Chàng ca sĩ Mỹ tự nhận ‘tiền kiếp là người Việt Nam’ đã có một ngày thú vị tại nơi làm nên sắc màu lung linh của Tết Trung thu.
Gắn bó với Việt Nam bằng một định mệnh, tình yêu của anh dành cho nơi này không chỉ được thể hiện qua âm nhạc, mà còn được đánh dấu bằng những chuyến đi khám phá khắp mọi miền. Chính vì thế, Kyo York luôn nhận được sự ưu ái từ những người bạn Việt Nam “sành khám phá”. Họ luôn giới thiệu hay rủ anh đồng hành trong những chuyến đi đặc biệt.
Mới đây, qua lời giới thiệu của một nhóm bạn chuyên du lịch bụi, Kyo đã có một chuyến đi khám phá thú vị tại xóm làm lồng đèn Phú Bình, quận 11, TP HCM. Kyo chia sẻ: “Thật thiếu sót, nếu một người đã ở Sài Gòn 3 năm như tôi lại không đặt chân khám phá một nơi được mệnh danh là ‘mang sắc màu lung linh’ cho ngày Tết Trung thu”.
Xóm làm lồng đèn Phú Bình đã tồn tại hơn 50 năm qua, có nguồn gốc từ làng nghề Báo Đáp tỉnh Nam Định. Khi đến đây, chàng ca sĩ được các nghệ nhân hướng dẫn tỉ mỉ gần mười công đoạn làm nên chiếc lồng đèn giấy kính truyền thống. Anh bắt đầu bằng việc làm khung tre. Chàng ca sĩ gốc Mỹ chia sẻ: “Tôi thử uốn những thanh tre để làm khung lồng đèn. Thật không dễ dàng chút nào, bạn phải cần một lực vừa đủ để uốn cong”.
Sau đó, Kyo lại được mọi người hướng dẫn cách trang trí lồng đèn. Tuy có một chút tài lẻ về hội họa nhưng anh chàng cũng run run khi lần đầu vẽ trên những tấm giấy kính khá mỏng manh. Vẽ xong, Kyo chụp lại “tác phẩm đầu tay” và khoe ngay với bạn bè trên Facebook. Chưa đầy 15 phút đã có hàng trăm “like” cổ động cho anh chàng yêu văn hóa Việt Nam
Không chỉ nhiệt tình, Kyo còn rất tâm lý khi biết cách trò chuyện, chia sẻ với mọi người về chuyện lồng đèn nhựa gây khó khăn cho làng nghề. Anh kể: “Làng nghề không còn vui như xưa nhưng đã có nhiều người nặng lòng với truyền thống vẫn muốn duy trì và gìn giữ những chiếc lồng đèn giấy kính”.
Kết thúc một ngày khám phá, anh chàng hào hứng chia sẻ: “Đây là một mùa Trung thu đặc biệt của tôi. Một cảm giác thật tuyệt vời khi lần đầu tiên làm một chiếc lồng đèn hoàn toàn bằng tay. Và hơn hết, tôi đã hiểu thêm một nét đẹp lâu đời của Việt Nam”.