Đã bao nhiêu đời nay, người dân ở làng biển Long Sơn – Vũng Tàu vẫn giữ nếp búi tóc, đi chân trần, để đầu trần, vận bà ba đen. Và cho đến tận bây giờ, nơi đây, vẫn còn truyền đời phong tục chết chung hòm kì bí và mang nhiều ý nghĩa nhân văn.
Ông Nhà Lớn
Làng biển Long Sơn nằm dưới chân núi Nứa, thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu. Từ thành phố Hồ Chí Minh đi theo quốc lộ 51, quẹo phải ngã ba Long Sơn, qua cầu Bà Nanh là đến được vùng đất yên bình này. Chúng tôi tìm đường đến khu di tích Nhà Lớn – niềm tự hào của người dân làng biển Long Sơn. Đây chính là nơi lưu giữ những lễ nghi, phong tục độc đáo của những người theo đạo “Ông Trần”. Ông Trần còn được gọi là ông Nhà Lớn, người có công khai hoang lập nên làng Long Sơn ngày nay.
Bà Lê Thị Kiềm, vị chủ nhân đời thứ tư của Nhà Lớn ra tiếp chúng tôi bằng một nụ cười nhã nhặn. Bà Kiềm năm nay đã 68 tuổi, là cháu đời thứ tư của ông Trần được đảm nhận nhiệm vụ trông coi Nhà Lớn. Bà Kiềm vận bộ đồ bà ba đen, tóc búi gọn sau gáy, đi chân trần. Và xung quanh, có rất nhiều người cũng diện trang phục tương tự. Theo bà Kiềm, lý do người dân nơi đây có thói quen ăn mặc như vậy là vì ngày xưa, Ông Trần lúc nào cũng bận bà ba đen để thuận tiện cho những công việc lao động nặng nhọc hằng ngày.
Người dân thấy áo bà ba đen ít lấm bẩn, nên học theo và cho đến nay, thói quen ấy đã in đậm vào nếp sống của người làng Long Sơn. Các tài liệu lịch sử tại Nhà Lớn ghi lại rằng, tên thật của ông Trần là Lê Văn Mưu, sinh 1856, tại làng Thiện Khánh, tổng Hà Thành, quận Giang Thành, tỉnh Hà Tiên (nay là Kiên Giang). Ông là nghĩa binh chống Pháp vùng Bảy Thưa – Láng Linh (nay thuộc An Giang) do quản cơ Trần Văn Thành thống lĩnh.
Sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, nghĩa binh bị truy sát gắt gao, ông Lê Văn Mưu phải lưu lạc, lánh nạn khắp nơi. Đến năm 1900, ông cùng gia quyến đã vượt biển đến định cư dưới chân núi Nứa, lập nên ấp Bà Trao, nay là xã Long Sơn. Hiện, chiếc thuyền ông Lê Văn Mưu dùng để vượt biển còn gọi là Ghe Sấm, vẫn được lưu giữ và trưng bày tại Nhà Thuyền ở khu di tích Nhà Lớn.
Bà Lê Thị Kiềm kể lại, sở dĩ gọi ông Lê Văn Mưu là “Ông Trần” vì ông có thói quen đi chân trần, để đầu trần. Tuy giàu có, làm chủ một vùng, nhưng ông suốt ngày lao động, đầu tắt mặt tối cùng người dân. Hơn nữa, việc đi chân trần, để đầu trần còn mang ý nghĩa “đầu đội trời, chân đạp đất” của bậc anh hùng ngày xa xưa. Người dân Long Sơn thường gọi tôn kính ông Trần bằng độc nhất một chữ “Ông”.
Tục “chết chung hòm”
Cụ Võ Văn Chót, 78 tuổi, một trong những cao niên được trông coi Nhà Lớn, kể lại: “Ông đã khai hoang mở đất, còn sẵn lòng cưu mang dân tứ xứ trôi dạt đến đây. Hễ ai mới đến là Ông cắt ruộng, cho đất. Ông còn bỏ tiền xây chợ, xây trường học, lặn lội rước thầy giáo từ Bà Rịa về Long Sơn để dạy cho dân chữ nghĩa.
Ơn của Ông rất lớn, nên sau khi Ông mất, trong dân gian đã hình thành tín ngưỡng đạo “Ông Trần”. Đạo Ông Trần độc đáo ở chỗ không hề có chuông mõ, kinh kệ, giáo lý, không mê tín dị đoan mà chỉ là những lời dạy được truyền khẩu qua nhiều đời về đạo đức, lối sống.
Người theo đạo Ông Trần không bị buộc phải “li gia cắt ái” mà vẫn được phép lấy vợ, lấy chồng, xây dựng cuộc sống gia đình như bình thường. Và tục “chết chung hòm” nổi tiếng ở Long Sơn cũng chính do ông Trần đặt ra và khuyên răn người dân nên lưu truyền. Theo bà Lê Thị Kiềm thì tục này bắt nguồn từ câu Ông Trần đã dạy “sống đồng tịch đồng sàn, chết đồng quan đồng quách”.
