thời điểm năm 2011 năm này cao gấp 10 lần.
Những con châu chấu đã được làm sạch ngay lập tức sẽ bán đổ cho các nhà hàng hoặc đại lý thu gom để phân phối đi các chợ cóc tại thủ đô.
Trên nhiều con phố, những khu chợ cóc, hay chợ bán chim, những túi ni lông đựng châu chấu sống được người bán chia thành túi nhỏ khoảng 20 – 30 con, giá 10.000 đồng.
Theo Ngọc Thành/Vnexpress