Du lịch và mua sắm tại Bangkok luôn là điểm đến hấp dẫn của người Việt, để chuyến đi thật vui, bạn hãy thử xem những mẹo nhỏ mà iVIVU.com cung cấp dưới đây nhé:
Những lưu ý:
1. Luôn mang theo hộ chiếu bên người, không để chung với tiền bạc hoặc những giấy tờ hay rút ra rút vào khác.
2. Nên mua card điện thoại quốc tế của Thái Lan (màu vàng), quay số tại các điểm điện thoại công cộng, giá sẽ rẻ hơn nhiều. Cách bấm số từ Thái Lan về Hà Nội: 001-84-mã tỉnh bỏ số 0-số cần gọi. Nếu gọi tới số di động: 001-84-số cần gọi (bỏ số 0 trước số 9). Nếu điện thoại di động của bạn đã nối mạng quốc tế (roaming), khi tới Thái Lan máy sẽ tự tìm mạng của Thái.
3. Ghi sẵn điện thoại của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, phòng khi xảy ra trường hợp không mong muốn.
Hoặc liên lạc với TAT (cơ quan quản lý du lịch ở Thái Lan), tổ chức này khá cởi mở và nhiệt tình, nói chung là thiện cảm, +66 2250 5500.
Địa chỉ ĐSQ VN tại Thái Lan: 83/1 Wireless Road, Pathumwan, BKK 10330; Tel: (662) 267 9602; Fax: (662) 254 4630; Email: vnembtl@asianet.co.th.
Đặt phòng:
Bạn có thể xem giá phòng trên iVIVU.com và tham khảo danh sách khách sạn Bangkok.
Khi đi ra khỏi khách sạn, vali để ở phòng nên khóa lại. Chìa khóa phòng luôn luôn gửi lại khách sạn.
Trước khi đi, in sẵn vé máy bay và voucher check-in khách sạn, khi về cũng vậy.
Địa chỉ tham quan:
Grand Palace là một địa điểm rất đáng để đi xem, đẹp và rộng, xem cũng hết 1 buổi. Khi vào Hoàng cung, đền, chùa, lưu ý nên mặc quần áo dài (nếu không lại tốn tiền thuê quần áo).
Công viên Dream World
Nếu có trẻ con thì công viên Dream World là 1 địa chỉ đáng để đi, nó là “Disneyland thu nhỏ”, nhiều cái hay, trò chơi cảm giác mạnh và đặc biệt là show diễn “Hollywood Action”.
Natura Cafe
Nếu bạn là fan của những quán cà phê có không gian rộng thoáng, hòa hợp với thiên nhiên thì Natura Café sẽ khiến bạn thích mê ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ngay khi bước vào quán, bạn sẽ ấn tượng bởi quán được bao bọc bởi một khu vườn lớn thoáng đãng, có rất nhiều cây cối xung quanh, tạo nên không gian xanh mát để bạn ngồi chill với bạn bè.
Chùa Phật Vàng Wat Traimit
Ngôi chùa linh thiêng tọa lạc tại trung tâm Yaowarat. Wat Traimit nổi tiếng với pho tượng Phật nặng 5,5 tấn vàng nguyên khối, cao 3,5 mét. Rất ít các ngôi chùa ở Thái Lan cho khách tham quan đến gần những kiệt tác Phật vĩ đại nhưng ngôi chùa này là ngoại lệ. Du khách có thể đứng rất gần với bức tượng để chiêm ngưỡng được hết vẻ đẹp của nó.
Baiyoke Sky
Tòa nhà cao nhất Bangkok tại thời điểm hiện tại, cao 86 tầng. Bạn sẽ được thưởng thức bữa ăn buffet cao cấp tại nhà hàng xoay trên tầng 84 của Baiyoke Sky, với các món ăn vô cùng đa dạng từ món Á đến món Âu. Không chỉ được thưởng thức đồ ăn ngon, mà bạn còn có thể ngắm nhìn toàn cảnh Bangkok từ trên cao.
SkyWalk – Tòa nhà King Power Mahanakhon
Nằm trong tòa nhà King Power Mahanakhon, Mahanakhon SkyWalk là điểm đến hoàn hảo để bạn chiêm ngưỡng toàn cảnh Bangkok ở độ cao “chọc trời”. Đến Bangkok, nếu những điểm check-in dưới mặt đất chưa đủ làm bạn thích thú, Mahanakhon SkyWalk chính là lựa chọn hoàn hảo để “đổi gió”. Hãy thử cảm giác mạnh khi đi trên cầu kính trong suốt, nhìn xuống thành phố bên dưới và check-in quán bar cao nhất Thái Lan nhé!
