Thử đặt ra cho mình những khoảnh khắc sống không vội vã ở một địa danh mới như Malacca, một thành phố lạ, giữa những người không quen biết, để cảm nhận hơi thở cuộc sống nơi này theo cách của riêng bạn – Sống chậm.
Từ thủ đô Kuala Lumpur, không mất nhiều thời gian, con đường đến Malacca, thành phố cổ của Malaysia gần 150 km chỉ mất 2 giờ xe chạy. Đường trải nhựa phẳng lỳ, êm ru, loang loáng hai bên đường là những rặng dâm bụt đỏ tươi (Bunga Raya), loài hoa được chọn là Quốc hoa của Malaysia, tượng trưng cho sự đoàn kết, hòa hợp và lòng dũng cảm. Chẳng ai để ý mình đã lướt qua bạt ngàn những rặng cọ dầu xanh thẳm – một loài cây đem lại nguồn thu đáng kể từ xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới cho Malaysia, và ra khỏi Thủ đô tự lúc nào.
Malacca hiện ra bình dị với dấu ấn của một thương cảng cổ, na ná như Hội An với những dãy nhà thấp 2 tầng trên con phố Cheng Lock và Hang Giebát mang kiến trúc thuộc địa có từ thế kỷ 17. Thành phố nhỏ, nên từ điểm du lịch này tới điểm du lịch khác, bạn chỉ cần đi bộ, đi xe bus, hoặc vẫy xe trishaw – phương tiện vận chuyển đặc trưng ở Malacca bằng xe đạp. Thực lòng, tôi không thích cái cách tô điểm lên chiếc xe đạp bình dị ấy nhiều màu sắc đến thế. Nhưng được ngồi trên một chiếc xe không gây ô nhiễm môi trường để thong dong phố phường, và còn được nghe nhạc từ chiếc loa thùng gắn trên xe cũng đem lại cảm giác là lạ, vui vui và thú vị.
Chúng tôi đi dọc vỉa hè, ngắm nghía những chiếc cửa gỗ được sơn màu xanh dương, thấy gần gũi như những ngôi nhà miền Tây Nam bộ ở Việt Nam, ngó nghiêng những cửa hàng bán đồ lưu niệm được bài trí ngồ ngộ, mộc mạc như những cửa hàng lưu niệm ở Hội An. Bạn đã cảm thấy hơi đói? Đừng vội tìm quán ăn, hãy thưởng thức chút sầu riêng Malaysia ngon nổi tiếng thế giới ngay trên đường phố.
Tranh thủ chưa đến giờ ăn trưa, Jess – bạn đồng hành người Malaysia gốc Hoa dẫn chúng tôi đến thăm ngôi đền Cheng Hoon được xây dựng từ năm 1646 mang phong cách kiến trúc Phúc Kiến, thờ Phật Quan Âm, Thiên Hạo (thần bảo vệ người đi biển) và Quan Công. Ngôi đền được xây dựng để cầu an cho người đi biển nơi đây, nên những người tới đây không chỉ là người theo đạo Phật, mà còn là đạo Hồi, và đạo Thiên chúa… Dù đã trải qua 366 năm, nhưng ngôi đền còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc và những họa tiết tinh xảo thếp vàng trên thân vì kèo.
Giờ thì đã đến lúc dành cho bữa trưa. Jess giới thiệu một quán ăn mà khi đã tới Malacca không nên bỏ qua: Famosa Chicken Rice Ball. Đúng như tên gọi, món đặc sản của quán và cũng là của Malacca chính là cơm viên gà. Một “tuần” trà cho những vị khách đường xa. Sau đó lần lượt trước mặt mỗi người là một đĩa cơm viên gà dưới xì dầu, cùng một bát súp nóng xương hầm. Biết phía trong là những vị khách Việt Nam đang vui chuyện, bàn tán sôi nổi về cái vị là lạ, mằn mặn của món cơm viên, anh Hoàng – người từ Sài Gòn sang bán hàng thuê ở đây tiếp lời “Nếu biết trước là người Việt, tôi đã khuyên các anh chị ăn thử một dĩa cho biết món truyền thống ở đây, chứ người nhà mình không hợp món này”. Nhưng thử và thưởng thức, chính là cái thú của mỗi chuyến du hành mà!
