Lễ hội Tây Thiên được tổ chức ở đền Thỏng, là một trong những lễ hội lớn ở miền Bắc, khai hội vào rằm tháng Hai Âm lịch hằng năm, thu hút đông đảo du khách về chiêm bái, mong ước một năm mới bình an.
Lễ hội Tây Thiên Tam Đảo – Ngày xuân “đến với Phật, về với Mẫu”
Lễ hội Tây Thiên được tổ chức trong khuôn viên danh thắng Tây Thiên, thuộc hệ thống vườn quốc gia Tam Đảo. Hằng năm lễ hội được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho du khách đến thưởng ngoạn cảnh đẹp, khơi dậy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Tây Thiên được biết đến như một miền đất giao hòa giữa đạo Phật và đạo Mẫu, giữa những truyền thống tín ngưỡng thiêng liêng của dân tộc. Tương truyền, ngài Khương Tăng Hội, một nhà tu hành Ấn Độ trong chuyến viễn du, thấy cảnh núi rừng nơi đây u tịch và trang nhã đã dừng chân và truyền bá đạo Phật.
Vì thế đến Tây Thiên thường được xem là “đến với Phật, về với Mẫu”. Mẫu ở đây là bà Lăng Thị Tiêu, là Chính Vương Phi của Hùng Chiêu Vương (Lang Liêu, ông tổ của bánh chưng, bánh dày), người trang Đông Lộ, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Quốc Mẫu khi tại thế là người có công cầm quân chống giặc giữ yên bờ cõi, thống nhất giang sơn, dạy dân trồng lúa, giữ lửa trong buổi bình minh của dân tộc. Sau khi mất, bà thường hiển linh, phù hộ các đời vua giữ yên bờ cõi.
Nhằm tưởng nhớ công đức của bà, nhân dân trong vùng lập đền thờ và tổ chức lễ hội long trọng. Các triều đại phong kiến từ Đinh, Lý, Trần, Lê đều sắc phong bà và cử các quan đại thần lên cúng tế hàng năm.
Quốc mẫu Tây Thiên được thờ tự chính tại đền Thượng trên đỉnh núi Thạch Bàn. Bà còn được suy tôn danh hiệu “Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu tối linh Đại vương” – Đệ nhất thượng đẳng Phúc Thần, là hiện thân của Mẫu Thượng Ngàn (một trong Thánh Mẫu Tứ Phủ chuyên trách cai quản, sáng tạo vũ trụ). Đến năm Cảnh Hưng 24 (1763) đời vua Lê Hiến Tông, Quốc Mẫu được Bộ Lễ xếp vào vị trí thứ 2 trong danh sách 19 vị sơn thần.
Lễ hội Tây Thiên tổ chức nghi thức chồng kiệu; chủ lễ dâng hương và tuyên chúc văn; các đại biểu lên dâng hương tại đền, chùa Thượng, nơi tổ chức nghi thức. Buổi chiều tổ chức lễ tạ tại đền Thỏng. Trước đó một ngày, tại đền Thượng, chùa Thượng Tây Thiên, ban tổ chức lễ hội đã tổ chức lễ cáo cho đủ phần lễ.
Phần hội sau đó diễn ra với các trò chơi, trò diễn xướng gắn với nền nông nghiệp lúa nước từ buổi đầu sơ khai thời các Vua Hùng dựng nước, tín ngưỡng phồn thực và các làn điệu dân ca, dân vũ của người Việt và đặc biệt các hoạt động của đồng bào Sán Dìu ở chân núi Tam Đảo.
Khách thập phương đến với lễ hội Tây Thiên vừa du xuân ngoạn cảnh, vừa có cơ hội dâng hương lễ Phật, lễ Mẫu, đích thực là chuyến hành hương về nguồn cội, hiểu thêm các giá trị truyền thống, luôn luôn ghi nhớ công ơn tiền nhân, đúng theo tinh thần “uống nước nhớ nguồn”.
Theo iVIVU.com