18-01-2024 10:21

Lên đỉnh Lão Thẩn, thấy lòng mình như trôi trong mây

Lên đỉnh Lão Thẩn, thấy lòng mình như trôi trong mây

Khi những cơn gió mùa bắt đầu thổi mạnh hơn, trời rét hơn cũng là lúc những kẻ mê “săn mây” lại có dịp lên đường. Và Lảo Thẩn là nơi chúng tôi tìm đến đầu tiên.

Lên đỉnh Lão Thẩn, thấy lòng mình như trôi trong mây

 Ai cũng muốn lưu lại khoảnh khắc đẹp đến nghẹt thở này - Ảnh: Lê Hồng Thái

Ai cũng muốn lưu lại khoảnh khắc đẹp đến nghẹt thở này – Ảnh: Lê Hồng Thái

Nằm trên địa phận xã biên giới Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai, đỉnh Lảo Thẩn cao 2.826m so với mực nước biển. Nơi đây được dân du lịch bụi rỉ tai nhau là nơi ngắm mây vờn núi ngoạn mục bậc nhất Việt Nam.

Những chặng đường gian nan

Để đến được Lảo Thẩn, chúng tôi phải thuê xe vượt quãng đường hơn 70km từ thị trấn Sa Pa. Cả chặng đường đi, trời mưa sụt sùi, sương mù dày đặc khiến cả nhóm mất gần 4 giờ mới đến điểm trek – trại rau Y Tý, cách trung tâm xã Y Tý khoảng 7km.

Đón chúng tôi tại trại rau Y Tý là A Hờ và một vài anh bạn người Mông khác, những người dân bản địa sẽ cùng chúng tôi chinh phục đỉnh Lảo Thẩn.

Tất cả mọi người trong đoàn cùng nhau chuẩn bị đồ ăn, nước uống, túi ngủ, lều trại dưới cái lạnh chỉ khoảng 14 độ C.

10g, cả nhóm bắt đầu lên đường. Trời vẫn mưa đủ để con đường trước mặt trở nên nhão nhoét và trơn trượt. Men theo thảm cỏ trên đường, mọi người chậm rãi “săn mây”.

Trời vẫn mưa, gió vẫn rít… Mới di chuyển được khoảng 1 giờ mà ai cũng thấm mệt. Trước mắt chỉ toàn là sương mù trắng xóa. Những đôi giày đã ướt sũng và đen nhẻm vì bùn và nước mưa.

Mấy anh bạn người Mông chốc chốc lại động viên mọi người trời mưa và sương mù như vậy thì lên cao chắc chắn là sẽ có “biển mây” nên ai cũng lấy đó làm động lực để bước nhanh hơn.

Hơn 12g, cả nhóm nghỉ ăn trưa dưới những tán cây tung cua sỉn, một loại cây thân gỗ mọc tự nhiên. Với bánh mì kẹp giò và một chút dưa chuột, ai nấy lại tràn đầy sinh lực để tiếp tục lên đường.

Một chàng người Mông đồng hành với chúng tôi suốt chuyến đi - Ảnh: Lê Hồng Thái

Một chàng người Mông đồng hành với chúng tôi suốt chuyến đi – Ảnh: Lê Hồng Thái

Những chiếc lá dương xỉ khô ướt đẫm nước mưa - Ảnh: Lê Hồng Thái

Những chiếc lá dương xỉ khô ướt đẫm nước mưa – Ảnh: Lê Hồng Thái

Mây kìa rồi!

Sau khi luồn qua rừng trúc xanh tươi, chúng tôi lại được dịp chiêm ngưỡng khu rừng tự nhiên của vùng cận nhiệt đới. Nằm ở độ cao hơn 2.000m, thân của những cây gỗ được bao phủ bởi rêu phong trông thật thích mắt.

Vượt qua khu rừng rậm, trời đã ngớt hẳn mưa, những đám sương mù lúc đến, lúc đi làm hiện lên những khoảng trời xanh hiếm hoi trong ngày.

Nhích từng bước nặng trĩu như đeo đá, điều chúng tôi cần nhất bây giờ không phải đồ ăn mà là mây.

“Cứ đi rồi sẽ đến” – tên một tựa sách mà tôi đã đọc quả đúng trong hoàn cảnh này. Chúng tôi cứ đi, cứ đi và rồi, một biển mây trắng xóa hiện hữu trước mắt.

Chẳng phải là mơ đâu, và đây là một trong những cảnh sắc tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi. Ai nấy trong đoàn đều phấn khích, hét ầm cả lên – đúng theo nghĩa đen giữa đại ngàn.

Hít một hơi sâu nhất có thể, tôi phóng tầm mắt ra xa và cảm nhận cái hùng vĩ, bao la của đất trời.

Gọi là biển mây đúng là không sai. Trắng xóa ngút tầm mắt, thoắt ẩn thoắt hiện những ngọn núi nhô lên. Có người trong đoàn ví biển mây là một biển kẹo bông trắng muốt.

