Không chỉ tư vấn cách đi, cô nàng còn ghi lại hành trình 5 ngày du lịch Phượng Hoàng cổ trấn bằng nhật ký sinh động và lôi cuốn.
Mai Chi ‘Bộ tứ 10A8′ lạc bước ở Phượng Hoàng cổ trấn
Kinh nghiệm đi Phượng Hoàng cổ trấn của Mai Chi
Phượng Hoàng cổ trấn nằm ở phía Tây tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, là một thị trấn cổ xinh đẹp, được lựa chọn làm bối cảnh cho nhiều bộ phim điện ảnh nổi tiếng và là một nơi ai cũng nên đến một lần trong đời. Tự đi Phượng Hoàng không khó nhưng hơi vất vả khoản đi lại nên mình sẽ cố gắng viết thật chi tiết để mọi người ai nếu có cảm hứng cũng dễ dàng đi được.
Mùa cao điểm ở Phượng Hoàng là từ tháng 5 đến tháng 11, mùa thu khí hậu mát mẻ nên nhiều người lựa chọn là thời điểm đi du lịch. Theo kinh nghiệm của mình, ở bất cứ điểm du lịch nào của Trung Quốc, nếu có thể hãy đi giữa tuần cho vắng. Và mình nghĩ, Phượng Hoàng cổ trấn đi cuối đông chớm xuân khi băng tan vẫn còn chút tuyết tuy hơi lạnh cũng rất đẹp và đặc biệt không phải mùa du lịch nên đảm bảo rất vắng!
Ngoài Phượng Hoàng cổ trấn mình còn đi núi Thiên Môn, nằm ở Trương Gia Giới nên bạn nào thích có thể đi như lịch trình của mình nhé!
Chi phí cho 2 người:
- Đi lại, sinh hoạt cho chuyến đi: 5.000 tệ (17 triệu đồng), không tính tiền mua đồ.
- Visa cho 2 người: 140 USD (70 USD/người).
Tổng chi phí cho một người: 10 triệu đồng.
Ngôn ngữ:
Tiếng Anh ở đây gần như vô dụng, còn tiếng Trung thực ra không có thì cũng chẳng sao nhưng nếu bạn được vài câu kiểu: ‘Tôi muốn đi…’, ‘Cảm ơn’, ‘Bao nhiêu tiền’, ‘ít cay’ (vì đồ ở đây họ cho hơi cay)… là ổn. Không thì chỉ cần một cái điện thoại đủ sóng 3G. Không biết gì cứ Google dịch hoặc dùng ứng dụng Pleco.
Thời gian:
- Vì riêng việc đi và về đã mất gần 3 ngày nên bạn hãy dành cho chuyến đi của mình khoảng 7 ngày cho dư giả nhé! Còn mình vì vướng lịch làm việc nên mình chỉ đi được 5 ngày thôi, còn bao nhiêu điều nuối tiếc.
Ứng dụng cần tải:
- Betternet (kết hợp với wifi hoặc 3G) bạn mới vào được Facebook, Viber, Instagram
- Pleco (từ điển Trung có sẵn để tra từ)
- App chỉnh ảnh
Phương tiện: có 3 cách đi đến Phượng Hoàng cổ trấn
- Máy bay: bay 2 chặng Hà Nội – Quảng Châu và Quảng Châu – Trương Gia giới. Sau đó, đi xe bus Trương Gia Giới – Phượng Hoàng Cổ Trấn.
- Đi tàu hoả 100%: mua vé tàu ở ga Gia Lâm – Nam Ninh (21h30 hôm trước – 9h sáng hôm sau). Sau đó, bạn phải chuyển tàu, mua vé đi tiếp chuyến Nam Ninh – Cát Thủ (Trương Gia Giới). Để đến Phượng Hoàng bạn phải đi xe bus mất 3,5 giờ nữa.
- Kết hợp cả xe khách và tàu hỏa (cách mình đi)
Xe Ninh Quỳnh chặng Hà Nội – cửa khẩu Hữu Nghị: xe 9 chỗ ngồi, có wifi. Giá 200.000 đồng một người (7h sáng đến 10h30, đi lâu do đường sửa). Xe trả bạn ở khu vực ăn uống ở cửa khẩu Hữu Nghị. Từ đây, bạn sẽ phải đi xe điện mỗi người 12.000 đồng để sang bên làm thủ tục xuất cảnh. Bạn cứ đi theo số đông lên xe thôi.
Họ sẽ phát cho bạn tờ khai nhập cảnh, tờ khai có sẵn ở bàn gần quầy nhập cảnh, bạn chỉ cần lấy bút và mở hộ chiếu ra chép thông tin thôi. Ra khỏi cửa nhập cảnh Trung Quốc, bạn có thể đi bộ 10 phút ra đến bến xe, hoặc đi xe điện mất khoảng 20.000 đồng tiền Việt.