Và còn rất nhiều đền chùa và địa điểm thú vị khác. Xem thêm các thông tin du lịch Thái Lan hữu ích TẠI ĐÂY.
Đi shopping ở đâu?
Ghi nhớ: Tất cả các shop và siêu thị chỉ mở cửa từ khoảng 10 – 10h30 sáng (một số ít có thể mở từ 9h30). Chợ thì mở sớm hơn.
- Quần áo bình dân thì ra chợ Pratunam hoặc Platinum (The Mall fashion); Điện tử lên Pantip Plaza, 2 cái này ngay cạnh Pratunam.
- Quần áo và trang sức, đồ gia dụng cao cấp: Siam. Khu này có chuỗi siêu thị sang trọng, đẹp, mua thì chắc ít nhưng đáng để ngắm như Siam Center, Siam Paragon, Central World… Riêng khu Central World có đủ các loại hàng hiệu trên thế giới ở đây như: Marks and Spencer, CK, Zara, Next, Miss 60, Guess, MNG, Axara…
- Các khu siêu thị lớn: có thể thấy trên bản đồ, ở nhiều nơi có tập trung vài ba siêu thị, dễ dàng đi bộ từ siêu thị nọ tới siêu thị kia. Một siêu thị không thể không đến là MBK, bán từ quần áo, trang sức, đồ gia dụng, nội thất cao cấp và trung bình, đồ điện tử…, và các đồ trang trí rất xinh xẻo đáng yêu, bán ở tầng trên cùng, giá rẻ.
- Các siêu thị khác rất nên đến (mỗi loại có vài ba cái ở Bangkok, vị trí đều ghi rõ trên bản đồ): Lotus Texaco, Center, Robinson, Big C. (nếu mua đồ về làm quà thì cứ vào các siêu thị là ổn nhất).
- Chợ cuối tuần Chatuchak, cũng có trên bản đồ. Rất nhiều đồ trang trí nhà cửa và trang sức (đặc biệt là bạc). Đẹp và hơi đắt tí (mặc dù chợ thì khá bình dân). Từ trung tâm Bangkok đi Chatuchak nên đi bằng Skytrain (tàu điện trên không).
- Chợ đêm Suan Lum Night bazzar cũng là điểm đến không thể bỏ lỡ. Bán từ quần áo, giầy dép, đến chai lọ, bát đĩa, đèn sáo, ga gối, tranh ảnh, hộp kệ tủ… Chợ này bán nhiều đồ bơi “nhái” mẫu châu Âu, giá hợp lý. Nhược điểm là hầu như không có chỗ thử quần áo.
- Chinatown và chợ Pahurat dành cho những ai có nhu cầu mua linh kiện ô tô. Nhưng lưu ý vào cuối tuần, hầu như chợ sẽ nghỉ, ít tiệm mở cửa bán hàng.
- Khao San Road: bán nhiều đồ “dân tộc”, đồ bạc, nhưng phải mua buôn mới có giá rẻ, còn mua lẻ thì đắt hơn mua ở Việt Nam. Mua bán ở Thái nói chung rất dễ chịu. Câu cửa miệng của họ là: “Have a look first!” (Cứ xem đi đã!), bạn có thể xem và thử thoải mái, nếu không mua, họ vẫn tiễn bằng câu “Thank you!”.
Ăn gì?
- Đừng cố thử ăn món Thái cay (nếu bạn không quen). Nên tranh thủ ăn luôn tại các đại siêu thị. Tầng 4 hoặc 5 thường là các food town với hàng chục loại đồ ăn, kể cả đồ Việt Nam; có đủ đồ tráng miệng và đồ uống. Hầu như thanh toán bằng coupon, mua coupon khi vào ăn và nếu không tiêu hết có thể hoàn tiền lại.
- Cuối ngày nên làm vài ba cốc sữa chua và 1 chai La Vie thật to ở Seven 11 (chuỗi Minimart có ở khắp nơi trong Bangkok, giá rẻ, mở cửa tới 23h đêm hàng ngày), sau đó về khách sạn ăn.
