Làng cổ Phước Tích nằm ven sông Ô Lâu thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, được thành lập từ đầu những năm 1470, dưới thời vua Lê Thánh Tông, đến nay đã 552 năm.
Làng cổ Phước Tích – Ngôi làng mang nét Huế xưa cũ hơn 500 năm
Nét xưa hồn cũ ở làng cổ Phước Tích
Phước Tích là làng cổ điển hình cho nông thôn xưa ở vùng đất Thừa Thiên Huế. Làng vẫn sở hữu nguyên vẹn những yếu tố cấu thành di sản như nhà rường, công trình tín ngưỡng, cảnh quan làng quê, thương hiệu nghề gốm truyền thống, truyền thống quan hệ xóm giềng…
Năm 2009, Phước Tích được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích cấp quốc gia. Đây là làng cổ hiếm hoi thứ hai sau làng cổ Đường Lâm ở Hà Nội được công nhận.
Phước Tích còn được gọi là xứ Cồn Dương, thuộc Đại Việt sau khi vua Chế Mân dâng tặng châu Ô và châu Lý cho Đại Việt vào năm 1306. Du khách đi quanh làng sẽ bắt gặp những di tích Chăm như miếu Quảng Tế với tượng yoni cổ, miếu Cây Thị thờ nữ thần Po Nagar, bức phù điêu lá nhĩ bằng đá sa thạch…
Phước Tích là ngôi làng nhỏ có đến 12 bến sông tượng trưng cho 12 dòng họ đầu tiên đến khai phá xứ này. Giờ đây vẫn có người dân vẫn giữ thói quen giặt quần áo ở bến sông như những ngày xa xưa trước đây khi chưa có nước máy.
Vị khai canh của làng là Hoàng Minh Hùng, dừng chân ở đây sau hành trình cùng vua Lê Thánh Tông chinh phục Chiêm Thành. Hơn 500 năm sau, con dân trong làng vẫn bảo vệ mảnh đất cha ông khai khẩn và vẫn sinh sống trong các ngôi nhà rường cổ.
Hiện nay, làng cổ Phước Tích còn lưu giữ những di sản vật thể nhiều giá trị, gồm: 13 di tích tín ngưỡng; 17 nhà thờ họ và 11 nhà thờ nhánh họ. Trong 117 ngôi nhà của cư dân thì có đến 26 ngôi nhà rường cổ, và có 12 ngôi nhà có giá trị đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật.
Các nhà rường cổ ở Phước Tích đều có tuổi thọ trên 100 năm, tổng thể sân vườn vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Trong khuôn viên nhà rường hầu như không xây thêm các công trình chính bằng gạch, bê tông.
Hiện nay làng cổ Phước Tích có 14/26 nhà vườn mở dịch vụ tham quan cho du khách, 5 nhà có dịch vụ homestay với sức chứa 30 người. Khách có thể tham quan nhà rường cổ và tham gia các chương trình trải nghiệm làm các món bánh truyền thống, làm gốm Phước Tích, tham gia các trò chơi dân gian, đạp xe, đi thuyền trên sông Ô Lâu, thả đèn hoa đăng…
Nghề gốm ở làng cổ Phước Tích
Nghề gốm Phước Tích trải qua bao thăng trầm theo thời gian. Nghề làm gốm được xem là nghề chính của bà con trong làng trước đây. Nguyên liệu làm gốm là đất sét và củi đốt. Lúc bấy giờ, công cụ sản xuất vẫn còn thô sơ, người ta dùng sàn nhà làm bãi phơi, dùng nhà ở làm kho chứa thành phẩm.
Cả làng có khoảng 10 lò gốm đặt dọc quanh sông Ô Lâu. Sản phẩm gốm của làng bao gồm lu, chậu, om ngự… được mang đi tiêu thụ khắp nơi. Sau giải phóng năm 1975, dân trong làng quyết tâm khôi phục lại lò gốm sau khi bị chiến tranh tàn phá.
Sau khi khôi phục, hệ thống lò được tập trung xây dựng lại trên một bãi rộng bên sông Ô Lâu. Sản phẩm có thêm nhiều mẫu mới, có cả gốm thô sơ và gốm tráng men… Nhưng sau năm 1987, nghề gốm không thể cạnh tranh được với các mặt hàng mới, hợp tác xã gốm làng Phước Tích phải giải thể.
Ngày nay du khách có thể đến thăm lò gốm năm xưa ở làng cổ Phước Tích. Qua bao năm tháng, các lò nung vẫn còn đó, trầm mặc. Bên cạnh lò nung, nhà trưng bày sản phẩm gốm cũng thu hút nhiều du khách.
Ở nhà trưng bày có nhiều đồ dùng gốm, những bộ ấm đất xinh xắn, những bình hoa, những cái om tinh tế… in màu thời gian như đưa du khách trở về không gian xưa cũ của một nghề truyền thống lâu đời.
Bản thân Huế đã là một nơi chốn mang vẻ trầm mặc, xưa cũ. Nhưng để khám phá nhiều hơn dấu xưa ấy, hãy đến làng cổ Phước Tích bên sông Ô Lâu. Hãy sở hữu tour Huế ở iVIVU.com nhận nhiều ưu đãi hấp dẫn cho chuyến du lịch thú vị và đừng quên theo dõi blog iVIVU để đọc nhiều bài viết hữu ích hàng ngày!