Không chỉ ngắm những vườn bòn bon trĩu quả, những ngày này đến với miền đồi trung du Tiên Phước, Quảng Nam, du khách sẽ thấy ấm lòng hơn với đĩa gỏi bòn bon đặc sản của người dân nơi đây.
Lạ mà ghiền với gỏi bòn bon Tiên Phước
Nhắc đến Tiên Phước (Quảng Nam) người ta thường nhắc “Sông Tiên nước chảy ngược dòng. Ai về Tiên Phước để lòng ngẩn ngơ” hoặc “Tiên An có núi Đầu Voi. Có đập Vực Đá, có ngòi Nước Sôi”…
Nhưng với những người con Tiên Phước hay ai đã từng gắn bó một thời với mảnh đất này, ở đây còn có những ngôi nhà cổ, các ngõ đá uốn lượn hàng trăm năm tuổi hay những vườn cây trái đơm đầy quả ngọt. Đặc biệt là bòn bon, sản vật đặc trưng trên mảnh đất từng chịu biết bao bom đạn của chiến tranh.
Từ thành phố Tam Kỳ theo đường ĐT616 đi về hướng tây chừng 25km bạn sẽ đến được trung tâm huyện Tiên Phước.
Những ngày này dẫu tiết trời đã chuyển sang đông nhưng trên những con đường làng quanh co hay trong chợ đâu đâu cũng thấy bày bán bòn bon.
Thường bòn bon ra hoa vào tháng 4 âm lịch, từng chuỗi hoa màu trắng xen vàng lấp lánh, thơm lừng trong gió. Chừng tháng 7 bòn bon kết trái, đến tháng 10 là thu hoạch.
Nhưng năm nay có lẽ do thời tiết nên bòn bon ra hoa kết trái muộn hơn, do vậy mùa thu hoạch cũng trễ hơn một tháng.
Hỏi thăm về loại trái cây đặc sản này, người dân không ngần ngại truyền tai du khách câu chuyện về vua Gia Long.
Bòn bon Tiên Phước không những là loại trái cây bổ dưỡng mà còn được chế biến thành món gỏi đặc sản nức tiếng gần xa – Ảnh: Thanh Ly
Chuyện kể rằng đội quân của Nguyễn Ánh khi bị Tây Sơn đánh tan tác đã lạc vào rừng bòn bon xứ Quảng. Không còn lương ăn họ bèn hái trái bòn bon ăn sống qua ngày.
Khi giành được cả giang sơn xã tắc, Nguyễn Ánh lên ngôi vua lấy niên hiệu Gia Long và để trả ơn trái quý phương Nam từng cứu mạng mình, ông đã tặng trái bòn bon tên Nam Trân.
Qua năm tháng, với đôi bàn tay khéo léo của người dân Tiên Phước, bòn bon được chế biến thành rượu bồi bổ sức khỏe hằng ngày. Đặc biệt có một món ăn dân dã, trở thành nét văn hóa ẩm thực độc đáo ở huyện Tiên Phước là gỏi bòn bon.
Thường người ta chọn những chùm bòn bôn chín vỏ có màu vàng nhạt hoặc màu trắng ngà để làm gỏi vì ấy là lúc bòn bôn thực sự chín cây.
Nguyên liệu đi kèm với bòn bôn là thịt ba chỉ, tôm, ớt, tỏi, đậu phụng, hành phi, chanh, rau thơm và nước mắm.
Cách làm đơn giản nhưng phải khéo. Trước tiên tách riêng từng múi bòn bon. Lấy móng tay cái ấn mạnh vào đáy quả, vỏ sẽ bung ra dễ dàng để tách múi, bỏ hạt. Không nên lột vỏ từ cuống quả, vỏ bị xé rách vừa dính mủ vừa giữ lớp lụa mỏng ngăn chia từng múi, ăn không ngon.
Tôm chọn đúng loại tôm đất còn nhảy tưng tưng, bấm đầu, đuôi, rửa sạch cho vào nồi thêm một chút muối, rang tôm chín. Nếu ưa vị béo thì thêm vài lát thịt ba chỉ luộc chín đã cắt nhỏ (không quá to so với múi bòn bon).
Gỏi bòn bon ngon hay không phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật pha chế nước mắm. Cứ một muỗng nước mắm hòa với hai muỗng đường, một muỗng nước cốt chanh, một trái ớt băm nhuyễn.
Đánh đều nước mắm, đường, chanh, ớt đến khi hỗn hợp đã dậy mùi thơm nồng. Phi chín dầu ăn với hành, tỏi.
Cuối cùng trộn đều bòn bôn với dầu, nước mắm sao cho hợp khẩu vị của người thưởng thức. Đợi khi nào ăn mới thêm đậu phộng rang giã giập, một ít rau quế, rau húng tạo vị vừa trang trí cho món ăn thêm đẹp mắt.
Gỏi bòn bon đúng điệu xứ Quảng hội tủ đủ các yếu tố chua chua, ngọt ngọt, cay thơm nồng nàn. Làm bạn với món này phải chọn đúng bánh phồng tôm giòn tan hoặc bánh tráng nướng.
Xa rồi những năm tháng chiến tranh, Tiên Phước ngày nay đã khoác lên mình những vườn bòn bon xanh lá, trĩu quả. Mời bạn một lần đến với miền đồi trung du Tiên Phước, chắc hẳn bạn sẽ thấy ấm lòng chỉ đơn giản bởi một đĩa gỏi bòn bôn hiếu khách của người dân nơi đây.
Theo Thanh Ly/Tuổi trẻ