17-01-2024 10:33

Làm sao để người Việt trở thành một dân tộc tao nhã?

Làm sao để người Việt trở thành một dân tộc tao nhã?

Một dân tộc mạnh trước tiên phải là một dân tộc biết sửa mình. Làm thế nào để người Việt có thể trở thành một dân tộc tao nhã?

Tuần qua, dân đọc báo mạng chuyền nhau một bài trên tờ South China Morning Post: “Cư dân Chiang Mai choáng vì những khách du lịch Trung Quốc thô lỗ”[1]. Trong đó, tác giả liệt kê những thói hư tật xấu (rành rành) của nhiều người TQ như nói lớn tiếng nơi công cộng, không xả nước sau khi sử dụng nhà vệ sinh, cho trẻ em phóng uế trong hồ bơi, xả rác, khạc nhổ, chen ngang, lái xe ấu tả…

Vì sao có sự kỳ thị?

Rất nhiều người hả hê đồng tình với bài báo thẳng thắn này. Thật dễ hiểu! Người ta hoàn toàn có đủ lý do để hả dạ khi thấy người Thái Lan đòi hỏi chính phủ của họ phải làm “ra ngô ra khoai”, yêu cầu họ giáo dục công dân của mình khi ra nước ngoài. Để người dân Chiang Mai có thể sống thịnh vượng an vui với ngành du lịch.

Trong một diễn biến khác, người đọc báo Việt Nam cũng đồng thời đùng đùng nổi giận khi nghe tin một nhà hàng ở Phan Thiết từ chối bán hàng cho người Việt.

Rõ ràng, theo những gì tường thuật trên báo chí, những lý lẽ mà ông chủ nhà hàng đưa ra không đủ sức thuyết phục. Nhất là khi ông phân bua “chỉ có 1% khách Việt mua hàng”.

Người ta mắng ông là “xúc phạm đồng bào”. Người ta chê ông là vọng ngoại, chỉ ham phục vụ khách nước ngoài. Thậm chí, các cơ quan hàng tỉnh cũng lăm le nghĩ đến khả năng đóng cửa vĩnh viễn cửa hàng này, cho dù sự trừng phạt này hoàn toàn vi phạm pháp luật. Là chủ cửa hàng, ông ta hoàn toàn có quyền quyết định từ chối phục vụ bất cứ ai mà mình không thích. Không pháp luật nào qui định một chủ doanh nghiệp phải phục vụ tất cả mọi người cả.

Xử nặng ông chủ cửa hàng nói trên, dù không đúng về pháp luật, nhưng dễ dàng được sự đồng thuận và ủng hộ của dư luận, nhất là dư luận của một đám đông rất dễ tổn thương và giàu tự ái dân tộc.

Mải mê mắng mỏ, tranh cãi, người ta quên bẵng đi một việc: Sự kỳ thị khách du lịch Việt Nam là một việc có thật, hiển nhiên và sờ sờ trước mắt trong nhiều năm qua.

Người viết đã từng nghe một chủ resort ở Hội An tâm sự: “Họ phá lắm anh ơi. Ăn nhậu, làm ồn, hạch sách… thâu đêm suốt sáng. Làm nghề ni thì phải chiều khách. Tụi em ráng được! Nhưng khách ở những phòng khác, họ chịu không nổi, bỏ đi hết. Riết chừ tụi em nghe giọng họ gọi điện đặt phòng là cứ nói hết chỗ cho nhẹ gánh!”

Một nhà hàng ở Phan Thiết từ chối bán hàng cho người Việt

Một nhà hàng ở Phan Thiết từ chối bán hàng cho người Việt

Tương tự, vào dịp cuối tuần, khi những đường bay thẳng đến Cam Ranh hạ cánh, nhân viên những khu du lịch nổi tiếng ở đây tha hồ chịu đựng những đoàn khách hợm hĩnh, ăn buffet như tranh cướp, giành giật chỗ lên cáp treo, nói như quát nơi công cộng… Bờ biển Nha Trang, Đà Nẵng…, thay vì chỉ có tiếng sóng biển và phi lao, ầm ĩ tiếng karaoke chát chúa bằng những giọng hát khê nồng rượu bia.

