Mục lục
Cách thành phố Phan Thiết khoảng 15km về phía Bắc là khu du lịch Mũi Né. Năm năm trở lại đây, vùng biển này càng trở nên nổi tiếng bởi nhiều người nước ngoài sang đây để… lập nghiệp.
Lập làng tại phố biển
Chị Trần Thị Vân ở phố Nguyễn Đình Chiểu, phường Hàm Tiến, Phan Thiết, Bình Thuận cho biết: “Trước đây, bãi biển ở Mũi Né rất ít khách du lịch vì mọi người chưa biết đến nơi này. Từ tháng 10 năm 1998, khi tại Phan Thiết có xảy ra hiện tượng nhật thực, có nhiều người nước ngoài như Anh, Nga, Đức, Pháp… đến đây để ngắm hiện tượng kỳ thú này và họ mới phát hiện ra ở đây có những bãi biển đẹp và sạch. Sau đó một thời gian, cứ vào khoảng tháng 10 là họ sang đây tránh rét. Khoảng vài năm trở lại đây, nhiều người nước ngoài sang đây để sinh sống, buôn bán. Có người còn thạo hơn cả người bản địa“.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, người nước ngoài sang Phan Thiết, Bình Thuận để làm việc và kinh doanh đông đến nỗi họ lập thành làng người nước ngoài. Không khó để bắt gặp dọc phố Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thiết là những người nước ngoài bán hàng, kinh doanh các resort (khu tổng hợp nhà hàng, khách sạn, bể bơi…) hay dạy tiếng nước ngoài cho những người bản địa cho nhu cầu học ngoại ngữ.
Anh Minh, chủ khách sạn Gió Biển trên phố Nguyễn Đình Chiểu cho biết: “Ở Phan Thiết chủ yếu là người Anh và người Nga vùng Viễn Đông. Họ sang Bình Thuận để dạy aerobic, lướt sóng, nhảy dù, dạy nấu ăn… Một số khác sang buôn bán và… lấy vợ Việt. Nhiều người nước ngoài cũng rất “quái”, muốn lấy một cô vợ Việt Nam để có người thông thuộc tiếng Việt. Người dân thường gọi là khu này là làng Tây hay làng người nước ngoài“.
Dạo quanh một vòng làng Tây chúng tôi thấy có rất nhiều người nước ngoài kinh doanh tại phố biển. Vào một của hàng massage, làm nail (làm móng tay, móng chân) dọc đường ra biển, Irina (người Nga) cho chúng tôi biết, cô sang Việt Nam làm nghề đã được ba năm, cửa hàng do cô làm chủ với các dịch vụ massage da mặt, làm tóc, làm móng tay móng chân. Khách đến cửa hàng chủ yếu là khách du lịch người Việt và người nước ngoài đến phố biển. Giá cả ở cửa hàng cũng không đắt nên có rất nhiều người tìm đến.
Irina cho biết thêm: “Ban đầu kinh doanh chưa quen nên tháng đầu tôi làm không có lãi. Từ tháng thứ 2, khách biết đến cửa hàng thì mới có đồng ra, đồng vào. Ở phố biển này, giá cả mọi thứ không đắt đỏ, tuy là phố biển du lịch nhưng mọi thứ đều dễ chịu, ở đây không có nhiều cửa hàng làm đẹp kiểu này nên chúng tôi cũng thu hút được nhiều khách. Nhiều người nước ngoài sang du lịch, thấy tôi mở cửa hàng làm đẹp thì rất thích thú, ngày nào họ cũng tới nói chuyện và làm đẹp…“.
Irina “bật mí” thêm rằng, bạn trai cô cũng đang ở phố biển này và đang làm thầy dạy lướt sóng trên biển, mỗi tháng cũng kiếm được nhiều ngàn đô. Cô cho biết ở Nga cô cũng có một cửa hàng làm đẹp, tuy nhiên sau một lần du lịch tại Mũi Né, Phan Thiết, cô nhận thấy rằng, có thể kinh doanh được ở đây. Vậy là cô “mạo hiểm” dồn toàn bộ vốn để đầu tư vào cửa hàng, thuê mặt bằng để kinh doanh. Những ngày đầu, Irina phải nhờ một người bạn ở Việt Nam giúp đỡ để làm những thủ tục như xin giấy phép kinh doanh, thương lượng để thuê mặt bằng, sửa sang cửa hàng… Giờ đây, cô nói tiếng Việt rất tốt, có thể giao tiếp với người Việt thuần thục, đi chợ biết trả giá và còn dạy cả người yêu học tiếng Việt nữa.
Trai Tây cũng… bán hàng
Tại làng Tây có rất nhiều cặp vợ chồng ngoại quốc sinh sống và kinh doanh. Hàng ngày, sau khi cho con cái lên xe bus để vào thành phố Phan Thiết học trong trường Quốc tế, họ bắt tay vào làm việc và kinh doanh. Một số người nước ngoài kinh doanh ở đây còn thuê cả người Việt để bán hàng, thậm chí, có trường hợp người nước ngoài đi bán hàng thuê cho người Việt nữa.
