Tết đến, nhu cầu mua sắm tăng lên, đây là thời điểm các mặt hàng được tiêu thụ mạnh mẽ nhất trong năm. Vậy phải mua sắm Tết như thế nào để tiết kiệm, cùng điểm qua những kinh nghiệm quý báu sau đây.
Kinh nghiệm mua sắm Tết tiết kiệm cho gia đình
Lập danh sách những món đồ cần mua
Mua sắm Tết không có kế hoạch dễ dẫn đến việc chi tiêu hoang phí, nhất là trong gia đình nhiều thành viên. Khi không có danh sách cụ thể, các bà nội trợ sẽ mua sắm theo cảm hứng, nhất là khi dịp Tết các cửa hàng, siêu thị trưng bày rất nhiều món hàng đẹp mắt thì việc tậu về những món đồ không có nhiều tác dụng là dễ hiểu.
Trước khi đến chợ, siêu thị, bạn nên xem lại đồ dùng trong nhà, điểm lại sở thích của các thành viên, sau đó lên danh sách những vật dụng cần mua và số lượng cụ thể. Làm như vậy sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và tiền bạc, thậm chí không còn phải mệt mỏi khi mua quá nhiều hàng.
Các bà nội trợ nên ưu tiên những thứ quan trọng, loại bỏ những mặt hàng ít cần thiết. Thông thường, bảng danh sách những thứ cần mua trong dịp Tết sẽ rất nhiều như bánh kẹo mứt, thực phẩm tươi và khô, đồ gia dụng, quần áo, giày dép…
Để chi tiêu hợp lý hơn, các bạn cũng có thể chia những khoản cần chi tiêu trong Tết thành năm loại: chi phí mua sắm thực phẩm, rượu bia, bánh kẹo, hoa quả; chi phí trang trí nhà cửa (hoa, cây đào, cây quất…); chi phí mua quần áo mới; tiền lì xì; quà biếu người thân.
Mua vừa đủ
Ngày nay, khi nỗi lo cơm áo gạo tiền không còn quá nặng nề như ngày trước thì việc mua sắm Tết cũng trở nên rộng rãi hơn. Do đó, rất nhiều gia đình có thói quen mua sắm và tích trữ thực phẩm trong những ngày Tết và tích trữ rất nhiều, vì phòng khi có khách đến thăm nhà những ngày này. Tuy nhiên việc này không cần thiết bởi chợ, siêu thị mở bán từ rất sớm, bạn có thể mua thực phẩm tươi ngay mùng 2 Tết.
Tận dụng đồ cũ để trang trí
Ngoài những món đồ mới cần mua sắm Tết, thì có nhiều món đồ khác lại không cần mua mới mà có thể tái sử dụng để tiết kiệm. Các mặt hàng như cây cối (đào, quất…) hay câu đối, lọ hoa, ấm trà… hoàn toàn có thể sử dụng của năm cũ. Từ các đồ cũ, những thành viên trong gia đình cùng nhau sáng tạo trang trí, vừa vui vừa ý nghĩa mà rất tiết kiệm.
Săn đồ khuyến mãi
Các mặt hàng vào dịp Tết thường luôn có giá cao hơn ngày thường vì nhu cầu cao. Để tiết kiếm, bạn nên chuẩn bị mua sắm Tết trước một tháng, vì lúc này giá cả các mặt hàng vẫn có sự bình ổn chưa tăng giá. Bên cạnh đó, cuối năm là thời điểm các chương trình khuyến mãi được tung ra liên tục để kích cầu sức mua. Hãy nắm bắt cơ hội để sở hữu hàng khuyến mãi giá cực tốt với chất lượng cao.
Tự nấu những món ăn truyền thống
Bánh chưng, bánh tét, giò chả, dưa hành, thịt gà, củ kiệu… là những món ăn truyền thống ngày Tết. Hiện nay vì không có nhiều thời gian nên các gia đình thường chọn mua sẵn ở các cửa hàng. Tuy nhiên để tiết kiệm và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các thành viên hãy cùng nhau dành thời gian để tự tay làm món ngon ngày Tết tại nhà. Việc cùng nhau nấu những thức ăn ngon mang đến không khí Tết hoài niệm, tạo nên sự ấm cúng và thân thiết cho cả nhà.
Theo iVIVU.com