Làng hương thôn Cao nằm sát đê tả ngạn sông Hồng thuộc xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên. Hương xạ thôn Cao nổi tiếng khắp nơi với hương thơm thanh nhẹ, lưu giữ lâu mà hiếm có hương ở nơi nào sánh bằng.
Làng hương thôn Cao – “Cái nôi” của nghề làm hương truyền thống Việt Nam
Thắp hương là nét đẹp trong truyền thống văn hóa dân gian của người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng. Nghi thức dâng hương xuất hiện từ rất sớm và đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống và trong tập quán thờ cúng tổ tiên.
Do đó, trên dải đất hình chữ S có rất nhiều làng nghề làm hương. Trong đó làng hương thôn Cao là một trong những làng làm hương nổi tiếng với những vòng hương thơm với mùi hương thảo mộc đặc trưng mang thương hiệu làng nghề.
Trên khắp ngõ xóm thôn Cao, hương được bày ra từng khoảng rộng tràn ngập màu vàng đỏ đẹp mắt cùng mùi thơm riêng biệt. Làng hương thôn Cao đã có từ lâu đời gắn liền với truyền thống văn hóa của đất và người Hưng Yên.
Những người già kể rằng, làng hương hình thành khi bà Đào Thị Khương đi lấy chống ở Trung Quốc rồi học nghề làm hương mang về dạy lại cho dân làng. Từ đó, bà được nhân dân tôn xưng Bà tổ nghề hương và được thờ cúng tại nhà thờ tổ.
Hiện nay, thôn Cao có khoảng 200 hộ còn giữ nghề làm hương truyền thống với nhiều quy mô, mẫu mã khác nhau. Nghề làm hương đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành nghề chính và cũng là nghề yêu thích của phần nhiều người dân thôn Cao.
Mỗi cây hương xạ ở đây đều được chăm chút rất tỉ mỉ. Cấu tạo chính của một cây hương gồm 3 phần: tăm hương, bột hương và keo tràm, keo bời lời kết dính phần que và bột hương.
Những vòng hương được tạo ra phải trải qua nhiều công đoạn, nhưng công đoạn quan trọng và phức tạp nhất là làm bột hương. Bột hương tại làng hương thôn Cao được làm hoàn toàn từ thảo mộc, trong đó có 36 loại thuốc bắc như đại hoàng, xuyên khung, bạch chỉ, độc hoạt, đan bì, đinh hương…
Sau khi xay nhỏ các nguyên liệu thành bột, người ta dùng trộn chung với dây keo hay còn gọi là bời bời. Đây là chất gắn kết bột hương lại với nhau để dễ dàng khi se nén hương.
Từ bột hương, tùy vào từng sản phẩm như hương vòng, hương nén, hương sào… mà những người thợ sẽ có những cách làm khác nhau.
Đối với hương se, người thợ sẽ dùng tăm hương được nhuộm màu ở chân. Việc nhuộm màu không chỉ làm đẹp nén hương mà còn để đánh dấu phần bột hương được sử dụng trên nén hương.
Trước khi việc se hương được làm thủ công, ngày nay đã có máy móc giúp việc se trở nên nhanh chóng hơn, nâng cao năng suất lao động.
Với hương vòng, người thợ sẽ dùng máy ép bột thành sợi dài rồi cuốn thành vòng tròn. Những người thợ tay nhanh thoăn thoắt, trong chốc lát đã hoàn thành vòng hương tròn trịa, đều tăm tắp.
Hương sau khi làm xong phải được phơi kỹ, vì thế nghề làm hương phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Các nén hương, vòng hương đều phải đặt ở nơi khô ráo, tránh nước và không khí ẩm. Nếu làm vào mùa mưa dầm gió bấc thì phải dùng lò sấy, nếu không hương sẽ bị mốc và hỏng.
Trải qua hàng trăm năm tồn tại và phát triển, làng hương thôn Cao vẫn làm ra những sản phẩm luôn được đánh giá rất cao, được ưa chuộng trong thị trường trong nước và cả các nước láng giềng Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia…
Theo iVIVU.com