Xe đi từ cửa khẩu Trung Quốc – ga tàu Nam Ninh: (giờ Trung Quốc): xuất phát 12h30 và đến nơi lúc 16h. Có 2 loại xe: đi chung xe 12 chỗ: 110 tệ/người (xe khoảng 9-10 người) hoặc bao xe 450 tệ/xe. Mình liên lạc qua anh Ngọc 0968607992.
Vé tàu Nam Ninh – Trương Gia Giới
Chiều đi:
Giường nằm cứng: loại giường có đệm mỏng, chia khoang 6 giường. Giá: 215 tệ/người gồm phí đặt (giá gốc 193 tệ). Mình đặt qua anh Ngọc luôn (nên đặt trước 2-3 ngày). Họ in cả vé ra và giao cho anh lái xe đưa lại lúc đón mình. Tàu bắt đầu chạy từ 17h10 – 8h25 hôm sau đến nơi. Nhớ đừng mang chai dạng xịt quá 100ml. Mình bị thu một chai xịt thơm, chắc vì họ sợ cháy nổ.
Chiều về mình tự đặt:
Giường mềm, phòng riêng 4 giường, đệm êm vì là loại vé cao nhất. Giá: 315 tệ/người. Nhưng tự đặt không phải dễ, mình không có tài khoản Trung Quốc nên mình chọn vé rồi gửi cho một người bạn Việt Nam sống ở Quảng Châu thanh toán online giúp mình.
Trương Gia Giới (ga Cát Thủ) – Phượng Hoàng Cổ Trấn: 3,5 tiếng xe bus. Giá: 80 tệ/người. Có khoảng 5 chuyến, bạn đến sớm nếu kịp thì đi chuyến sớm. Còn mình thì đi xe 10h30 -13h.
Bến xe của Phượng Hoàng cổ trấn và trung tâm trấn: taxi (20 tệ) hoặc bus.
Liên lạc:
Hãy mua ngay sim 3G Trung Quốc khi ra khỏi cửa khẩu nhé! Giá: 170.000 đồng/sim 3G có sẵn 50 tệ trong tài khoản. Nhờ người ta đăng ký giúp mình 3G luôn, nếu có thể bạn nên nạp thêm khoảng 50 tệ nữa mới đủ dùng. Người bán hàng là người Việt Nam nên tha hồ hỏi và nhờ vả.
Ăn uống
Mình thích ẩm thực nên những gì đặc trưng ở đây mình đều ăn thử hết. Có một điểm chung là đồ ăn hầu hết là cay. Các nhà hàng ở Trung Quốc đều có hình ảnh đi kèm nên bạn cứ chỉ vào và giơ ngón tay chỉ số lượng là xong.
Mình sẽ gợi ý một số món mà mình thích cho các bạn nhé:
1. Lẩu cá: tuyệt lắm. Trời lạnh lạnh, ngồi bên bờ sông Đà Giang ăn nồi lẩu cay nóng giá khoảng 60-90 tệ/nồi dành cho 2 người. Có cơm trắng đi kèm. Bạn gọi thêm rau xào nữa nhé!
2. Cơm ống tre: là cơm nằm trong ống tre, bên trên phủ xá xíu, hoặc ngô…
3. Shaokao (đọc là sao khảo) là đồ nướng, tẩm ướp ngon.
4. Ăn sáng thì mình thấy mọi người hay ăn cháo trắng với củ cải, sữa đậu và quẩy, bún cay, mỳ…
5. Cafe: dọc bờ sông có mấy quán cafe xinh xắn. Giá cả cũng phải chăng. Khoảng 28-30 tệ/cốc tuỳ loại… Đêm xuống dọc 2 bờ sông có mấy quán bar mở rất muộn. Nếu là người thích sôi động bạn nên thử xem có khác bar phố cổ ở Việt Nam nhiều không nhé.
6. Bia: đến Trung Quốc thử uống bia Trung Quốc nhé! Chai to tướng mà nhẹ hều, uống chả xi nhê gì. Hợp ăn lẩu và đồ nướng lắm nè!
7. Ăn vặt: đồ vỉa hè thì nhiều vô kể nhưng có món bạn nhất định phải ăn là:
- Món bánh tép 5 tệ/cái. Tép tươi tanh tách được bác bán hàng vớt ở dưới sông Đà Giang lên và rán cùng với trứng và bột, xong rắc lên một lớp hành, muốn ăn cay thì phết lên một ít ớt chưng.
- Đậu hũ thối: món này mình không ăn đâu, nhìn thì cũng hấp dẫn đấy.
- Kiwi: ngọt vô cùng, ruột hồng quả bé nhưng ăn ngọt, nên thử nhé: 10 tệ/kg (kg Trung Quốc nên hơi ít)
- Kẹo lạc, cua chiên, đồ viên chiên…