Du lịch Hà Giang chắc hẳn bạn đã nghe đến Dinh thự họ Vương của “Vua Mèo” với tuổi đời hơn 110 năm, cùng những câu chuyện ly kỳ của ông mà ít người biết.
Ly kỳ cuộc đời “Vua Mèo” và Dinh thự họ Vương ở Hà Giang
Hà Giang – một tỉnh ở khu vực Đông Bắc Việt Nam và giáp ranh với Trung Quốc. Hà Giang nổi tiếng với những cảnh rừng núi thiên nhiên hùng vĩ còn hoang sơ và khí hậu vùng núi se lạnh như các nước ôn đới. Khi thời tiết bắt đầu chuyển sang thu, cũng là lúc du lịch Hà Giang nhộn nhịp nhất. Nhưng có thể không ngoa khi nói rằng ở Hà Giang mùa nào cũng đẹp. Thiên nhiên đã quá ưu ái ban tặng những cảnh vật tuyệt đẹp ở khu vực này.
Ẩm thực và văn hóa ở Hà Giang cũng rất đa dạng với nhiều cộng đồng người dân tộc sinh sống, đặc biệt là cộng đồng dân tộc H’Mông chiếm đa số, tạo nên những nét rất đặc trưng chỉ có ở Hà Giang. Du lịch Hà Giang, du khách cũng không còn quá xa lạ với các địa điểm nổi tiếng như: Cao nguyên đá Đồng Văn, Mã Pí Lèng, cột cờ Lũng Cú, Hoàng Su Phì,…
Chắc hẳn khi nhắc đến Hà Giang bạn đã nghe đến vị “Vua Mèo và “Dinh thự họ Vương” hơn 110 năm tuổi cùng nhiều câu chuyện kỳ thú của ông. Cùng tìm hiểu về vị “Vua Mèo” Vương Chính Đức, người có ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng người H’Mông khi xưa.
Vua Mèo hay còn gọi là vua H’Mông là một chức vụ thủ lĩnh tinh thần, hoặc “lãnh chúa” của cộng đồng người H’Mông tại một số vùng nhất định ở Việt Nam, Trung Quốc và Lào trước Cách Mạng tháng 8. Đây là một cộng đồng tự trị, kinh tế chủ yếu dựa vào việc trồng cây anh túc và chế xuất, buôn bán thuốc phiện.
Trước Cách Mạng tháng 8, Vương Chính Đức là vua của người H’Mông với một vương triều có sức mạnh, thao túng toàn bộ khu vực cực Bắc Việt Nam hiện tại, dân số lên đến bảy vạn. Vương Chí Sình, người con trai thứ hai và là người được kế nhiệm trước năm 1945, bị rất nhiều sức ép từ nhiều phe cánh. Nhưng Vương Chí Sình không theo Pháp cũng không theo Tưởng Giới Thạch, mà muốn xây dựng Đồng Văn thành một vương quốc tự trị của người H’Mông.
Sau năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Vương Chính Đức lên gặp mặt nhưng do tuổi cao, Vương Chí Sình đã đi thay. Về sau Vương Chí Sình trở thành Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I và II, giữ chức vụ chủ tịch huyện Đồng Văn. Vai trò của Vua H’Mông dần dần suy yếu do hòa hợp với cả nước xây dựng một nhà nước thống nhất. Vương Chí Sình mất năm 1962 ở Hà Nội và an táng tại Phố Bảng, Hà Giang. Sau này được cải táng về khu di tích nhà họ Vương như hiện nay.
Nhà của “Vua Mèo” hay còn gọi là Dinh thự họ Vương có diện tích gần 3000 mét vuông, tọa lạc trên quả đồi hình con rùa, xung quanh là núi rừng bao bọc ở thung lũng Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Hai bên con đường dẫn vào dinh là hàng cây sa mộc xanh mướt, được mang về từ Trung Quốc. Dinh thự được xây dựng từ năm 1919 và hoàn thành năm 1928, tiêu tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương lúc bấy giờ, tương đương 150 tỷ đồng ngày nay.
Vương Chính Đức đã cho mời một thầy phong thủy người Hán để tìm địa điểm phù hợp xây dựng dinh thự và ông đã chọn ngọn đồi hình con rùa ở giữa thung lũng Sà Phìn vì cho rằng vị thế ở đây tốt cho hậu vận đời sau. Kiến trúc của dinh thự bị ảnh hưởng bởi 3 nền văn hóa chính là H”Mông, Trung Quốc và Pháp. Dinh thự có 4 nhà ngang; 6 nhà dọc; 3 cung Tiền, Trung, Hậu với tổng cộng 64 phòng dành cho 100 người ở. Các bức tường được xây dựng bằng vật liệu đá xanh, mái vách bằng gỗ thông và lợp ngói đất nung.
Ngay từ khi xây dựng, Vương Chính Đức đã tính toán đây vừa là nhà ở, vừa là một pháo đài có khả năng phòng vệ tốt, có khả năng chiến đấu và chịu được điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt vùng rừng núi cao này. Bên trong còn có cả kho lương thực, kho thuốc phiện, kho vũ khí được chuẩn bị cho mọi tình huống xấu nhất nếu xảy ra giao chiến.
Phía bên ngoài gian chính, Vương Chính Đức cho treo một bức tranh chữ Hán do vua Khải Định phong tặng. Các mái hiên được lợp bằng ngói ống khắc chữ “Thọ” bằng tiếng Hán. Các chân cột nhà được thiết kế thành các quả cầu bằng đá, mô phỏng theo hình quả cây anh túc, được trang trí các hoa văn hình hổ, rồng, phượng… Trong khuôn viên dinh thự còn có một bể lớn dùng để chứa nước mưa, dung tích khoảng 300 mét khối.
Năm 1993, Dinh thự họ Vương được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật và năm 2004, nhà nước đã chi khoảng 7,5 tỷ đồng để trùng tu lại di tích lịch sử và bảo tồn cấp quốc gia.
Theo iVIVU.com