Nghề gác kèo ong ở vùng U Minh Hạ từ lâu đã trở thành nghề truyền thống độc đáo, tạo sinh kế cho nhiều người dân Cà Mau.
Khám phá nghề gác kèo ong ở vùng U Minh Hạ
Vào tháng 11 – 12 hằng năm, khi rừng U Minh hoa tràm nở rộ, các loài ong bay về chọn những nhánh tràm nằm xiên để đóng tổ. Biết quy luật này, những cư dân sống giữa rừng tràm bạt ngàn này phát hiện ra tập tính của loài ong mật là chỉ làm tổ ở những thân cây nghiêng như kèo nhà, từ đó họ tìm hiểu, nghiên cứu rồi nghĩ ra cách làm nhà cho ong và nghề gác kèo ong ra đời như vậy.
Về thời điểm gác kèo ong được cho biết, thường diễn ra vào thời gian cuối năm. Đây là dịp để người thợ trình diễn tay nghề và kinh nghiệm của mình, đồng thời cũng là nguồn thu nhập chính của rất nhiều hộ gia đình theo nghề “ăn ong” lấy mật. Khoảng tháng 5 đến tháng 8, những thợ rừng lại tiếp tục công việc gác kèo. Tuy nhiên, mật ong mùa nước chất lượng không bằng mùa khô.
Đây là một công việc đòi hỏi kĩ năng cũng như phải đảm bảo an toàn trong quá trình bắt để tránh xảy ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe. Trước khi thực hiện gác kèo ong phải thực hiện tốt các biện pháp bảo hộ, chuẩn bị các công cụ gác kèo gồm thân kèo, trụ đỡ và cây nạng. Bộ kèo này thông thường được làm từ cây tràm, thân suông, có đường kính từ 10-15 cm, lột sạch vỏ, để khô ráo. Trước khi mang vào rừng kèo, thường thoa một lớp sáp ong để mời gọi ong trinh sát.
Việc gác kèo ong đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, không phải ai gác ong cũng đến làm tổ. Muốn gác được kèo ong phải chọn vị trí gác kèo sao cho có ánh mặt trời rọi vào cả hai bên kèo, nghĩa là ở buổi nào, cũng phải có ánh mặt trời chiếu vào. Kèo được gác theo hình mái nhà. Thời gian gác kèo tốt nhất là từ lúc mặt trời mọc đến 9 giờ sáng vì thời điểm này sẽ xác định đúng hướng mặt trời mọc. Sau khi chuẩn bị xong mọi thứ phải xóa hết dấu vết, vì bị động, ong sẽ không đến “ốp” (làm tổ). Với người thợ dày dặn kinh nghiệm, gác kèo xong là họ có thể đoán được khi nào ong đến ốp và thời gian nào quay lại để xem thành quả.
Được biết thời gian ong làm tổ từ khoảng 20 đến 30 ngày nhưng cũng có khi buổi sáng gác, chiều đã có ong đóng tổ. Khi thấy tổ ong bít kín không còn lỗ nào thì có thể lấy mật hoặc sau khi gác kèo khoảng 20 ngày. Những kèo không có ong thì kiểm tra lại trảng, ánh sáng, hướng gió,… để điều chỉnh cho hợp lý.
Để lấy mật, người thợ phải mang theo một chiếc gùi, cái hộp quẹt, nhúm bùi nhùi bằng xơ dừa, hay vỏ tràm khô, một con dao và chiếc mạng che mặt. Sau đó, người thợ chọn vị trí thuận tiện, phía đầu gió mà đốt đuốc, đôi khi dùng sào dài đưa đến gần tổ. Gặp khói cay, ong bay đi, dùng dao cắt phần mật, tách phần mật ra khỏi phần tàng, rồi cắt bớt phần tàng có màu đen, chỉ chừa lại một phần tàng thường khoảng 1/3 tổ để ong làm tổ mới.
Trong quá trình gác ong nếu để ong phát hiện và đánh (đốt) phải chạy ngược hướng gió. Việc bị ong đốt là chuyện thường xảy ra, thậm chí có lúc còn gặp rắn độc, heo rừng, tùy trường hợp mà có cách xử lý khác nhau. Vì thế, mỗi nhóm “ăn ong” thường có từ 3 người trở lên để hỗ trợ nhau.
Theo iVIVU.com