Cứ 7 năm một lần, người Madagascar lại đào xác tổ tiên lên để cùng ăn uống nhảy múa.
Hủ tục nhảy múa với xác chết hay còn gọi là lễ Famadihana – “lễ thay xương” là một trong những ngày lễ trọng đại trong văn hóa của người Madagascar ở châu Phi. Vào ngày lễ này, người thân sẽ đào xác tổ tiên lên và tất cả cùng nhau ăn uống, nhảy múa cả một ngày trời.
Tục lệ này được cho là bắt nguồn từ Đông Nam Á và lan truyền sang Madagascar cách đây khoảng 1.500 – 2.000 năm. Lúc mất, người chết thường được bọc kín trong loại vải lụa tốt nhất và đặt trong khoang nhỏ xây trong mộ. Những ngôi mộ tại đây thường có kiến trúc chắc chắn, khoang mộ được xây trong lòng đất bằng đá nhẵn. Nhiều nơi khác nhau tại Madagascar lại có những cách trang trí mộ khác nhau.
Ở phía Tây Nam, mộ xây bằng đá và được trang trí bằng những tượng gỗ tạc hình người và động vật. Những gia đình giàu có thì xây tường quanh mộ, sơn vẽ những đồ vật hiện đại như máy bay, ôtô, hình đồ dùng cá nhân trên đó… Những người sống ở khu vực sông Morondava thuộc bờ phía Tây thậm chí trang trí mộ với những hình tạc miêu tả các hoạt động phòng the.
Dân chúng ở đây tin rằng những ngôi mộ chính là sự kết nối hoàn hảo nhất giữa người sống và người đã mất. Vì thế, mộ ở đây được xây dựng và chăm sóc rất cẩn thận. Chi phí để xây và bảo quản mộ còn lớn hơn cả những ngôi nhà cho người sống.
Vào ngày lễ, con cháu sẽ vào trong mộ, khâm liệm người chết, phủi sạch đất đá bẩn rồi mang xác hoặc từng chiếc xương ra, bọc trong một tấm lụa mới. Những mảnh lụa cũ được trao cho phụ nữ trong gia đình, những người này có thể nuốt chúng hoặc đặt dưới chiếu ngủ với hy vọng đem lại may mắn và giúp họ trong cuộc sống.
Sau khi đưa xác ra ngoài, cả gia đình sẽ bón đồ ăn thức uống rồi ôm xác chết hoặc đưa xác lên cao rồi cùng nhau nhảy múa. Theo luật lệ, trước khi mặt trời lặn, họ lại tiễn đưa người thân một lần nữa bằng cách đặt xác họ vào lại trong mộ.
Người Madagascar tin rằng, trong ngày lễ này, người chết lại được trở về bên gia đình,chung vui trong bữa tiệc và sẽ có cảm giác được sống lại trên đời. Họ cho rằng nghi lễ này thể hiện tình yêu thương gia đình, là một dịp để cả người sống và người chết đoàn tụ.
Những người đã mất đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống thường nhật của người đang sống nên họ cần được quan tâm, chăm sóc. Con cháu ở đây tin rằng, nếu chăm sóc cho người mất thật tốt, cuộc sống của họ cũng sẽ tốt đẹp, nhiều may mắn và sẽ được bảo vệ và che chở nhiều hơn.
Đạo Công Giáo và Đạo Hồi tại Madagascar từng cố gắng ngăn cấm tục lệ này diễn ra nhưng không thành công. Ngày nay, nhà thờ đạo Công giáo ở Madagascar còn cho phép tục lệ này diễn ra và coi đây là một truyền thống tốt đẹp chứ không chỉ là những nghi lễ tôn giáo.