Hội An (Quảng Nam) gắn liền với hình ảnh những bức tường vàng nhuốm màu thời gian, đem đến cảm giác hoài niệm cho du khách.
Lời giải cho những bức tường mang màu thời gian ở Hội An
Phố cổ Hội An từng là trung tâm giao thương lớn ở Đông Nam Á từ thế kỷ 15-19. Vào khoảng thời gian này, Hội An thu hút nhiều thương nhân nước ngoài. Trong suốt nhiều thập kỷ sau, việc giao thương đã không còn được duy trì như ban đầu. Thương mại suy giảm nhưng bù lại Du lịch đã lên ngôi. Nhờ đó, chính quyền đã có nhiều chính sách để bảo tồn những giá trị văn hóa, kiến trúc, khiến Hội An như “ngưng đọng” trước biến chuyển của thời gian. Ảnh: Vu Pham Van/Culture Trip.
Hội An nổi tiếng với những căn nhà, đền chùa cổ mang kiến trúc đa dạng từ nhiều nền văn hóa trên thế giới. Tuy nhiên, theo Hội An World Heritage, sự giao thoa văn hóa và kiến trúc không phải điểm duy nhất gây ấn tượng khi du khách tới đây. “Điểm nổi bật nhất của phố cổ này là những tòa nhà đắm mình trong sắc vàng đặc trưng”, trang này viết. Ảnh: Nguyen Phan.
Trang BBC (Mỹ) từng đăng tải một bài viết về Hội An với tựa đề “A bewitching town drenched in yellow” (tạm dịch: Một thị trấn nhuốm màu vàng đầy mê hoặc) do nhiếp ảnh gia Rene Leen thực hiện. Người này đã nêu ra một số lý do khiến Hội An mang một màu vàng đặc trưng. Ảnh: Rehahn Photography.
Thứ nhất, màu vàng là biểu tượng cao quý của hoàng gia. Bên cạnh đó, màu vàng cũng tượng trưng cho niềm tự hào, sự may mắn, giàu sang. Màu sắc này khá phổ biến trong văn hóa Việt Nam. Đa số bàn thờ tổ của người Việt đều có những đồ vật màu vàng kết hợp với hoa… Ảnh: Rehahn Photography.
Nguyên nhân thiết thực nhất được đưa ra là màu vàng hấp thụ nhiệt ít, giúp tránh nóng trong những tháng hè. Tại đất nước nhiệt đới ẩm ướt như Việt Nam, rêu thường xuyên xuất hiện khiến các kiến trúc bị mất mỹ quan. Tuy nhiên, xanh và vàng lại có sự ăn ý kỳ lạ. Cũng vì thế, du khách cứ luôn mãi nhớ thương hình ảnh những bức tường rêu phong cũ kỹ ở Hội An. Ảnh: Vu Pham Van/Culture Trip.
Một số ý kiến cho rằng màu tường của Hội An là vàng thổ, thường được dùng trong những kiến trúc cổ xưa. Trong phong thủy, màu này thường gợi đến tài lộc, giúp tinh thần phấn chấn. Đây cũng là gam màu trầm, gần với màu của đất. Do đó, những bức tường này mang ý nghĩa trường tồn, tượng trưng cho màu thời gian. Ảnh: Vu Pham Van/Culture Trip.
William Tan, một blogger Du lịch, cũng đồng tình với những giả thuyết trên. “Dù vậy, một điều tôi chắc chắn là màu vàng đem đến sự tươi sáng và vui vẻ ngay cả vào những ngày u ám nhất”. Trong khi đó, Rehahn, nhiếp ảnh gia Pháp, lại ví những bức tường vàng xếp cạnh nhau giống như tấm nền hoàn hảo cho mọi bức ảnh. “Là một nhiếp ảnh gia du lịch và chân dung, tôi luôn hướng tới ánh sáng. Tại đây, ánh nắng lúc nào cũng bao quanh tôi”, anh chia sẻ. Ảnh: Contented Traveller.
Hội An không đơn giản là một thành phố vàng. Trong mắt Rehahn, Hội An giống như một bữa tiệc màu sắc thay đổi từ ngày qua đêm. “Ban ngày, ánh nắng phản chiếu trên những căn nhà vàng chanh. Đêm tới, những chiếc đèn lồng du khách thả xuống lại đem tới ánh sáng lung linh trên sông. Màu vàng lúc này có phần êm dịu và mềm mại hơn. Ánh sáng và tông màu của thành phố này thay đổi chẳng ngừng nghỉ. Tôi thường chụp cùng một hậu cảnh vào các thời điểm khác nhau để thấy rõ sự thay đổi trong cảm xúc”, anh nói. Ảnh: Vu Pham Van/Culture Trip.
Với những nhiếp ảnh gia như Rehahn, màu vàng của bức tường khiến mọi góc máy đều trở nên hợp lý. Đôi khi, bạn có thể bắt gặp hình ảnh cô nữ sinh mặc váy trắng ngang qua bức tường vàng cũ kỹ. Vào ngày mưa, hình ảnh người phụ nữ mặc áo mưa cũng tạo nên sự pha trộn màu sắc ấn tượng với bức tường vàng. Ảnh: WTjournal.
Đến nay, Hội An vẫn còn giữ được gần 1.000 nhà cổ và 844 căn trong số này được đưa vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO. Cùng với những giá trị kiến trúc, văn hóa xưa cũ, các bức tường mang màu thời gian đang khiến ngày càng nhiều du khách “trót yêu” nơi này. Ảnh: Vu Pham Van/Culture Trip.