Khu di tích quốc gia đặc biệt Nguyễn Du có không gian văn hóa nhà vườn, là bối cảnh của phim tài liệu về đại thi hào Nguyễn Du.
Khu di tích Nguyễn Du lên phim
Khu di tích Nguyễn Du có diện tích hơn 4 ha, nằm bên quốc lộ 8B, thuộc xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, cách thành phố Hà Tĩnh 50 km. Theo gia phả dòng họ Nguyễn Tiên Điền, Tiên Điền vốn là vùng bãi bồi của sông Cả (sông Lam ngày nay), dân cư thưa thớt. Ông tổ của dòng họ Nguyễn Tiên Điền là Nguyễn Nhiệm di cư từ Hà Tây vào khai phá vùng đất này vào khoảng cuối thế kỷ 16. Hàng trăm năm sau, khi những hậu duệ của Nguyễn Nhiệm là Nguyễn Nghiễm (thân sinh Nguyễn Du) làm đến chức tể tướng trong triều đình, khu bãi bồi xưa kia trở thành một vùng trù phú, nơi đặt cội nguồn của gia tộc. Trên 400 năm, họ Nguyễn sống ở xã Tiên Điền, con cháu đã xây dựng một số đền, chùa, văn bia, cầu cống, đình làng… Đến nay phần lớn đã trở thành phế tích. Năm 1962, khi thành lập khu di tích, nhà chức trách đã cho phục dựng, làm mới nhiều công trình. Trước sân khu lưu niệm có bức tượng Nguyễn Du cao 1,5m làm bằng đồng, khăn đóng áo dài, tay cầm bút lông, đặt trên bệ tượng cao 2,5m, toát lên thần thái nho nhã của ông.
Phía sau là khu nhà tiếp khách, bảo tàng, lưu giữ hơn 1.000 hiện vật, tư liệu về Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền như: các bản Kiều Nôm cổ, nghiên mực, chén uống trà, móc treo mũ áo, chiếc đĩa Mai Hạt – kỷ vật của Nguyễn Du trong chuyến đi sứ Trung Quốc…
Từ ngày 15 đến 25/10, đoàn làm phim tài liệu nghệ thuật “Đại thi hào Nguyễn Du” đã về đây quay các phân cảnh. Phim nói về cuộc đời Nguyễn Du, kinh phí 15 tỷ đồng, được thực hiện theo nguồn xã hội hóa, dự kiến công chiếu vào tháng 9/2020, dịp đại lễ kỷ niệm 200 năm ngày mất của ông.
Nhiều ngôi nhà vách nứa, lợp lá cọ được dựng mới, xung quanh đặt nhiều chum nước để phục vụ cho các cảnh quay cổ trang.
Giếng nước được xây phục vụ cho các phân cảnh sinh hoạt nấu ăn, giặt quần áo… Trong ảnh, diễn viên Hoàng Phượng đóng vai bà Trần Thị Tần (mẹ Nguyễn Du) thực hiện một cảnh quay với con trai ngày bé.
Các ngôi nhà vách đất được dựng mới. Đây là nơi quay thước phim Nguyễn Du ở, trổ tài sáng tác thi ca. Ban quản lý cho hay, khi kết thúc bấm máy, những ngôi nhà này sẽ được giữ lại để phục vụ du lịch.
Ngoài các ngôi nhà tự dựng, các ngôi đình, nhà cổ có lịch sử hàng trăm năm nằm trong khuôn viên khu du tích Nguyễn Du cũng được chọn làm bối cảnh. Trong ảnh là đình Chợ Trổ, các cột trụ làm bằng gỗ lim và mít. Năm 1962, chính quyền đã dời ngôi đình này từ xã Đức Nhân (huyện Đức Thọ) đem về dựng lại.
Nhà Bình Văn được xây dựng năm 1836, được đoàn phim chọn quay cảnh sinh hoạt, đàm đạo văn chương của các nhà nho. Gần đó, nhà Văn Thánh mang dáng dấp kiến trúc cổ của cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, là nơi thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền nho sinh.
Các lối đi được lát gạch, hai bên có nhiều hàng cây xà cừ cổ thụ, trồng năm 1960.
Trước khu di tích là quảng trường Nguyễn Du rộng 4.600 m2, đang trong thời gian hoàn thiện một số hạng mục cơ bản. Tỉnh Hà Tĩnh dự kiến chi gần 40 tỷ đồng để chỉnh trang, hoàn thiện, để nơi đây thành trung tâm, văn hóa du lịch trọng điểm của cả nước. Ông Hồ Bách Khoa, Trưởng ban quản lý khu di tích quốc gia đặc biệt Nguyễn Du cho biết, mỗi năm đơn vị đón hàng vạn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu tư liệu. “Không gian văn hóa nhà vườn ở đây rất yên tĩnh, chưa bị phá vỡ bởi các công trình kiến trúc hiện đại, nên được nhiều người yêu thích”, ông Khoa nói. Nguyễn Du, hiệu Tố Như (1765-1820) quê xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, sống vào cuối nhà Lê đầu nhà Nguyễn, là nhà thơ lớn của Việt Nam được người Việt kính trọng gọi là “Đại thi hào dân tộc”. Ông có ba tập tác phẩm chữ Hán là Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục. Về văn thơ Nôm, Nguyễn Du sử dụng tài tình hai thể thơ dân tộc là lục bát và song thất lục bát. Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) là tác phẩm truyện Nôm nổi tiếng nhất của ông.
Theo Đức Hùng/ Vnexpress