Sau bữa ăn trưa khá chất lượng tại Moscow, chúng tôi lên xe lửa đi thành phố Yaroslavl nằm cách thủ đô nước Nga gần 300km về phía đông bắc.
Du lịch Nga lạc bước mùa xuân ở Yaroslavl
Xe lửa mới, đẹp, chạy êm, cảnh bên ngoài cũng rất đẹp nên ba tiếng đồng hồ trôi qua nhanh chóng. Nếu thư thả về thời gian, xe lửa quả là phương tiện đi lại rất thuận tiện khi đến du lịch Nga. Vé tàu Moscow – Yaroslavl là 750 rup/người (khoảng 350 ngàn đồng Việt Nam), gấp đôi một suất ăn “thịnh soạn” cộng một ly bia ở cửa hàng thức ăn nhanh mà cả bọn vừa dùng vào bữa trưa.
Phố cổ giữa ngã ba sông
Đầu xuân tiết trời vẫn lạnh, nhưng nhìn ra cửa sổ, độ tan chảy của băng tuyết cùng những tia nắng ấm đầu mùa mang lại cho khách trên tàu cảm giác hân hoan khó diễn tả bằng lời. Xuân về, nhịp sống của thiên nhiên dường như hối hả hơn. Và nhịp điệu hối hả ấy có thể cảm nhận rõ nét trên những cành cây trơ trụi mà suốt mùa đông đã phải chịu cái lạnh hàng chục độ âm.
Băng giá ở xứ lạnh này không làm cây cối mất đi sự sống, ngược lại, đó chính là khoảng thời gian chúng tích lũy năng lượng để rồi khi xuân đến, năng lượng ấy bùng phát với tốc độ chóng mặt. Chỉ sau vài cơn mưa, thiên nhiên như bừng tỉnh sau giấc ngủ đông dài.
Đầu tiên, màu xanh chỉ xuất hiện như những chấm nhỏ trên cành, rồi tấm thảm xanh ấy dần trở nên xanh hơn cùng với những chồi lá lớn nhanh như thổi.
Chúng tôi đến với Yaroslavl khi trời đã xế chiều, cả nhóm bỏ hành lý vào nhà trọ tập thể ở trung tâm thành phố rồi bắt đầu dạo chơi. Chúng tôi thích ở nhà trọ một phần vì khách trọ ở đây chủ yếu là học sinh, sinh viên và công chức trẻ người Nga. Họ nói được tiếng Anh cơ bản và khá thân thiện. Yaroslavl là điểm đến quen thuộc của dân Moscow vào cuối tuần.
Ra đời từ năm 1010, thành phố là một trong những đô thị cổ xưa nhất nằm ở nơi hợp lưu của hai dòng sông – dòng Kotorosl êm đềm và dòng Volga vĩ đại. Yaroslavl sở hữu cây cột biểu tượng Kilomet số 0 – được coi là điểm khởi hành của tuyến du lịch Vành đai vàng nổi tiếng nước Nga.
Tour du lịch này đi qua các thành phố cổ ở gần Moscow, nối liền các điểm đến tạo thành một vòng tròn có tính biểu trưng. Hành trình Vành đai vàng chục năm nay đã được thế giới biết đến với hàng loạt cái tên thành phố như Yaroslavl, Ivanovo, Vladimir, Kostroma, Sergiev Posad, Pereslavl-Zaleski, Rostov Veliki, Uglich, hay Suzdal… Đằng sau mỗi cái tên, mỗi thành phố là cả một lịch sử lâu đời. Riêng Yaroslavl, với những công trình kiến trúc độc đáo, những di tích lịch sử gắn liền với nước Nga cổ xưa, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Nơi đây lưu giữ nhiều nhất các di tích lịch sử, văn hóa lâu đời của nước Nga. Chỉ riêng các công trình kiến trúc cổ cũng đã vượt quá con số 800.
Trước khi đắm chìm vào các lâu đài lộng lẫy đang mời gọi, chúng tôi dạo bước dọc bờ sông Volga đang rực rỡ trong nắng chiều. Dưới ánh mặt trời, những mái vòm, những tháp chuông nhà thờ thấp thoáng ánh lên màu kim loại quý. Từ cuối thế kỉ XVI, Yaroslavl đã là một trung tâm thương mại lớn. Việc chinh phục các vương quốc Kazan và Astrakhan mở ra con đường giao thương với châu Á dọc theo dòng Volga.
Với địa thế thuận lợi tại ngã ba dòng chảy, Yaroslavl được người Anh chọn làm nơi đặt bến cảng để phân phối tới hạ lưu dòng Volga. Rồi người Hà Lan, Đức, Pháp cũng tiếp bước người Anh mang đến đây nhiều mặt hàng giá trị. Hàng hóa xuất khẩu từ Yaroslavl là da thú, cá, hạt lanh và tác phẩm nghệ thuật. Các nhà thờ tại đây (thành phố có 77 nhà thờ) chính là những di tích về tầm quan trọng cũng như sự giàu có của Yaroslavl trong quá khứ.
