Kinh thành Huế là tập hợp các công trình kiến trúc quan trọng của triều đình nhà Nguyễn, triều đình cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Đến nay, quần thể vẫn còn lưu giữ những dấu ấn của một thời thăng trầm nhiều biến động.
Kinh thành Huế – Dấu ấn một thời phong kiến thăng trầm
Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới vào tháng 12 năm 1993. Toàn bộ di tích có khoảng 150 công trình thuộc 10 phân khu chức năng chính: Môn & Khuyết đài, Ngoại Triều, Tử Cấm Thành, Thái Miếu, Thế Miếu, Phụng Tiên Cung, Diên Thọ Cung, Trường Sanh Cung, Nội Vụ Phủ và Cơ Hạ Viên.
Hiện tại, các công trình còn lại trong Hoàng thành Huế (Đại Nội) không nhiều, khoảng 1/4 công trình đã được trùng tu và phục dựng, đa số các công trình chính khác đã bị sụp đổ hoàn toàn vì nhiều yếu tố.
Quá trình xây dựng Kinh thành Huế
Khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hoá năm 1558, vương quốc Đàng Trong được thành lập. Từ đó, các chúa Nguyễn không ngừng xây dựng thế lực và mở mang bờ cõi. Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn, lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Gia Long, lập nên nhà Nguyễn, triều đại cuối cùng của lịch sử phong kiến.
Gia Long đã đích thân thiết kế đồ án xây dựng kinh thành từ năm 1803. Để xây dựng Kinh thành Huế, vua Gia Long đã cho di dời 9 ngôi làng để cải tạo và nắn dòng chảy các sông tự nhiên để thiết lập hệ thống thủy đạo trong kinh thành.
Lịch sử xây dựng Kinh thành Huế chia làm 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ đầu thời Gia Long đến thời Minh Mạng là thời kỳ lập kế hoạch và xây dựng; Giai đoạn 2 từ thời Thiệu Trị đến nửa đầu thời Tự Đức là hoạt động sửa chữa, cải tạo những công trình được xây dựng trước đó.
Giai đoạn 3 từ nửa sau thời kỳ Tự Đức đến thời Đồng Khánh là thời kỳ bảo dưỡng, sửa chữa và thu nhỏ qui mô; Giai đoạn 4 từ thời Khải Định đến thời Bảo Đại là thời kỳ tiếp biến văn hoá kiến trúc Việt – Pháp và thay đổi kỹ thuật xây dựng.
Đặc điểm kiến trúc các công trình của Hoàng thành Huế
Các công trình trong Hoàng thành Huế có công năng đa dạng như: thờ cúng, làm việc, ăn, ngủ, giải trí, kho chứa đồ… những công trình được đặt thành những nhóm tên chữ Hán gồm: Miếu, Điện, Đường, Các, Vu, Lâu… đồng thời, có những biểu hiện khác nhau về hình dạng mặt bằng, cấu trúc mặt cắt, hình thức mái, chiều cao, trang trí, vật liệu.
Các công trình này về cơ bản có dạng hình chữ nhật, hình vuông và hình bát giác. Các công trình quan trọng dành cho vua có mặt bằng hình chữ nhật, gồm 2 hoặc 3 toà nhà kết nối với nhau và có 2 tầng mái theo kiểu “Trùng Thiềm Điệp Ốc”, những công trình còn lại có mặt bằng đơn dạng hình chữ nhật hoặc hình vuông có 1 hoặc 2 tầng mái.
Nền công trình làm bằng đá, mặt nền lát gạch bát tràng có tráng men xanh hoặc men vàng, hệ kết cấu chịu lực được làm bằng các loại gỗ quý hiếm: đinh, lim, sến, táu…
Vào giai đoạn sau của triều Nguyễn có sử dụng thêm gạch hoa, kết cấu bê tông cốt thép, tường xây gạch. Mái được lợp bằng các loại ngói thanh lưu ly, hoàng lưu ly (đối với công trình cao cấp), ngói âm dương hoặc ngói liệt (đối với các công trình có đẳng cấp thấp hơn).
Những điều thú vị của Kinh thành Huế
Di tích cung đình còn nguyên vẹn nhất
So với những di tích cung đình khác trên đất nước ta, Quần thể di tích Cố đô Huế là di tích nguyên vẹn nhất. Với cung điện, thành trì, đàn miếu, lăng tẩm, chùa chiền và nhiều nhà vườn… Kinh thành Huế mang vẻ đẹp thanh bình, cổ kính.
Công trình kiến trúc quân sự
Kinh thành Huế được xây ở phía Bắc sông Hương, mặt quay về hướng Nam, là sự kết hợp giữa những kiến trúc truyền thống Việt Nam, tư tưởng triết lý phương Đông với thuyết âm dương ngũ hành cùng những đặc điểm mang ảnh hưởng kiến trúc quân sự phương Tây.
Báu vật cung đình quý giá nhất còn được lưu giữ
Bảo tàng cổ vật cung đình Huế được thành lập vào năm 1923 nằm trong Thành Nội, với tên đầu tiên là Musée Khải Định. Sau đó, đến năm 1993 mới có tên Bảo tàng cổ vật cung đình Huế. Bảo tàng có hàng nghìn hiện vật gồm đồ gốm sứ, gỗ, đồng, pháp lam, đá, xương, ngà, sừng, điêu khắc đá…
Đêm hoàng cung
Vào mỗi dịp Festival Huế, mái đình rêu phong cổ kính của Đại Nội Huế về đêm được thắp lên thứ ánh sáng huyền ảo. Từ Ngọ Môn, cờ xí được bày trí, đèn lọng, hàng lính cấm vệ trong sắc phục truyền thống…
Tất cả tái hiện cuộc sống hoàng cung xưa khi hoàng hôn buông xuống. Khách đến đây được hòa mình vào không gian huyền ảo khói sương với mùi trầm hương nghi ngút, như được sống trong không gian hoàng cung của thế kỷ trước.
Kinh thành Huế còn rất nhiều điều bí ấn, hấp dẫn cần được khám phá. Hãy liên hệ iVIVU để sở hữu tour Huế với giá ưu đãi, có cơ hội tham quan Cố đô Huế một cách chi tiết với nhiều cung bậc cảm xúc!
Theo iVIVU.com