Chiều thứ bảy, đang nhâm nhi mấy ly bia ở quán Cây Dương ngắm biển trời Phan Thiết (Bình Thuận), bỗng Tùng- người hàng xóm nói với mấy bạn ở TP. Hồ Chí Minh mới ra: “Uổng quá, bữa sau mình đi lặn phải bố trí vào ngày thứ bảy để anh Sáu cùng đi thì mới vui”.
Lặn ở đâu? tôi hỏi. Lặn ở Hòn Cau (Cù Lao Câu)- Tùng nói. Khi nghe nói lặn ở Hòn Cau, tính lãng du trỗi dậy, tôi nói nhanh: Không lo, công chuyện ngày mai mình sẽ sắp xếp, đám cưới một phóng viên cơ quan sẽ nhờ vợ, còn duyệt báo nhờ Phó Tổng biên tập, mình sẽ đi với các bạn. Tất cả đều reo lên: Vui quá, anh Sáu chịu chơi nha.
Hành trình đến lặn
Hẹn nhau 6 giờ sáng, nhưng cũng phải đến 6 giờ 30 xe mới đến đón, loanh quanh Phan Thiết mua các thiết bị lặn, ăn sáng, đoàn lặn 9 người đi trên 2 xe bắt đầu xuất quân vào lúc 7 giờ 20, hơn 9 giờ mới đến Phước Thể (Tuy Phong). Dũng Xã (tên anh là Dũng và làm Phó Chủ tịch xã, nên tôi gọi anh là Dũng Xã) đón chúng tôi ở bến Phước Thể với đầy đủ các trang thiết bị, thức ăn, đồ uống, kể cả một đội ngũ “cộng sự” là những người bạn của Dũng Xã nghe có đoàn của báo ra cũng ham vui đi cùng. Hơn 10 giờ đoàn lặn gần hai chục người trên chiếc ghe lặn sò 45CV từ từ tiến ra Hòn Cau.
Ngẫm lại câu nói “Tháng ba bà già đi biển” đúng thật. Biển Phước Thể tuy đã giữa tháng 4 (âm lịch) nhưng vẫn lăn tăn gợn sóng, thuyền lướt êm ru giữa bốn bề mây nước, mọi người sau chút chộn rộn ban đầu đều như im lặng, thả hồn cùng biển cả quê hương. Tôi thuộc diện “lão làng” nên được ưu tiên lên ca bin cùng tài công.
Băn khoăn lúc đầu của tôi được giải tỏa khi được Tư Đen vừa là tài công vừa chủ chiếc thuyền lặn cho biết: “Ở bến cá Phước Thể chưa có thuyền du lịch đưa khách ra Hòn Cau. Mỗi khi có đoàn khách muốn ra biển họ liên hệ thuê thuyền đánh cá để đi. Bữa nay đang thời điểm cấm lặn sò, cũng rảnh nên em kiêm luôn việc phục vụ khách tham quan.
Một chuyến đi, khách thường thanh toán khoảng 3 – 4 triệu đồng. Tuy nhiên tụi em phục vụ là chính, còn nếu lặn sò tổng thu nhập trong một ngày (sáng đi, chiều về) cũng được 6 – 7 triệu đồng”. Trên tàu khá sạch sẽ cùng với thái độ thân thiện của chủ tàu và những người bạn Phước Thể làm cho chúng tôi cảm thấy ấm áp, thân tình từ những phút đầu gặp gỡ.
Thuyền càng đến gần Hòn Cau phong cảnh càng hữu tình. Hòn Cau hiện ra ngày càng rõ hơn, như một con tàu sừng sững giữa biển khơi. Đập vào mắt du khách là đá và đá cùng với những lùm cây xanh chen vào đá, dưới là bãi cát trắng mịn màng chạy dài uốn cong bao bọc đảo, làn nước trong xanh có thể nhìn tận đáy biển.
Có thể nói Hòn Cau là một vương quốc đá, với hàng ngàn khối đá muôn hình vạn trạng, màu sắc lung linh, hình dáng kỳ thú như một khu vườn nghệ thuật được tạo hóa sắp đặt, đẹp đến mê hồn.
