Làng gốm Phù Lãng thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, đã tồn tại ngót nghét 700 năm với những sản phẩm gốm vô cùng tinh xảo nổi tiếng khắp đất nước, trở thành một trong những làng nghề cổ xưa nhất Việt Nam.
Làng gốm Phù Lãng – Làng gốm nổi tiếng 700 năm xứ Kinh Bắc
Làng Phù Lãng nằm bên bờ sông Cầu và có nhiều bến đò ngang chở khách qua lại. Địa danh Phù Lãng có từ cuối thời Trần, đầu thời Lê. Vào thời kỳ này, Phù Lãng có 3 thôn: Trung thôn, Thượng thôn, Hạ thôn và được biết đến với nghề gốm truyền thống.
Ông tổ nghề gốm Phù Lãng là Lưu Phong Tú. Vào cuối thời Lý, ông được triều đình cử đi sứ sang Trung Quốc. Trong dịp này, ông học được nghề làm gốm và truyền dạy cho người trong nước.
Làng gốm Phù Lãng được hình thành và phát triển vào khoảng thời Trần, đầu thế kỷ XIV. Hiện nay, bảo tàng Lịch sử Việt Nam còn lưu giữ và trưng bày một số sản phẩm gốm Phù Lãng có niên đại khoảng từ thế kỷ XVII đến XIX. Đó là sản phẩm gốm men nâu và những sắc độ khác nhau như men da lươn, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu…
Dấu ấn của gốm Phù Lãng để lại khắp đồng bằng sông Hồng là các sản phẩm gốm liên quan đến tín ngưỡng như rồng, phượng, hạc, lư hương, đỉnh, đài thờ, tứ linh, nghê… trên các chùa, đình, miếu, mạo…
Làng gốm Phù Lãng tập trung vào 3 loại: gốm dùng trong tín ngưỡng (lư hương, đài thờ, đỉnh…); gốm gia dụng (lọ, bình, ang, chum, vại, bình vôi, ống điếu…); gốm trang trí (bình, ấm hình thú như ngựa, voi…).
Nếu như gốm Thổ Hà lấy chất liệu từ “xương” đất sét xanh, gốm Bát Tràng từ sét trắng, thì gốm Phù Lãng lại được lấy chất liệu từ “xương” đất đỏ hồng từ Thống Vát, Cung Khiêm – Bắc Giang.
Khi lấy đất về thì người thợ phải phơi đất cho bạc màu rồi trộn lẫn với các lần đất, đập thành những viên nhỏ bằng ngón chân cái rồi cho ngậm nước. Tiếp đó xéo tròn, nề đất, chọn sạn, phá, sa cho tới khi đất nhuyễn mịn. Miếng đất trước khi chuốt phải nề xéo tới 10 lần rồi mới cho lên bàn xoay nắn.
Nét đặc trưng nổi bật của làng gốm Phù Lãng là người làng đã sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm bong, còn gọi là chạm kép, màu men tự nhiên, bền bỉ; hình dáng của gốm mộc mạc nhưng khỏe khoắn, điêu khắc tạo hình đa dạng.
Về mặt tạo hình, gốm Phù Lãng sử dụng nhiều phương pháp khác nhau trong nghệ thuật tạo dáng với những hình khối phong phú. Tuy nhiên, có thể quy thành hai phương pháp cơ bản là tạo hình trên bàn xoay và in trên khuôn gỗ hoặc khuôn đất nung rồi ghép lại.
Sau khi tạo hình, sản phẩm được phơi khô, đảm bảo không nứt nẻ, không làm thay đổi hình dạng của sản phẩm. Ngày nay người thợ thường dùng biện pháp sấy khô trong lò, tăng nhiệt độ từ từ cho nước bốc hơi.
Sản phẩm mộc sau khi hoàn chỉnh được đem vào lò nung. Xếp sản phẩm trong lò nung cũng phải tuân theo quy tắc sử dụng triệt để không gian lò, tiết kiệm nhiên liệu và đạt hiệu quả cao.
Cách đây hơn thập kỷ, làng gốm Phù Lãng từng đứng trước nguy cơ mai một. Nhưng nay, với hơn 200 lò nung luôn đỏ lửa, làng nghề đã hồi sinh. Với người làm gốm, sống được bằng nghề là điều quý giá, nên dù công việc vất vả thì lòng yêu nghề vẫn không thay đổi.
Theo iVIVU.com