Khi một gia đình trong làng báo có tang, thì những người hàng xóm xung quanh liền cùng nhau sang giúp đỡ. Người lo khăn áo, người chạy đi thỉnh chiếc “bao quan dùng chung” để về khâm liệm thi hài … và đám tang được gọi là “đám xác”.
Cụ Võ Văn Chót cho biết: “Người chết không được bao bọc trong quan tài, nhưng có quấn chiếu theo nghi thức hết sức nghiêm cẩn”. Theo đó, thi hài được quấn trong 3 lớp. Lớp thứ nhất là 4 thước 5 vải trắng, lớp thứ hai là một đôi chiếu, lớp thứ 3 là 4 thước 5 vải đỏ. Sau đó quấn tiếp bằng 5 nuột vải trắng, gọi là “võng thân” – dùng để đưa thi hài xuống huyệt.
Người ta khiên thi hài đã được quấn chiếu, đặt vào chiếc hòm dùng chung, rồi khiên ra huyệt. Dưới đáy huyệt đã được để sẵn 1 đôi đệm, 1 đôi chiếu. Sau khi đưa thi hài xuống, người ta lại dùng 6 tấm lá chằm (lá dừa bện lại thành tấm, người xưa dùng để lợp nhà), xếp vào huyệt, mỗi bên 3 tấm, mô phỏng hình nóc nhà 2 mái. Sở dĩ vậy là do dân nơi đây luôn có ý niệm người đã khuất cũng cần có nhà để không phải bơ vơ, hoang lạnh.
Chiếc bao quan ủ ấm hàng ngàn thi hài
Sau khi an táng xong, chiếc “bao quan dùng chung” kia lại được đưa về nhà Hội, thuộc khu di tích Nhà Lớn. Chúng tôi may mắn được cụ Võ Văn Chót đưa đi xem chiếc bao quan đã từng ủ ấm thi hài hàng ngàn người đã khuất tại Long Sơn. Cánh cửa nhỏ ám bụi mở ra, chiếc bao quan màu đỏ như máu nằm im lìm trên hai chiếc ghế gỗ dài, …
Lại gần một chút mới biết, màu đỏ tươi kia không phải do sơn phết mà là do sáp đèn cầy tan chảy, qua hàng ngàn “đám xác” lớp sáp cứ dày lên và bao phủ hết mặt ngoài của chiếc bao quan. Theo ông Võ Văn Chót, nắp của chiếc bao quan được đan bằng lồ ô (một loại tre lớn – PV), các cạnh cũng được viền bằng thân lồ ô, mặt dưới bằng gỗ. Và lớp sáp đỏ khiến mặt ngoài của chiếc bao quan trở nên lấp lánh trong nắng chiều.
Theo bà Lê Thị Kiềm, vị chủ Nhà Lớn đời thứ tư thì Ông Trần dạy làm đám xác như vậy ngoài triết lý chết “đồng quan đồng quách”, còn để dân nơi đây tập tính tiết kiệm. Bà Lê Thị Kiềm cho biết thêm: “Xưa ông dạy “sáng tử chiều táng, chiều tử sáng táng”, nên đám xác ở đây được tiến hành rất nhanh, trong vòng 24 giờ đã xong xuôi, hoàn tất. Không cần coi ngày, coi giờ cũng không quàn thi hài quá lâu như những nơi khác”.
Và do an táng nhanh, không cúng bái, giết gà, mổ heo đãi khách linh đình nên hầu như đám xác ở Long Sơn rất ít khi tốn kém. Người phụ giúp chỉ dùng bữa cơm đạm bạc với gia chủ hữu sự rồi về. Và độc đáo hơn, nghi thức xả tang được thực hiện ngay sau khi chôn người đã khuất. Chúng tôi còn được đưa đi thăm khu mồ mả.
Trái với tưởng tượng, khu mồ Ông Trần, có thể được gọi là vị Thành hoàng làng lại khá giản dị như bao nấm mồ khác. Mồ ở đây lại không có bia mộ với mục đích sâu xa là tránh đi sự khoe mẽ, háo danh của những dòng tộc lớn muốn thể hiện sự giàu có của mình thông qua việc xây cất mồ mả khang trang. Bà Lê Thị Kiềm điềm đạm nói: “Ở Long Sơn này, kẻ hèn, người sang, dân nghèo hay người có chức quyền khi chết đi, đều ngang hàng, bình đẳng như nhau”.
Trong khi xã hội ngày càng nhiều những đám tang xa hoa, phung phí, những khu lăng mộ được xây dựng hoành tráng để khuếch trương thanh thế liên tục mọc lên, thì tục an táng nhanh gọn, vừa tiết kiệm lại vừa mang những triết lý sâu xa của người làng Long Sơn quả thật khiến người ta phải nể phục.
Theo Motthegioi