Làng gốm Hương Canh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) có tuổi đời hơn 300 năm với những sản phẩm gốm sành chất lượng cao, đa dạng mẫu mã. Tưởng chừng đã biến mất, nhưng lòng yêu nghề đã giúp làng nghề tồn tại đến ngày nay.
Làng gốm Hương Canh – Mộc mạc gốm sành Vĩnh Phúc
“Ai về mua vại Hương Canh
Ai về mình gửi cho anh với nàng.”
Trong quá khứ, thương hiệu gốm sành Hương Canh nức tiếng gần xa với câu ca “Sứ Móng Cái, vại Hương Canh”. Những năm 60 của thế kỷ trước, gốm Hương Canh phát triển cực thịnh. Trong khoảng thời gian khó khăn chung của cả nước, nhu cầu thị trường thay đổi, gốm gia dụng ở đây không còn được ưa chuộng, nghề gốm mai một.
Do đó, nhà nhà người người bỏ nghề. Tuy nhiên đến những năm gần đây, với sự nỗ lực làm mới, đa dạng hóa sản phẩm của những người nghệ nhân yêu nghề, của những người trẻ sinh ra và lớn lên ở đây, gốm Hương Canh dần dần hồi sinh.
Làng gốm Hương Canh làm ra những sản phẩm gốm sành với đặc trưng thô, mộc có màu đất nung cháy. Đất, nước dưới bàn tay nhào trộn của người nghệ nhân, kết hợp với lửa tạo nên bề mặt đồ vật bóng, sáng, giống như được phủ một lớp men, thường được gọi là “men trong đất”.
Gốm sành nơi đây chống được nước rất tốt, ngăn được ánh sáng, bảo quản tốt những thứ đựng bên trong. Vại làm tương, ủ rượu, làm mắm, muối dưa cà… giữ được tròn vị, cho ra thành phẩm ngon hơn cả. Hũ đựng trà thì trà khô giòn; đựng thuốc lào thì thuốc mềm thơm mãi. Người ta vẫn tin rằng, nước chảy đá mòn, chứ gốm Hương Canh thiên niên vạn đại không mòn.
Gốm Hương Canh được làm từ đất sét xanh khai thác tại địa phương, có độ mịn, độ béo cao, ít cát, ít xương, nhiều thịt hơn so với các loại đất khác. Quá trình từ đất thô đến đất làm gốm phải trải qua 5 giai đoạn. Sau đó, đất trở nên dẻo, dễ vuốt mỏng để người làm gốm thỏa sức sáng tạo.
Điểm tạo nên sự đặc biệt của gốm Hương Canh không chỉ ở chất lượng gốm mà còn ở màu sắc, âm thanh. Do cấu tạo của chất đất xanh, nên gốm sành khi nung già gõ thường phát ra tiếng kêu lanh canh, giống như khi chạm vào kim loại.
Bên cạnh đó sản phẩm ra lò vừa gân guốc, vừa khỏe khoắn, tạo nên nét rất riêng biệt hấp dẫn. Đặc biệt, các sản phẩm gốm sành Hương Canh xưa thường không sử dụng men tráng, không dùng chất tạo màu mà sản phẩm vẫn bắt mắt. Làng gốm Hương Canh còn mang những đặc trưng tinh hoa văn hóa làng nghề truyền thống của dân tộc.
Nung là công đoạn cuối để tạo nên những sản phẩm hoàn chỉnh, bởi lò đốt chỉ có một cửa nên người thợ phải luôn quan sát nhiệt độ, thời gian để cho ra những mẻ gốm tốt nhất. Khâu nung đòi hỏi người thợ phải nắm vững kỹ thuật xếp lò, “điều” lửa, nếu không khéo sẽ làm hỏng cả mẻ gốm.
Mặc dù còn nhiều khó khăn để giữ gìn nghề truyền thống nhưng các nghệ nhân làng gốm Hương Canh vẫn phát triển bằng hết tâm huyết của mình. Gốm sành ngày nay không chỉ đơn thuần là những mặt hàng thô sơ mà ngày càng tinh xảo, trở nên gần gũi hơn với cuộc sống hiện đại.
Theo iVIVU.com