Làng lá dong Tuấn Dị thuộc xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm cách Hà Nội 30km là nơi nổi tiếng với nghề trồng lá dong. Trước Tết Nguyên đán, trong làng đâu đâu cũng tràn ngập những tấm lá xanh mướt tươi tắn chuẩn bị đến tay người gói bánh chưng Tết.
Làng lá dong Tuấn Dị ngập tràn sắc xanh dịp Tết ở Hưng Yên
Lá dong ở đây đã được trồng từ rất lâu và phát triển tươi tốt, nhà nào trong làng cũng có một vườn dong. Vì thế có đến 60% các hộ dân đã lấy nghề trồng lá dong làm thu nhập chính. Từ xưa đến nay, làng lá dong Tuấn Dị không chỉ nổi tiếng ở Hưng Yên mà còn được tiêu thụ khắp các tỉnh thành lân cận.
Những ngày trước Tết, không khí thu hoạch lá dong ở thôn Tuấn Dị rất sôi động. Trước đó, lá dong được thu hoạch sớm để chuyển đi đến các vùng phía Nam và xuất khẩu sang Nga, Đức và một số nước Đông Âu khác để phục vụ Tết cho bà con Việt kiều.
Lá dong ở đây được thị trường ưa chuộng bởi là lá dong quê, sạch không sợ tồn đọng nhiều hóa chất trong quá trình chăm sóc. Lá dong của thôn Tuấn Dị có nhiều ưu điểm hơn lá dong rừng, bầu lá to và rộng, lá mỏng nhưng dai và có màu xanh óng ả.
Gói bánh chưng, bánh tét bằng loại lá dong này thì bánh có màu xanh tự nhiên, thơm, thời gian bảo quản bánh được lâu. Chính vì vậy, lá dong Tuấn Dị được xem như một trong những loại lá không thể thiếu cho ngày Tết đủ đầy.
Người dân ở làng lá dong Tuấn Dị cho biết, do phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nên cây dong mới cho lá chất lượng như vậy. Nhiều người đã đến đây mua giống về trồng nhưng cây cũng không cho lá chất lượng bằng. Do đó, lá dong ở đây luôn được giá, mang đến thu nhập ổn định cho bà con nông dân.
Người thôn Tuấn Dị trồng và bán lá dong quanh năm, nhưng vào dịp Tết thu nhập từ bán lá cao gấp nhiều lần ngày thường. Thời điểm gần Tết, giá lá dong tại các nhà vườn thường được giá hơn và luôn trong tình trạng cháy hàng.
Để có được những lứa lá dong đẹp đón Tết Nguyên đán, người trồng cũng phải có kinh nghiệm. Cây lá dong tuy nói dễ trồng nhưng vẫn đòi hỏi chăm sóc đúng cách để có được chất lượng lá vượt trội. Chăm cây lá dong bằng cách bón phân gà vào các gốc cây, luôn giữ ẩm cho đất vườn… là những kinh nghiệm được truyền lại.
Để lá lên đều, không bị rách, quăn thì cứ hai tháng lại phun thuốc sâu một lần, đến tháng 12 Âm lịch thì ngừng phun để bắt đầu thu hoạch. Bên cạnh đó người dân phải thường xuyên tỉa lá chân để những lá phía trên luôn xanh tốt và rộng bản. Để tàu lá có cuống dài, phiến rộng, khoảng cách giữa các bụi lá cũng được giữ ở mức khoảng 80cm.
Đến làng lá dong Tuấn Dị dịp cuối năm, du khách được mục sở thị cảnh nhộn nhịp của vụ thu hoạch lớn nhất trong năm. Nhà nhà, người người tất bật làm việc luôn chân luôn tay để mang đến cái Tết trọn vẹn cho cả miền Bắc. Không khí Tết ở đây cũng vì thế mà luôn hiện hữu, tạo cảm giác ấm áp vì một mùa xuân nữa lại về.
Theo iVIVU.com