Phong tục dâng cúng mâm ngũ quả ngày Tết được xem là một trong những nét văn hóa tryền thống của dân tộc Việt Nam, ngoài cầu bình an may mắn cho gia đình, nó còn thể hiện triết lý và tính thẩm mỹ đặc trưng của người dân 3 miền tổ quốc.
Mâm ngũ quả 3 miền cho ngày Tết thêm “sắc – vị”
Mâm ngũ quả miền Bắc được chọn lựa nhiều màu sắc dựa theo quy luật âm dương, còn ở miền Nam là theo cách phát âm các loại quả.
Được biết mâm ngũ quả luôn chọn 5 thay vì những con số khác, do năm thứ quả theo quan niệm người xưa là “ngũ hành”, ứng với mệnh của con người. Số lẻ thuộc dương, cụ thể số 5 đứng vào chữ sinh, tượng trưng cho sự phát triển sinh sôi.
Ngoài ra số 5 cũng tượng trưng cho ước muốn đón ngũ phúc vào nhà. Ngũ phúc gồm phú (giàu có), quý (địa vị sang trọng), thọ (sống lâu), khang (khỏe mạnh), ninh (bình an). Tùy theo đặc trưng về khí hậu, địa lý và quan niệm riêng mà người miền Bắc và miền Nam lựa chọn những loại quả khác nhau.
Mâm ngũ quả miền Bắc khác với miền Nam chính là thường có nải chuối xanh tượng trưng cho hành mộc; quả bưởi hoặc phật thủ màu vàng tượng trưng cho hành thổ; quả ớt màu đỏ tượng trưng cho hành hỏa; quả đào hoặc quả lê là hành kim; nho đen tượng trưng cho hành thủy. Người miền Bắc kiêng bày các loại quả có mùi, gai nhọn, thân xù xì vì quan niệm chúng đem đến vận xui. Những loại trái cây bày trên mâm ngũ quả được chọn theo số lẻ, xếp so le nhau. Trong đó, nải chuối là quan trọng nhất, như bàn tay Phật ngửa lên để che chở, mang phúc lộc cho gia chủ. Khi mua, các bà nội trợ sẽ chọn nải chuối tiêu xanh, quả dài, căng, xoè đều, không rửa qua nước cho tươi lâu.
Còn ở miền Nam, người dân thường lựa quả theo cách phát âm, mâm ngũ quả ở miền Nam sẽ gồm quả mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài, tương ứng với cách phát âm “cầu sung vừa đủ xài”. Ngoài ra, có thể thêm quả dứa (quả thơm) thể hiện sự vững vàng và mong muốn con cháu đầy nhà.
Đối với người miền Trung, thường bày mâm ngũ quả đơn giản hơn, mùa nào thức nấy với quan niệm chỉ cần gia chủ thành tâm dâng cúng tổ tiên. Mâm hoa quả trên bàn thờ ngày Tết của ba miền khác nhau nhưng đều chung một mục đích là hướng về nguồn cội, nhớ ơn tổ tiên, cầu mong năm mới nhiều điều thuận lợi.
Theo iVIVU.com