Mắm tép thịt luộc – món ăn hao cơm của người miền Tây, dù đi đâu cũng khiến bạn luôn nhớ về nó.
Hướng dẫn cách làm mắm tép thịt luộc miền Tây
Món mắm tép thịt luộc thường hiện diện trên mâm cơm hàng ngày hay trong các dịp lễ, tết, giỗ chạp của người miền Tây. Ở vùng đất kênh rạch chằng chịt, lắm tôm nhiều cá, để có thức ăn quanh năm lúc ngày mùa bận rộn hoặc khi trời mưa gió, người dân thường làm mắm, làm khô để trữ ăn dần. Mắm tép cũng vậy.
Gặp “con nước kém” (nước chảy yếu và đỉnh nước thấp), người dân thường trải đáy, hoặc đặt nò (hoặc lờ) sẽ có được mớ tép bạc đất. Con nào con nấy búng tanh tách trong rổ tre, khoe cái thân khỏe khoắn màu nâu đất. Tép bạc nhất định phải tươi, nhảy xoi xói thì làm mắm mới ngon. Tép bạc làm mắm thường vừa tay, không quá lớn.
Để làm ra được hũ mắm ngon cũng lắm công phu. Tép sau khi làm sạch, chừa đuôi sẽ được rửa lại thật kỹ với rượu trắng để khử mùi tanh. Đặc biệt, để giữ tính thẩm mĩ cho món ăn, người làm phải tỉ mỉ lấy “chỉ đen” ở sống lưng tép, có như vậy, sau khi phơi tép mới cho màu đỏ au, không bị đen.
Nước mắm để ngâm tép phải là loại nước mắm nhĩ mới có vị đậm đà và cho màu đẹp mắt. Nước mắm được nêm cùng chút đường, hạt nêm rồi nấu sôi để nguội. Sau đó, người làm chọn một hũ sành để ngâm tép cùng với nước mắm và các gia vị sẵn có trong vườn như ớt hiểm chín, tỏi, gừng tươi hoặc riềng.
Mắm sau khi ngâm sẽ được phơi nắng liên tục trong hơn 20 ngày. Khi phơi, người ta phải lắc hũ mắm để tép được chín đều và thấm gia vị. Vì cần nắng để tép chín, người dân thường chọn tháng nắng để làm mắm, nhất là vào những ngày giáp tết, gặp nắng giòn phơi mắm ít nhọc công.
Mắm tép khi ăn thường được trộn chung với đu đủ, như vậy mới tăng độ ngon của món ăn. Chọn trái đu đủ “mỏ vịt” vừa chín tới, vỏ bên ngoài còn xanh nhưng bên trong đã chín hườm hườm, ruột vàng tươi. Đu đủ xắt miếng nhỏ, để trong thau nước có chút đá lạnh cho giòn rồi vắt cho ráo nước. Sau đó, nêm vào chút đường, nước mắm ngon.
Hũ mắm tép ngâm đúng ngày, vừa mở ra mùi thơm đã bay từ nhà bếp lên tận nhà trên. Lúc này, đổ hũ mắm tép vào thau đu đủ xắt sẵn, trộn đều với ớt hiểm chín cây và gừng tươi.
Rau gì ăn cùng bánh xèo được thì ăn mắm tép được, người miền Tây thường nói vậy. Mắm tép phải có thịt luộc như cà pháo phải có mắm tôm. Hai món rõ ràng tách bạch ấy vậy mà khi “nên duyên” lại cho ra một đặc sản được lòng hết thảy người miền Tây, độ ngon khó món nào sánh bằng.
Đến giờ cơm, dĩa mắm tép đỏ au điểm xuyết những sợi đu đủ vàng, được dọn ra cùng thịt ba chỉ luộc xắt mỏng. Bên cạnh là dĩa rau vườn xanh mướt không thể tươi hơn. Cơm nóng sẵn sàng. Gắp miếng thịt luộc ướt mỡ, chấm ngặp nước mắm tép, kèm theo miếng chuối chát, từ từ cho vào miệng, nhai chậm rãi để cảm nhận được hết cái ngon, cái đậm vị của món ăn này. Vị mằn mặn của mắm, vị ngọt của tép, của thịt, vị chan chát của rau, vị cay của ớt, mùi thơm của gừng, cái giòn giòn của đu đủ, cứ thế làm cho cả chủ lẫn khách xích lại gần nhau. Câu chuyện trên bàn ăn rôm rả, còn nồi cơm cứ vơi dần, hết lúc nào không hay.
Trên mâm cơm ngày thường, mắm tép thịt luộc sẽ được ăn cùng cơm trắng. Nhưng vào ngày tết, lúc các món gà, vịt đã ngán, mắm tép là “cứu cánh” của nhiều bà nội trợ. Lúc này, bánh tráng sẽ “bầu bạn” cùng mắm tép. Cuốn miếng bánh tráng với bún, rau sống, thịt luộc rồi chấm với mắm tép, ăn bao nhiêu cũng không đủ, ăn mấy cũng không no.
Theo Thanh Thúy/Vnexpress