Chắc chắn, chúng tôi không thể bỏ qua những nơi mà mọi du khách tới đây đều đến, đó là các điểm di tích tôn giáo và văn hóa xưa cũ. Màu đỏ bao trùm từ Tòa thị chính, nhà thờ Thiên chúa giáo, Bảo tàng Melaka, những tòa lâu đài đến những khu biệt thự… Trong đó, nổi bật là những ngôi nhà thờ có lối kiến trúc đặc biệt do người Hà Lan xây dựng từ thế kỷ XVII. Nằm ngay trung tâm thành phố, có một ngọn đồi trên đỉnh có chứng tích của nhà thờ Thánh Paul được xây dựng năm 1521. Nhà thờ không còn nóc, nhưng vẫn còn sàn và những bức tường vững chắc làm từ những khối đá vuông lớn màu đỏ.
Mất 15 ringgit đi bằng Trishaw để đến pháo đài Porto Santiago do người Bồ Đào Nha xây dựng từ 1512, nơi đây chỉ còn lại dấu tích của những bức tường thành và các khẩu pháo, nhưng giờ đây khi pháo đài đã trở thành một điểm tham quan thì người dân địa phương đã có thêm dịch vụ vẽ ký họa bên trong pháo đài.
Lãng mạn nhất có lẽ là tour đi tàu trên sông Melaka, con sông chia thành phố nhỏ này thành hai nửa. Phía Đông thành phố là khu trung tâm mang dáng dấp khu phố kiểu Châu Âu, ẩn mình dưới chân tượng thánh Paul. Phía Tây là khu phố Tàu buôn bán sầm uất với đầy màu sắc lung linh. Điều đặc biệt là người dân nơi đây rất có ý thức khi biến những bức tường vô tri dọc hai bên bờ sông thành những bức tranh nhiều màu sắc, mô tả cuộc sống, nghệ thuật tuồng truyền thống, hay cảnh sinh hoạt của người Malacca cổ… khiến những du khách thích thú khi được khám phá văn hóa Malacca ngay cả khi dạo trên sông nước.
Chiều tối là lúc giờ chợ đêm bắt đầu mở cửa, tranh thủ lúc những hàng quán đang dọn mở hàng, tôi “lọ mọ” vào những con phố hẹp ở Malacca để cảm nhận cuộc sống của người dân nơi đây, dù là “cưỡi ngựa xem hoa”. Ở đây, cũng như những thành phố du lịch khác, nhiều cửa hàng nhỏ bày bán những sản vật địa phương, và cả những đồ xưa cũ của Malacca. Nếu tinh ý chọn lựa, thế nào bạn cũng sẽ tìm được cho mình một hoặc vài món đồ lưu niệm ưng ý. Hoặc nếu muốn tìm những món đồ cổ quí giá, bạn phải có quan hệ hoặc nhờ người tin tưởng giới thiệu, nếu không rất dễ mua nhầm phải đồ giả cổ.
Khi thành phố bắt đầu lên đèn cũng là lúc nên quay lại chợ đêm. Ở đây có những món ăn đường phố như hải sản, các loại bánh lá, các loại quà vặt là lạ mà bất cứ du khách nào cũng nên thưởng thức. Nhưng hãy nhớ là mỗi loại chỉ dùng một chút để có được nhiều trải nghiệm khác nhau khi thưởng thức món ăn đường phố.
Chia tay Malacca để trở lại Thủ đô, thú vị nhất là được lang thang trong khu phố cổ, sống chậm để khám phá những khoảnh khắc đời sống của những người mang nền văn hóa khác, và bỗng ngộ ra một lẽ sống cho riêng mình.