Ai nấy đều lôi hết thiết bị ghi hình, nào là máy ảnh, điện thoại, camera hành trình… để ghi lại khoảnh khắc tuyệt vời của thiên nhiên và cố gắng chụp cho mình một bức ảnh ưng ý nhất.

 Mây trắng bồng bềnh như kẹo bông - Ảnh: Lê Hồng Thái

Mây trắng bồng bềnh như kẹo bông – Ảnh: Lê Hồng Thái

Những phụ nữ người Mông trên đường đi làm nương - Ảnh: Lê Hồng Thái

Những phụ nữ người Mông trên đường đi làm nương – Ảnh: Lê Hồng Thái

Đêm trên núi Lảo Thẩn

Tiếp tục chặng đường, chúng tôi vượt qua “rừng cỏ cháy” – cái tên được cộng đồng du lịch bụi đặt cho rừng dương xỉ khô lá. Màu nâu vàng hòa quyện cùng màu trắng của mây, màu xanh của trời tạo nên một bức tranh thủy mặc đầy quyến rũ.

Vừa bước vừa thu vào mắt khung cảnh có một không hai này khiến tôi lâng lâng trong lòng. Mọi người bước nhanh hơn, chả mấy chốc đến điểm hạ trại ở độ cao 2.400m. Cả nhóm tất bật dựng lều, nhóm lửa và nấu ăn.

Ở độ cao này, gió rít rất mạnh khiến những căn lều đều trở nên mỏng manh. Bưng bát cơm nóng cùng miếng gà nướng thơm phức, tôi mơ hồ cảm nhận được hương vị của cuộc sống.

Chúng tôi cùng uống với nhau chút rượu táo mèo bên bếp lửa, khoác vai nhau ngân nga những ca khúc của tuổi trẻ.

Buổi tối trên lưng chừng Lảo Thẩn không chỉ có mây, có trăng, có rừng, có gió, mà có cả hơi ấm của tình bạn.

Biển mây khu vực hạ trại thực sự hùng vĩ - Ảnh: Lê Hồng Thái

Biển mây khu vực hạ trại thực sự hùng vĩ – Ảnh: Lê Hồng Thái

Trên đỉnh Lảo Thẩn, thấy Tổ quốc mình đẹp biết bao

Sáng, bỏ lại đồ đạc không cần thiết ở điểm hạ trại, cả nhóm tiếp tục lên đường chinh phục đỉnh Lảo Thẩn.

Nhiệt độ ngoài trời chỉ 8 độ C, những cơn gió quật mạnh khiến mọi người chao đảo. Bám vào từng bụi trúc, chúng tôi nhích dần lên đỉnh.

Mất gần 1 giờ để chạm đỉnh Lảo Thẩn. Ở độ cao 2.826m, đỉnh núi thường xuyên bị mây mù bao phủ. Nếu may mắn, trời quang mây, từ đây có thể nhìn thấy núi Nhìu Cồ San gần đó.

Cùng với cờ Tổ quốc trên đỉnh Lão Thẩn, mọi người ngầm tự hào với bản thân đã chinh phục được thêm một đỉnh cao mới. Thấy Tổ quốc mình đẹp biết bao…

 Một khung cảnh bao la, rộng lớn của núi rừng Tây Bắc - Ảnh: Lê Hồng Thái

Một khung cảnh bao la, rộng lớn của núi rừng Tây Bắc – Ảnh: Lê Hồng Thái

Mây xếp trên mây, tầng tầng lớp lớp - Ảnh: Lê Hồng Thái

Mây xếp trên mây, tầng tầng lớp lớp – Ảnh: Lê Hồng Thái

Cảnh mây vờn núi làm mê hoặc lòng người. Ai trong đoàn cũng muốn có một bức ảnh thật ưng ý - Ảnh: Lê Hồng Thái

Cảnh mây vờn núi làm mê hoặc lòng người. Ai trong đoàn cũng muốn có một bức ảnh thật ưng ý – Ảnh: Lê Hồng Thái

Ai cũng háo hức và thỏa mãn cảm giác chinh phục - Ảnh: Lê Hồng Thái

Ai cũng háo hức và thỏa mãn cảm giác chinh phục – Ảnh: Lê Hồng Thái

Thông tin cho bạn

- Thời điểm thích hợp để “săn mây”: Khoảng từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau.

- Di chuyển lên Y Tý: Từ Hà Nội bạn có thể đón xe giường nằm lên Sa Pa. Nếu đi đoàn đông người có thể thuê ôtô lên Y Tý. Đi ít người thì có thể thuê xe máy tại Sa Pa.

Bạn cũng có thể di chuyển xe máy từ Hà Nội lên Sa Pa, sau đó tiếp tục di chuyển vào Y Tý.

- Lưu ý về đồ dùng khi leo núi: Thời tiết mùa đông ở đây rất lạnh. Bạn nên chuẩn bị 1 áo khoác dày chống nước, quần chống nước mưa, áo giữ nhiệt, mũ len, khăn và giày leo núi có độ bám tốt.

Theo Lê Hồng Thái/Tuổi trẻ

Đánh giá