Một trong những công trình tâm linh nổi tiếng tại Sài Gòn, không thể không nhắc đến lăng Ông Bà Chiểu với hơn 200 năm tồn tại đã trở thành một nét đẹp đặc biệt trong lòng người dân cũng như du khách đến hành hương, cầu bình an.
Lăng Ông Bà Chiểu – Ngôi đền linh thiêng giữa Sài Gòn
Lăng Ông Bà Chiểu là công trình văn hóa tâm linh lớn nhất thành phố Hồ Chí Minh. Đây là lăng thờ Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832) – vị tướng Tổng trấn thành Gia Định xưa. Lăng có tên chính xác là Thượng Công miếu, được ghi bằng chữ Hán ở cổng Tam quan.
Toàn bộ miếu lăng Ông Bà Chiểu nằm trong một khu đất rộng và cao với tổng diện tích là 18.500 mét vuông. Tường bao quanh lăng dài 500m, cao 1.2m với 4 cổng theo 4 hướng ra 4 con đường là: Đinh Tiên Hoàng, Phan Đăng Lưu, Trịnh Hoài Đức và Vũ Tùng. Với lối kiến trúc cổ xưa và chiều dài ấn tượng, nơi đây đã thu hút nhiều du khách đến tham quan và chụp ảnh.
Lăng có 4 cổng, trong đó cổng chính ở phía Nam (mở ra đường Vũ Tùng) được thiết kế theo kiểu Tam quan, phía trên khắc ba chữ “Thượng Công Miếu”.
Trên nóc miếu thờ còn được trang trí bằng hình ảnh nhiều loài vật và họa tiết khác nhau như chim trĩ, công, hoa sen, hoa mẫu đơn… để thể hiện những đề tài mang tính hiện thực, gần gũi với cuộc sống con người.
Bên cạnh đó, nét độc đáo trong kiến trúc lăng Ông Bà Chiểu chính là những di tích cổ xưa, mang đậm hình thái thế kỷ 19 – 20. Với sắc vàng phai theo thời gian, chấm phá thêm những đường nét hoa văn cầu kì nhấn nhá sắc đỏ, xanh, cam, trắng, tạo nên một tổng thể kiến trúc lạ mắt lại rất linh thiêng.
Khu miếu thờ, được gọi là Thượng Công Linh Miếu, gồm tiền điện, trung điện và chính điện, với sắc đỏ và vàng chủ đạo.
Lăng mộ là công trình được xây dựng đầu tiên trong lăng, vì thế đây cũng là nơi cổ nhất. Phần mộ gồm 2 ngôi mộ song táng, một bên là mộ phần Tả quân Lê Văn Duyệt và một bên là mộ phần phu nhân Đỗ Thị Phẫn. Mộ lăng Ông Bà Chiểu được gọi là mộ “quy”, vì có hình dáng như con rùa đang nằm. Bao quanh mộ là bức tường dày bằng đá ong, thông ra sân đốt nhang đèn.
Trước khu mộ là hai tượng lân, đặc biệt tượng bên phải mang một con lân con (lân ghép). Có giả thuyết cho rằng, ngôi mộ cùng phía với tượng lân ghép này là mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt.
Mỗi gian điện trong miếu thờ cách nhau bởi một giếng trời. Đi sâu vào khu vực chính điện có một góc dựng lại khung cảnh sống bình thường của Tả quân. Tuy nhiên, chỉ những người có phận sự mới được vào khu vực này để thực hiện các nghi lễ.
Khu miếu thờ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong việc thờ cúng tướng Lê Văn Duyệt. Với kỹ thuật chạm khắc gỗ, chạm khắc đá, khảm sành sứ vô cùng tinh xảo, khu miếu thờ là nơi đẹp nhất trong toàn bộ khuôn viên.
Đến đây, du khách có thể thực hiện việc xin Xăm Tả Quân, đây là một trong những hình thức phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là ở Lăng Ông. Mọi người đến đây để xin về sức khỏe, chữa lành bệnh tật, có thể qua khu nhà Hương, trung điện hoặc Tây điện để xin.
Vào các ngày 29/7 – 2/8 âm lịch hằng năm, tại đây cũng tổ chức lễ giỗ tướng Lê Văn Duyệt. Sự kiện này thu hút được rất nhiều người trong và ngoài thành phố tham gia. Mọi người cũng tranh thủ thời gian này đến đây để cầu sức khỏe, bình an, thậm chí là tình duyên.
Địa chỉ lăng Ông Bà Chiểu: Số 1 đường Vũ Tùng, phường 3, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.