Những chủ nhà cổ miền Tây Nam bộ hiền lành, chân chất là thế, cũng phải đuổi thẳng cánh những khách du lịch Việt. Vì họ vừa ăn vừa phá, đòi hỏi trăm điều vô lý, sục sạo vào tận những không gian riêng tư của chủ nhà.

Mà không chỉ người Việt kỳ thị lẫn nhau. Cái tiếng xấu của những người Việt hợm hĩnh, thô lậu… cũng đi theo những chuyến bay lan khắp thế giới.

Ở Hàn Quốc, người ta khó chịu ra mặt khi phải mua bán với khách Việt.

Ở Thái Lan, Singapore…, người ta viết những bảng cảnh cáo “cấm hút thuốc”, “lấy đồ ăn vừa đủ”… chỉ bằng tiếng Việt.

Ở Malaysia, cô hướng dẫn viên bản xứ kêu trời khi thấy đoàn khách Việt của mình chen chúc, lấn nhau vào điểm tham quan.

Ở New Orleans, trong một đêm mà tôi là nhân chứng bất đắc dĩ, một Ts Y khoa người Việt, sau khi kiếm được một chai Whisky, bèn ung dung gầy độ với một vài đồng nghiệp khác. Họ uống rượu trong ca nhựa mà chủ quán khinh khỉnh đem ra, hò hét “dô 1, 2, 3…” như chốn không người. Mặc cho cái nhìn kinh ngạc của những thực khách khác…

Người Việt nên tự nhìn lại mình

Vô số những ví dụ tương tự về hình ảnh của “người Việt xấu xí”, không kém cạnh bao nhiêu so với những đồng bào của tác giả Bá Dương[2].

Khác với những cộng đồng Việt Nam được kính trọng vì sự cần cù, giỏi giang như ở Pháp, Tây Đức cũ, hình ảnh người Việt đã hoen ố quá nhiều. Và rất dễ dàng tìm thấy những lý do hữu lý cho sự kỳ thị đó.

Lại có người kêu ca: “Vì văn hóa hay phong tục khác nhau nên mới thế!”. Xin thưa, không phải vậy. Vì văn hóa có thể khác nhau nhưng phép lịch sự, hay lề thói xã hội là phổ quát, là chung cho mọi dân tộc. Mà nguyên tắc cao nhất của sự văn minh, lịch sự thì đâu cũng vậy, là không được làm phiền người khác bằng những hành vi cá nhân. Từ đó, mới có những qui ước rất chung và dễ dàng được đồng thuận như không khạc nhổ, không nói to, ăn phải ngậm miệng, xếp hàng…

Những qui ước này đã được học giả Phạm Cao Tùng diễn giải rất chi tiết trong cuốn Người Lịch Sự[3].

Cho nên, sau khi hả hê mắng người Trung Quốc, sau khi đùng đùng nổi giận với nhau, phải chăng người Việt chúng ta nên nhìn lại mình? Chẳng phải để “tự sướng” với dăm câu chuyện “truyền thống”, nhưng để thấy cái xà nhà to tướng trong mắt mình, trước khi cười khoái trá với cái dằm nhỏ xíu trong tay người khác[4].

Một dân tộc mạnh trước tiên phải là một dân tộc biết sửa mình, chứ không chỉ chăm bẵm “tạo ra sự khác biệt” bằng cách xoáy vào sự thô lỗ của một dân tộc khác. Chỉ khi người Việt biết mổ xẻ, sửa sai những thói hư tật xấu trong ứng xử xã hội, chúng ta mới có cơ may trở thành một dân tộc tao nhã, thanh lịch như lời Ức Trai rất đỗi tự hào: “Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu!”

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan