Từ ga Kyoto, chúng tôi lên tàu đến ga Hiyoshi rồi đón bus đến làng Miyama. Mặc dù hôm ấy là chủ nhật, trời nắng đẹp và se se lạnh nhưng Miyama vẫn khá vắng vẻ. Bước chân xuống bến xe, ai nấy không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ thanh bình tĩnh lặng đến kỳ lạ của ngôi làng cổ, khác xa với sự ồn ào nhộn nhịp và đông khách du lịch của Kyoto.
Du lịch Nhật Bản tham quan làng mái tranh Miyama, nét đẹp Nhật cổ xưa
Bức tranh thôn dã giữa núi rừng
Lúc này đang là mùa xuân, hoa anh đào ở Kyoto đã tàn một nửa, nhưng Miyama ở gần chân núi nên thời tiết lạnh hơn, hoa anh đào cũng nở muộn hơn. Chúng tôi đến Miyama đúng lúc hoa anh đào đang nở rộ, và cả ngôi làng hiện lên đẹp đẽ xen lẫn giữa màu núi và màu hoa. Là một ngôi làng hẻo lánh ở vùng núi cách trung tâm Kyoto 50 cây số về phía Bắc, toàn bộ Miyama được bao quanh bởi vòng cung các dãy núi cao khoảng 1.000m.
Cho đến năm 1930 thì cách duy nhất để đến được ngôi làng này là con đường mòn trên núi, xuyên qua các khu rừng rậm – nơi trú ngụ của loài gấu đen. Chính vị trí địa lý đặc biệt đó đã giúp người dân Miyama có truyền thống sinh hoạt và các giá trị cộng đồng đậm nét. Dù ngày nay từ Kyoto đến Miyama chỉ mất khoảng 80 phút lái xe nhưng nét truyền thống và giá trị cộng đồng từ xa xưa vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn.
Myama nổi tiếng với các ngôi nhà lợp mái tranh kiểu đặc trưng và được bảo tồn như một di sản văn hóa quan trọng của nước Nhật. Còn nhiều ngôi nhà trong làng được xây dựng từ giai đoạn giữa đến cuối thời kỳ Edo (1603-1868). Đi bộ quanh làng, du khách có thể tận hưởng không khí trong lành và cảnh quan ngoạn mục của mái tranh dưới phông nền rừng núi.
Miyama được tạo thành từ nhiều bản nhỏ nằm rải rác quanh chân núi. Hầu hết các căn nhà ở đây đều có vườn bao quanh, cư dân chủ yếu là người già sống bằng nghề nông. Chúng tôi không hề nhìn thấy bóng dáng thanh niên hay trẻ con ở làng. Một trong những căn nhà mở cửa cho du khách là Bảo tàng dân tộc Sato – nơi trưng bày các công cụ truyền thống và các mặt hàng gia dụng hằng ngày từ nhiều thập niên qua, cũng như một vài hình ảnh về việc xây dựng và duy trì mái tranh. Không xa Bảo tàng Sato là Bảo tàng Indigo Little – một tòa nhà mái tranh đã được chuyển đổi thành thư viện. Khác với đa số khu vực khác ở Nhật, du khách sẽ không tìm thấy siêu thị hay cửa hàng tiện lợi nào ở đây.
Hầu hết người dân đều trồng lúa và rau quả. Những nơi hiếm hoi chúng tôi có thể mua sắm là một vài cửa hàng lưu niệm tại các bãi đậu xe du lịch bán nấm và củ quả, đồ thủ công mỹ nghệ. Ngoài ra làng chỉ có một quán cà phê nhỏ, một vài tiệm ăn và một cửa hàng bánh mì. Bánh mì nơi đây rất ngon, sử dụng các nguyên liệu quen thuộc như đậu đỏ, bí ngô, khoai lang, chocolate để làm nhân. Lưu ý, du khách nên mua bánh mì sớm vì cửa hàng hết bánh rất nhanh và hầu như không sản xuất thêm cho đến ngày hôm sau.
Sau khi đi dạo một vòng, chúng tôi ăn trưa tại quán ăn nhỏ với mì udon cà ri và tempura (các loại thực phẩm được tẩm bột chiên giòn) giá khoảng 1.000 yen, tương đương 200.000 đồng. Đây cũng là một trong những món udon cà ri ngon nhất tôi từng ăn ở Nhật, cà ri rất sệt và đậm đà chứ không loãng như ở một số quán ăn ở nội đô Kyoto.
Một trong những đặc điểm ở Miyama là nhà nào cũng trồng rất nhiều hoa: hoa suisen, hoa tulip, hoa lan chuông, hoa chuông xanh. Nếu đến Miyama vào cuối tháng 9 đầu tháng 10, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cánh đồng hoa kiều mạch (cũng chính là hoa tam giác mạch ở miền Bắc Việt Nam) trải dài bát ngát.
Không gian êm đềm của một thời xa vắng
Miyama đẹp và thanh bình đến mức, chúng tôi có cảm giác như từng chi tiết nhỏ nhất của ngôi làng cũng khiến cả nhóm phải trầm trồ thán phục: từng khóm hoa dại nhỏ mọc trên đường làng hay những mảnh vườn ngập tràn sắc màu rực rỡ của các loài hoa nổi tiếng, các đống rơm rạ được bó và xếp gọn gàng, những lớp mái tranh rêu xanh phủ dày đến mức tôi tò mò không biết mái nhà thực sự là được làm từ tranh hay từ rêu, đường làng uốn lượn quanh co, cực kỳ sạch sẽ.
Du khách nhiều người ngồi bệt xuống đường để tận hưởng cảm giác hòa nhập hoàn toàn với thiên nhiên cảnh vật nơi đây. Không gian tĩnh lặng, thấp thoáng bóng dáng của mấy bác nông dân ngoài vườn và vài khách du lịch đi dạo quanh làng, nhưng tuyệt nhiên không hề nghe thấy tiếng nói cười nào. Dường như ai cũng chỉ nhỏ nhẹ thì thầm trò chuyện và chào hỏi nhau, nên tất cả những âm thanh chúng tôi nghe thấy chỉ là tiếng chim trên núi và tiếng xào xạc của lá cây.
Khi nói chuyện với cô chủ quán ăn, cô kể cho chúng tôi nghe về những dịch vụ và hoạt động dành cho khách du lịch nơi đây. Du khách đến du lịch Nhật Bản có thể nghỉ tại làng Miyama để trải nghiệm phong cách sống truyền thống của Nhật Bản với chiếu tatami, đệm futon và bếp lò irori. Các ngôi nhà tranh đều được trang bị tiện nghi đầy đủ, phòng bếp và nhà tắm theo phong cách hiện đại.
Ngoài ra có rất nhiều hoạt động khác như: tham gia lớp làm món maki-zushi (sushi cuộn), mochi-tsuki (làm bánh gạo đập Nhật) và những hoạt động khác liên quan đến đồ thủ công mỹ nghệ bằng tre; các hoạt động ngoài trời như thuê xe máy hoặc xe đạp, đi bộ dọc sông Yura hoặc trekking rừng già Ashiu bao gồm biên giới phía đông của núi Miyama và thượng nguồn của sông Yura. Rừng già Ashiu cũng là nơi trú ngụ của hươu, nai, gấu, khỉ, và tự hào có số lượng lớn nhất của giống cây trồng tại Nhật Bản.
Khi tôi hỏi về dân cư nơi đây, cô chủ quán bảo là hầu hết thanh niên đều lên thành phố làm việc, làng chủ yếu chỉ còn người già ở lại và làm các công việc đồng áng. Tuổi thọ trung bình cao và đặc biệt là mặc dù đã lớn tuổi nhưng các bác nông dân đều khỏe mạnh. Mùa này không phải mùa lúa nên các cánh đồng bao quanh làng đa phần là đang để trống, chỉ một phần nhỏ trồng rau củ quả. Đi bộ về phía đường cái và đi ngược dòng sông Yura sẽ thấy lác đác vài thôn nhỏ nằm rải rác dọc đường, mỗi thôn chỉ khoảng vài chục nóc nhà. Nổi bật trong khung cảnh núi non trùng điệp này là những rặng anh đào nở rộ, đẹp như tranh vẽ.
Tranh thủ lúc chờ xe bus, chúng tôi ghé vào cửa hàng tạp hóa ở trạm xe bus để mua ít thổ sản địa phương. Miyama nổi tiếng với nấm, các loại đậu và trái cây, được chế biến như các loại đồ ngâm giấm quen thuộc của Nhật Bản rồi đóng gói thành gói nhỏ, giá khoảng 200-400 yen/gói (khoảng 40.000-80.000 đồng), mua làm quà rất tiện.
Trước khi lên chuyến xe bus cuối cùng, cái lạnh của chiều vùng núi ngấm vào da thịt làm ai cũng phải xuýt xoa. Nhưng những trải nghiệm tuyệt vời ở làng Miyama thực sự khiến mọi người xúc động, vì cuối cùng chúng tôi đã tìm thấy góc Nhật Bản cổ xưa và tĩnh lặng, được cảm nhận vùng quê đậm chất Nhật Bản, khác xa với sự phồn thịnh và đông đúc của một nước Nhật hiện đại.