Làng nghề đan đó Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên đã tồn tại hàng trăm năm, cung cấp cho thị trường những sản phẩm đó, rọ bằng tre nứa. Nghề đan đó cũng trở thành nét đẹp văn hóa được giữ gìn đến ngày nay.
Làng nghề đan đó Thủ Sỹ, nét đẹp bình dị ở vùng nông thôn Hưng Yên
Làng nghề đan đó Thủ Sỹ có khoảng 500 hộ dân vẫn đang giữ nghề, trong đó có hai thôn Tất Viên và Nội Lăng có nghề làm đó lâu đời hơn cả. Tuy là nghề phụ chỉ làm lúc nông nhàn nhưng lại mang đến nguồn thu nhập chính cho người dân.
Để làm một chiếc đó tốt phải trải qua rất nhiều công đoạn, công đoạn nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác. Từ việc lựa chọn loại tre, chẻ nan, đan lát, hun khói… Mọi thứ chỉ hoàn hảo khi người ta có kinh nghiệm làm đó đúc kết qua nhiều năm.
Nguyên liệu làm đó phải là tre hoặc nứa già. Đầu tiên người thợ phải khéo léo chẻ rất nhiều loại nan phù hợp, mỗi loại có kích cỡ khác nhau được vót thật đều và mỏng. Dùng tay và cằm vót nan được coi là cách làm phổ biến.
Nan sau khi được chẻ gọn ghẽ và chia ra từng loại một, có độ dài vừa phải và kích cỡ tiêu chuẩn cho từng loại sản phẩm. Để hoàn thành một chiếc đó, người thợ phải đan khoảng một tiếng. Nghề đan cần sự khéo tay tỉ mỉ và đặc biệt là phải nắm chắc kỹ thuật đan của từng phần thì mới tạo ra chiếc đó đẹp và đạt yêu cầu.
Một chiếc đó đẹp phải được đan cân đối, đường đan phải đều nhau cả trong lẫn ngoài. Khi hoàn thành, chiếc đó hình bầu dục, hai đầu vô cùng chắc chắn, đuôi nhọn, miệng tròn nhỏ.
Ngoài đan đó, ở Thủ Sỹ còn đan rọ để bắt tôm. Kỹ thuật đan hai loại sản phẩm khá giống nhau, tuy nhiên khi đan đó phải làm khung rồi đan từ giữa ra hai đầu mà không cần dùng cốt. Rọ được đan ngược lại so với đó, đan từ dưới lên, nan đan rọ dày hơn đan đó.
Để những chiếc đó, rọ được bền chắc, không mối mọt, có màu cánh gián bóng, người dân ở làng nghề đan đó Thủ Sỹ để đó trên gác bếp, dùng khói hun trong thời gian dài.
Xã hội ngày càng phát triển, cách đánh bắt thủy sản cũng thay đổi. Những ngư cụ truyền thống như đó, rọ không còn được sử dụng rộng rãi, thế nhưng làng nghề đan đó Thủ Sỹ vẫn được gìn giữ nhờ vào đôi tay của những người nông dân chất phác.
Sản phẩm đó, rọ Thủ Sỹ được mang đi tiêu thụ ở vùng chiêm trũng như huyện Tiên Lữ, Ân Thi… và các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng… Những chiếc xe chở đầy đó, rọ trở nên quen thuộc ở Thủ Sỹ và trở thành biểu tượng đẹp đẽ miền quê.
Theo iVIVU.com