Khám phá tháp Nhạn, một trong những công trình kiến trúc lịch sử lâu đời của người Chăm còn sót lại, nơi lưu giữ những nét văn hóa lâu đời và bí ẩn.
Khám phá tháp Nhạn – công trình 800 năm tuổi kỳ thú của người Chăm
Vùng đất Phú Yên là nơi chứng kiến rất nhiều sự kiện lịch sử và nơi giao thoa các nền văn hóa, đặc biệt là văn hóa Chăm Pa. Tiêu biểu có thể kể đến tháp Nhạn, một trong những công trình của người Chăm hiếm hoi còn sót lại. Công trình kiến trúc nghệ thuật này có giá trị lịch sử và nghiên cứu đặc biệt cao, được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Tháp Nhạn nằm gần trên đỉnh ngọn núi Nhạn ở bờ bắc sông Đà Rằng thuộc thành phố Tuy Hòa, Phú Yên được xây dựng từ khoảng thế kỷ 12. Do có rất nhiều chim nhạn sinh sống và làm tổ nên người dân đã đặt tên nơi đây theo loài chim này.
Sự ra đời của tháp bắt nguồn từ câu chuyện tiên nữ Thiên Y A Na giáng trần. Bà chỉ dạy cho người dân sống ở vùng đất này tất cả mọi thứ từ cấy cày, dệt vải, kéo sợi… để có cách mưu sinh. Sau khi tiên nữ quay trở lại cõi tiên, người dân Chăm Pa vì thương nhớ và muốn khắc ghi công ơn người khai sáng cho dân tộc mình nên xây tháp để phụng thờ.
Tháp Nhạn có độ cao khoảng 23,5m với ba phần đến tháp, thân tháp và mái tháp. Các tầng tháp càng lên cao càng thu nhỏ lại. Phần đế tháp cao, hình vuông được ốp đa sa thạch. Phần thân là phần đồ sộ nhất với màu nâu đỏ rực rỡ, xây to ở phần thân và thu nhỏ dần về phía đỉnh.
Phần mái có bốn góc là các tai trụ giống các búp sen, phần đỉnh của các tai trụ là hòn đá lớn nguyên khối biểu tượng của Linga – sinh thực khí nam, tượng trưng cho thần Shiva, một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo.
Tháp Nhạn được xây dựng hoàn toàn bằng gạch nung xếp khít nhau rất vững chắc. Theo nghiên cứu, loại gạch này nhẹ nhưng độ bền, chịu nén, va đập gạch cao hơn gạch thường. Cho đến nay, việc tìm hiểu về cách pha trộn loại keo để gắn kết các viên gạch chắc chắn và không lộ ra chút đường hồ nào, vẫn còn bí ẩn.
Tháp Nhạn chỉ có một cửa duy nhất, quay về hướng Đông. Bên trong tháp được bày trí đơn giản, không xây bệ, giữa gian phòng là bàn thờ bà Chúa Thiên Y A Na. Lưu ý nhỏ là bạn sẽ không được mang giày vào khu vực bên trong gian thờ nhé.
Theo iVIVU.com