– Trên đường đi bộ có thể mua hoa quả bán trên phố như măng cụt, sầu riêng.
Đổi tiền
- Quầy đổi tiền có ở khắp nơi, tỷ giá có thể chênh lệch chút xíu nhưng nói chung chẳng đáng bao nhiêu. Có thể đổi ở Siam Commercial bank hoặc xuống máy bay nên đổi luôn một ít để có tiền trả tiền taxi về khách sạn và để “tip” cho người khuân đồ của khách sạn. Nếu không, có thể đổi tại Bangkok Exchange Co.,Ltd ở 122/48 Rachaprarop Rd. Phayathi, Rajthewee atunum, Bangkok.1040.
- Tiêu tiền đến đâu thì đổi đến đó, tránh đổi nhiều vì nếu không tiêu hết, khi về lại phải đổi ngược thành USD thì thiệt mất 2 lần.
- Nếu có thẻ credit hoặc debit thì tốt nhất nên mang theo thẻ, mang nhiều tiền mặt có thể rơi, mất hoặc nhầm lẫn. Tất nhiên vẫn phải có tiền mặt để thanh toán ở những nơi không có máy cà thẻ.
Đi gì?
- Nếu chưa quen đường sá, bạn nên đi taxi (Phải xem xe có hộp meter trên nóc xe không thì hãy đi nhé!), rẻ và dễ chịu hơn ở Việt Nam. Đi từ sân bay về khách sạn và ngược lại, tất nhiên nên đi taxi.
– Nếu quen đường, đi tuk tuk thì cứ trả giá bằng 1/4 thôi. Tuy nhiên các bác tuk tuk rất hay chào mời mình đến một số trung tâm bán đồ trang sức vì các bác dẫn khách đến là sẽ được coupon xăng dầu. Cần đi đâu, cứ nói rõ hoặc mang bản đồ ra là được.
– Khi đi mua sắm, nhớ mang theo card của khách sạn (lúc về chỉ cần đưa cho lái xe).
Người Thái Lan nói tiếng Anh tốt và theo cách rất dễ hiểu.
Một số câu tiếng Thái thông dụng:
Sa-wa-dee…………………………. Xin chào!
Sa-wa-dee krup……………………. Xin chào! (nếu bạn là nam)
Sa-wa-dee kaa…………………….. Xin chào! (nếu bạn là nữ)
Chai………………………………… Có, vâng!
Mai…………………………………. Không!
Khun……………………………….. Ông, bà, cô.
Sabai dee reu?…………………….. Bạn khỏe không?
Sabai dee………………………….. Khỏe!
Kop koon…………………………… Cảm ơn!
Mai pen rai…………………………. Không có gì đâu!
Phoot Thai mai dai…………………. Tôi không nói được tiếng Thái!
Mai kao chai……………………….. Tôi không hiểu!
Kao chai mai?………………………. Bạn có hiểu không?
Tai ruup dai mai?…………………… Tôi có thể chụp một bức ảnh chứ?
Hong nam yoo tee nai?……………. Nhà vệ sinh ở đâu vậy?
Chan cha pai………………………. Tôi đang đi…!
Chan mai pai………………………. Tôi sẽ không đi…!
Prot khap cha cha…………………. Xin lái xe chậm chậm một chút!
Ra wang…………………………… Hãy cẩn thận!
Liao khwa………………………….. Rẽ phải.
Liao sai…………………………….. Rẽ trái.
Khap trong pai…………………….. Đi thẳng.
Cha cha……………………………. Chậm lại!
Yut…………………………………. Dừng lại!
Nee tao rai?………………………… Cái này bao nhiêu tiền vậy?
Nee arai?…………………………… Cái này là cái gì?
Paeng maag……………………….. Ôi, đắt quá!
Lo ra kha dai mai?………………….. Có giảm giá không vậy?
Ho hai duai…………………………. Vui lòng gói nó lại giúp nhé!
Gep taang…………………………. Tính tiền nhé!
Prot phut cha cha………………….. Vui lòng nói chầm chậm một chút!
Di mak……………………………… Tốt lắm!
Mai di………………………………. Không tốt!
La gon……………………………… Tạm biệt!
Laew phob gan mai………………… Hẹn gặp lại!
Kor thoad………………………….. Xin lỗi!
Chúc các bạn có chuyến du lịch và mua sắm thật vui nhé!