Những kiệt tác của nước Nga
Rảo bước trên quảng trường Elinskaia tại trung tâm thành phố, du khách không ai có thể hờ hững với nhà thờ Giáo hội. Kiến trúc có từ thế kỷ XVII này mang một màu trắng như tuyết. Bốn mặt tiền của nhà thờ có kiến trúc độc đáo và phong cách rất khác biệt, tạo cho người xem cảm tưởng đang đứng trước những công trình khác nhau.
Nếu vẻ ngoài của nhà thờ đẹp nhờ sự tiết giảm đến tối đa các họa tiết trang trí thì nội thất nhà thờ lại làm chúng tôi choáng ngợp bởi sự rực rỡ màu sắc của hàng ngàn bức bích họa quý giá. Yaroslavl từng có nhiều thế kỷ nổi tiếng về vẽ tranh, đặc biệt là tranh thánh. Bộ sưu tập tranh khổng lồ quý giá hiện vẫn được thành phố bảo quản cẩn thận.
Du khách mê tranh như chúng tôi đến đây quả thực chẳng nỡ quay về! Yaroslavl còn nổi tiếng với hàng loạt kiến trúc lịch sử độc đáo. Thành phố giữ gìn rất tốt nhiều tòa nhà của thế kỷ XVI-XIX. Các chủng viện đầu tiên của Nga cũng nằm tại Yaroslavl.
Tòa nhà lâu đời nhất là Tu viện nam Đấng Cứu Rỗi, được xây dựng vào thế kỷ thứ XII. Hiện tại, nam tu viện này đã trở thành một khu bảo tàng ngoài trời sống động.
Phố cổ Yaroslavl cũng rất đẹp và thanh lịch. Dù các dãy nhà tiếp nhận nhiều phong cách kiến trúc Tây Âu nhưng không khó để tìm thấy nét truyền thống dân gian Nga tại đây: đó là các dải cửa sổ chạm khắc, các cổng vòm cầu kỳ sơn màu vàng ánh kim. Lúc chúng tôi đến đây thì dân thành phố đã ăn lễ Maslenitsa (lễ tiễn mùa đông) xong. Kết thúc kỳ lễ dài gần cả tuần này, Yaroslavl cũng như các thành phố khác trên nước Nga bắt đầu bước vào mùa xuân đầy sức sống. Các cô gái đi trên phố đã tháo bớt áo choàng dày sụ cùng mũ trùm đầu, để lộ gương mặt xinh tươi và vóc dáng thanh thoát. Tại nhiều góc đường, hoa siren hay còn gọi là tử đinh hương đã chớm nở. Loài cây mọc thành bụi này được người Nga coi là loài hoa đặc trưng của mùa xuân, mùa sinh sôi nảy nở. Hoa siren có nhiều sắc màu: tím, hồng, trắng, xanh trắng. Màu của một vài giống siren còn thay đổi theo thời gian: khi còn là nụ có màu hồng, tím sẫm, khi nở hoa màu nhạt dần, hoặc nụ có màu xanh nhạt, khi nở hoa chuyển màu trắng. Nếu chúng tôi ở lại Yaroslavl thêm một tuần nữa, thế nào cũng được chứng kiến siren phủ kín các góc phố bằng những chùm hoa đủ sắc màu…
Trên đường chúng tôi quay lại Moscow, nhiều ngôi làng trên đường đi đang vui trong lễ hội chăn cừu. Lễ hội này thường diễn ra ở các vùng quê khi tuyết bắt đầu tan, đồng cỏ thức tỉnh. Những con cừu bị nhốt trong chuồng, ăn cỏ khô suốt mùa đông, giờ đây được đưa lên các thảo nguyên hít thở khí trời trong lành. Những người chăn cừu phải tạm biệt gia đình đi theo chăm sóc, quản lý đàn cừu.
Do vậy, người ta tổ chức ngày hội chăn cừu để tiễn những người chăn cừu lên núi. Trong lễ, đường làng trông nhộn nhịp. Người chăn cừu ăn mặc áo nhiều màu sắc, đầu đội mũ chóp nhọn cài những chiếc lông gà trống, quần trắng hoặc đỏ, ống phồng như quả bóng.
Không chỉ thiên nhiên mới bừng tỉnh trong mùa xuân, người dân Nga cũng bắt đầu một chu kỳ mùa màng mới của mình thật ấn tượng, thật sống động.
Theo Doanh nhân Sài Gòn