Sau 35 phút xuất phát, thuyền đến Hòn Cau, máy định vị chỉ đúng 4,5 hải lý. Tưởng sẽ ghé đảo, nhưng Tư Đen sau khi hỏi ý kiến của đoàn, tiếp tục cho tàu chạy thêm khoảng 2 hải lý nữa về phía Đông – Nam của đảo để lặn “kiếm mồi” cho buổi trưa.
Lặn chình
Là tài công, chủ thuyền nhưng Đen cũng kiêm luôn thợ lặn, nên điểm nào có loài hải sản gì Đen đều biết rõ. “Bây giờ lặn ốc hay lặn chình” – Tư Đen hỏi. “Lặn chình đi, ngon lắm”, một người trong đoàn nói. Tư Đen từ từ cho ghe dừng lại và quăng móc neo để giữ tàu không bị trôi. Tôi đề nghị được lặn, nhưng Đen nói ngay “không được đâu, ở đây độ sâu cả mười mấy sải tay, chỉ có thợ lặn chuyên nghiệp mới xuống được”.
Để bắt chình, thợ lặn chỉ cần mang theo một cây chỉa bằng sắt, vót nhọn đầu, dài khoảng 8 tấc và một túi bằng lưới để đựng sản vật bắt được. “Sao đầu chỉa mình không làm thành nhiều nhánh để chỉa cho dễ trúng”? tôi hỏi. “Ở sâu dưới nước mình thấy nó to gấp 4 – 5 lần nên chỉa không trượt đâu”, Đen cười hiền.
Nhìn Đen và một thợ lặn nữa thắt dây chì, đeo kính lặn và ngậm ống hơi tôi thấy chộn rộn lạ thường. Sau cú uốn người rất đẹp của Đen và một thợ lặn khác là những tiếng “ùm”, “ùm”, nước bay lên tung tóe, sáng loáng trong nắng trưa… Chỉ trong mấy phút, dây hơi theo thợ lặn đi xa ước chừng hàng trăm mét. Dự – làm việc ở Công ty cổ phần điện Tuy Phong – chỉ cho tôi nơi nào thấy nổi tăm lên mặt nước, là người lặn đã đến đó. Thuyền neo một chỗ nhưng vẫn phải nổ máy để cung cấp hơi cho thợ lặn.
Thấy tôi chăm chú nhìn một thợ lặn chuẩn bị thả xuống nước sợi dây nilon to bằng ngón tay, dưới là một chùm xích bằng nhôm sáng lóa, Tèo (thợ lặn con Tư Đen) nói: “Đây là dây tim, thường thả xuống đáy biển để người lặn móc sản phẩm bắt được vào cho người trên thuyền kéo lên, có khi thợ lặn cũng bám theo dây này để lên. Khi thả xuống chùm nhôm sẽ phát sáng, ở dưới nước sẽ nghe tiếng xích sắt va vào nhau rất rõ, người lặn nghe tiếng động và nhìn ánh sáng của dây tim để tìm tới”.
Khoảng sau 45 phút sau, mọi người chăm chú vào những nơi có bọt khí tròn vành như chữ o nổi lên lên gần thuyền và bỗng thấy hai thợ lặn người trước người sau lao khá nhanh lên mặt nước như những chú cá heo lao lên đớp mồi. “Ở đây nước không sâu lắm nên người lặn chỉ cần đạp lên một mạch, chứ ở những nơi ba bốn chục mét nước, thợ lặn phải lên từ từ để giảm áp, có khi phải mất vài chục phút.
Nghề lặn từ trước đến nay vẫn cho thu nhập cao hơn các nghề khác, nhưng cũng rất nguy hiểm, nếu không cẩn thận hoặc có gặp sự cố sẽ dẫn đến “hội chứng thợ lặn” rất dễ bị tử vong hoặc bị bán thân bất toại”, Tèo nói.
Tôi không chú ý lắm đến lời Tèo, mà cùng mọi người chăm chú nhìn vào hai giỏ lưới do thợ lặn kéo lên. Thật ngạc nhiên, mọi người đều ồ lên xuýt xoa trước cơ man nào là chình, những con chình vằn vện to bằng ngón chân cái đang giãy dụa quấn vào nhau, cùng với chình là những cá bò, mực nang, mực ống, ốc, cua đá…
Tôi thích nhất là chú mực nang to bằng 2 bàn tay người lớn khép lại, mực ra đen ngòm, phải rửa đến 4 – 5 xô nước mới hết mực; còn những chú mực ống thì tươi rói kim tuyến lấp la lấp lánh trông thật tuyệt. Các “nhiếp ảnh gia” trong đoàn chúng tôi tha hồ bấm máy, trước lúc các thợ lặn xẻ thịt chúng ngay trên thuyền để chuẩn bị cho một bữa trưa với món hải sản tươi ngon mà chúng tôi cùng tham gia và chứng kiến từ thành quả lao động của những người trong cuộc.
Lặn ngắm san hô
Sau bữa cơm giữa trưa hè lộng gió với những món hải sản tươi ngon vừa lặn được, chúng tôi bắt đầu cho mục đích chính của chuyến đi: Lặn ngắm san hô. Khác với lặn chình, chỉ những thợ lặn chuyên nghiệp thực hiện, còn lặn ngắm sau hô thì ai cũng có thể. Chúng tôi mỗi người một áo phao, một kính lặn và ống ngậm háo hức trườn xuống nước. Riêng Hòa một nhiếp ảnh gia ở Sài Gòn chuyên chụp ảnh cho các “người mẫu chân dài” là có thêm bộ đồ nghề (máy ảnh, máy quay phim dưới nước với giá hàng chục ngàn đô) chuẩn bị cho một phóng sự về biển Hòn Cau sắp tới của anh.
Nói là lặn nhưng mặc áo phao nên không thể lặn xuống dưới được mà chỉ bơi trên mặt nước úp mặt xuống và cứ thế tha hồ ngắm san hô. Còn người nào muốn lặn sâu thì phải cởi áo phao mặc áo lặn mới xuống đáy được. Nếu nói trên bờ Hòn Cau là vương quốc của đá thì dưới nước là vương quốc của san hô.
Càng bơi ra xa san hô càng đẹp, những rạn san hô “muôn hồng nghìn tía” xếp chồng lên nhau như những tòa lâu đài kỳ vĩ được bàn tay tài ba của tạo hóa dựng lên. Cũng có nơi, những thảm san hô như những tai nấm mèo đủ màu sắc, mềm mại đung đưa như mời gọi. Tôi thích nhất những thảm sa hô này, cứ đưa bàn chân mình xoa qua xoa lại cảm giác thật mịn màng êm ái.
Đang lặn, tôi nhớ lại có một tài liệu nào đó đã từng nói, Hòn Cau là vùng biển có các rạn san hô còn giữ được độ bao phủ cao, trên 220 loài san hô đã được xác định, trong đó có nhiều loài quý hiếm chỉ có ở vùng biển này. Đây cũng là khu vực có rùa biển sinh sản và đặc biệt là loài trai tượng khổng lồ. Có lẽ chỉ một buổi chiều, chưa có dịp để nhìn thấy rùa biển và trai tượng, nhưng san hô thì đúng là “vô địch”.
Đang trườn mình qua một rặng san hô thì Tùng gọi: “Anh Sáu tới đây xem con cá to lắm”. Tôi từ từ tiến lại, một con cá mú đen to hơn cánh tay đang ẩn mình trong rạn san hô, chung quanh là những đàn cá nhỏ đủ sắc màu tung tăng bơi lội kiếm ăn làm cho thế giới đại dương thêm phần kỳ ảo. Ngoài cá và san hô, vùng biển này có rất nhiều đồn đột (hải sâm) và nhum (cầu gai), nhiều rặng sau hô trên đó cầu gai nằm hàng hàng, lớp lớp, giương những bộ gai nhọn hoắt khiến tôi không dám đứng chân xuống dù bơi nhiều đã mệt.
Cầu gai là món khẩu khoái của nhiều người dùng để nấu cháo, nướng và ăn sống, là 3 món ăn ngon và rất bổ dưỡng được ví như là nhân sâm của biển vì nhiều tác dụng hữu ích như bổ thận, tráng dương, tăng cường sinh lực cho phái mạnh, ngoài ra còn là một món ăn tăng cường canxi cho cơ thể. Ở đâu thiếu, nhưng biển Hòn Cau thì nhiều vô kể.
Mọi người mê mải ngụp lặn quên cả chiều dần buông xuống trên Hòn Cau, nước biển thẫm màu hơn và thủy triều dần xuống, những rạn san hô gần bờ ngoi lên khỏi mặt nước, nhấp nhô ẩn hiện bên bờ cát trắng. Sau 3 giờ lặn, trời về tối càng lạnh, mọi người đều khá mệt nhưng vui và hấp dẫn quá nên chưa ai muốn ngưng. Tôi cũng nán lại chút nữa, nhưng rồi cũng phải lên đảo cùng mọi người để chuẩn bị vào bờ.
Chú Tư Hữu chủ quán Sóng Biển (một trong hai quán trên đảo) cho biết: Năm nay chú đã 69 tuổi và đã 52 năm có mặt ở Hòn Cau này. Trước đây vùng này hải sản rất phong phú, chú và những người đi biển ăn cơm chỉ cần vứt xương hoặc cơm thừa xuống là có hàng đàn cá to, nhỏ vào đớp mồi, nay thì hiếm rồi. Còn san hô thì nhiều vô kể, nhưng mấy năm trước, nhiều người dân ở Ninh Thuận và trong vùng đến khai thác san hô vô tội vạ làm cho rạn san hô bị phá hàng loạt. May mà mới đây, Nhà nước đã thành lập Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Việc canh giữ khá nghiêm ngặt, tàu thuyền cũng không được vào trong vùng “cắm cờ” nên đã từng bước khôi phục lại những gì mà Hòn Cau vốn có.
Hoàng hôn trên Hòn Cau thanh bình và yên ắng lạ, trong khi đoàn ngồi chơi ở cầu cảng chờ thuyền vào bờ, tôi một mình leo lên giữa đảo, theo con đường lát xi măng dùng để vận chuyển hàng hóa cho một doanh trại quân đội ở phía Đông của đảo. Những cơn gió nhẹ nhàng thoáng qua mơn man da thịt, lòng thấy thanh thản lạ thường.
Càng lên cao tôi càng bất ngờ vì ở đây lại rất ít đá mà là những khoảng đất rộng bằng phẳng, cây dại mọc dày, tiếng ve kêu râm ran như chào đón khách bộ hành lên đảo. Tôi tự hỏi ở đây nếu đầu tư trồng rừng chắc sẽ phát triển tốt. Khi có rừng không chỉ làm mát mà sẽ là nơi cung cấp nước ngọt cho đảo, giải quyết tình hình khan hiếm nước ngọt như hiện nay, phần lớn phải chở từ đất liền ra.
Đứng giữa đỉnh Hòn Cau, nhìn về rặng núi xa xa ở phía Tây, nơi có làng chài Phước Thể và Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, điện sáng lung linh huyền ảo, tôi thầm nghĩ: Hòn Cau không chỉ có “biển xanh – cát trắng – nắng vàng” mà còn là “vương quốc” của đá, của san hô và cả những đền thờ, am miếu gắn với tín ngưỡng linh thiêng của cư dân vùng biển Tuy Phong.
Một ngày không xa, Hòn Cau cùng với chùa Hang, Nhiệt điện Vĩnh Tân, Cà Ná và cả Trung tâm điện gió sẽ là một tour du lịch hấp dẫn cho vùng đất đầy nắng gió Tuy Phong. Và Hòn Cau sẽ là “điểm đến” lý tưởng cho những ai thích khám phá những kỳ thú của biển đảo quê hương như chúng tôi đã từng đến hôm nay.
Càng bơi ra xa san hô càng đẹp, những rạn san hô “muôn hồng nghìn tía” xếp chồng lên nhau như những tòa lâu đài kỳ vĩ được bàn tay tài ba của tạo hóa dựng lên. Cũng có nơi, những thảm san hô như những tai nấm mèo đủ màu sắc, mềm mại đung đưa như mời gọi.
Hòn Cau hiện ra ngày càng rõ hơn, như một con tàu sừng sững giữa biển khơi. Đập vào mắt du khách là đá và đá cùng với những lùm cây xanh chen vào đá, dưới là bãi cát trắng mịn màng chạy dài uốn cong bao bọc đảo, làn nước trong xanh có thể nhìn tận đáy biển.