Chị Trần Thu Minh (phường Hàm Tiến, Phan Thiết) cho biết: “Tôi đã có thời gian kinh doanh bên Nga nên tiếng Nga và cách kinh doanh bên đó tôi cũng nắm rõ. Trở về Việt Nam, tôi chưa biết làm gì thì một người bạn rủ mở chung cửa hàng tại Mũi Né. Tôi đang thuê một cô gái người Nga bán hàng lưu niệm vào buổi tối, vì lúc này khách du lịch nhiều nên phải tăng cường thêm người bán hàng. Cô gái này này là sinh viên mới ra trường, sang Việt Nam du lịch, nhưng lại thích “thử sức” với kinh doanh nên muốn bán hàng tại cửa hàng của tôi…“.
Tại khu phố có nhiều người nước ngoài ở, biển hiệu, biển chỉ đường ở đây toàn được viết bằng tiếng Anh và tiếng Nga, nhiều người đến đây sinh sống thạo đường và cách buôn bán như người Việt Nam. Tại quán cà phê Jo’se chúng tôi thấy Maria (người Anh) đang… trả giá tiền xe ôm từ phố Nguyễn Đình Chiểu về bãi biển Đồi Dương. Cô cho biết: “Sang đây được một thời gian rồi nên tôi biết cách trả tiền xe ôm và đi mua đô“. Tại Việt Nam, tôi thấy ở Mũi Né, Phan Thiết là nơi có nhiều người nước ngoài đến và sinh sống. Đây cũng là nét độc đáo của phố biển này”.
Dannio cùng một trai Tây bán quần áo tại đây cho biết, nhiều người nước ngoài đi du lịch theo kiểu “truyền tai nhau” tức là người trước đi về kể cho người đi sau nên Mũi Né rất đông khách du lịch châu Âu. Họ có thể kinh doanh được ở đây vì Phan Thiết có nhiều bãi biển hoang sơ, đẹp. Vì có khách nên các của hàng dịch vụ ở đây ăn nên làm ra.
Dannio cho biết, “kiếm được” nhất là những người có nhiều tiền, mở các resort, tổ hợp dịch vụ ăn uống, dạy lướt sóng, đi ca nô trên biển. Một số người nước ngoài đến Mũi Né mở lớp dạy ngoại ngữ cho dân kinh doanh bản địa để kiếm thêm thu nhập cũng có tiền “rủng rỉnh” để những lúc rảnh rỗi đi du lịch các miền khác tại Việt Nam…
Không những làm ăn chăm chỉ mà nhiều người nước ngoài còn kiếm được cả tiền mua đất xây nhà ở Phan Thiết. Như vợ chồng David Maio và Minh Hà, David sang Mũi Né kinh doanh và gặp Minh Hà – một cô gái quê ở Ninh Thuận, hai người chăm chỉ làm ăn, kinh doanh dịch vụ ăn uống, giờ họ đã mua được đất và không phải đi thuê nhà nữa.
David cho biết: “Ban đầu sang Việt Nam du lịch, tôi không nghĩ mình lại lập nghiệp ở đây. Ở lại Việt Nam đúng là cái duyên tình cờ. Lúc tôi quyết định ở lại phố biển này, bố mẹ lo lắm, vì họ cho rằng, một người tốt nghiệp đại học Kinh tế ở Mỹ lại sang Việt Nam… bán hàng ăn. Nhưng rồi những khó khăn chúng tôi đã vượt qua. Hơn nữa ở đây tôi có nhiều bạn nước ngoài đến từ các nước, những lúc rảnh rỗi tôi thường ngồi trò chuyện với họ để vơi đi nỗi nhớ quê hương“.
Ngoài cửa hàng ăn uống chuyên phục vụ khách nước ngoài, David còn tham gia dạy lướt sóng ở biển. Anh cho biết, kinh doanh, sinh sống ở đâu cũng vậy chỉ cần chăm chỉ và chịu khó vất vả thì vận may sẽ đến. Hiện tại David và Minh Hà có cậu con trai 5 tuổi, hàng ngày con trai học ở trường Quốc tế ở thành phố Phan Thiết. Anh và vợ dạy con cả tiếng Anh và tiếng Việt để cậu bé yêu cả hai nền văn hóa của hai nước.
Thích nhất được nói tiếng Việt và ngắm biển
Tại một cửa hàng bán quần áo trên phố Huỳnh Thúc Kháng, Hàm Tiến, Phan Thiết, chúng tôi gặp Dannio đang bán quần áo. Tại phố biển này, hình ảnh những trai Tây đứng bán hàng, kinh doanh không phải là chuyện hiếm. Dannio hồ hởi khoe: “Tôi sang Việt Nam đã được hai năm, mùa hè là mùa du lịch của người Việt, nhưng với người nước ngoài thì tháng 10 đến Tết Dương lịch họ mới sang Việt Nam nhiều để trách rét. Tôi cùng với một người bạn ở Việt Nam kết hợp mở chuỗi cửa hàng lụa tơ tằm, váy thổ cẩm cho khách du lịch. Làm việc ở phố biển này thích nhất là được nói tiếng Việt và hàng ngày được ngắm biển…“.